06/09/2023 13:47
Cần 'trợ lực' cho các đường bay ngách
Hiệu quả tích cực của các đường bay ngách hiện nay đã và đang rất rõ rệt. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các đường bay ngách lại là bài toán khó. Trước nguy cơ nhiều đường bay ngách phải đóng cửa, cần chiến lược tổng thể để “trợ lực” cho các đường bay ngách bằng các giải pháp mạnh mẽ hơn.
Từ sau dịch bệnh COVID-19 tới nay, tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nội địa. Có thể thấy, bên cạnh trục "đường bay vàng" Hà Nội-TPHCM lọt Top 2 đường bay đông khách nhất thế giới (chỉ sau đường bay Seoul - Jeju của Hàn Quốc) thì các đường bay ngách "nở rộ" trong và sau giai đoạn COVID-19 đã cứu doanh thu cho các hãng hàng không.
Du lịch cất cánh, địa phương hưởng lợi
Từ khi các đường bay ngách được mở ra, đa số các địa phương có đường bay thẳng kết nối với các thành phố lớn trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch và cũng thu hút nhiều nhà đầu tư vào địa phương hơn.
Tại Phú Quốc, nếu như trước năm 2012, du lịch Phú Quốc "dậm chân tại chỗ" suốt thời gian dài do di chuyển khó khăn, du khách muốn ra đảo Phú Quốc buộc phải đi tàu cao tốc, vừa phải phụ thuộc vào thời tiết và cũng không được du khách ưa chuộng vì chặng tàu dài dễ say sóng.
Tuy nhiên, du lịch Phú Quốc đã bước sang trang mới khi tháng 12/2012, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chính thức đi vào vận hành, trở thành "cú hích" cho doanh thu du lịch địa phương.
Sau 11 năm hoạt động, sân bay Phú Quốc đã đón trên 3,7 triệu lượt hành khách/năm, vượt xa công suất kỳ vọng ban đầu 2,64 triệu hành khách/năm.
Sân bay này cũng đang nằm trong kế hoạch mở rộng để có thể đón 10 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2030, 18 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2050.
Tương tự với Côn Đảo, từ khi hãng hàng không Bamboo Airways (Tre Việt) khai thác các đường bay thẳng tới đây, du khách đã dễ dàng di chuyển từ miền Bắc và miền Trung đến Côn Đảo qua 1 chuyến thay vì phải trung chuyển qua nhiều phương tiện, cung đường như trước.
"Chỉ tính riêng trong quý 1/2021, sân bay Côn Đảo ước đón gần 221.000 lượt khách, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Các đường bay thẳng mới đã giúp giao thông Côn Đảo nâng cao cả về năng lực và chất lượng dịch vụ, góp phần đưa kinh tế, xã hội của địa phương bước sang trang mới, đưa Côn Đảo trở thành điểm sáng du lịch của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu", ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Bí thư Huyện uỷ Côn Đảo cho biết.
Mới đây là Cà Mau, địa phương cuối cùng được hòa vào mạng bay kết nối Thủ đô Hà Nội qua đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau của Bamboo Airways từ cuối tháng 4/2023.
Ngành du lịch Cà Mau đã ghi nhận lượt khách tới địa phương tăng 267% trong dịp Lễ 30/4 vừa qua. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt hơn 163 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2022.
Cần sự "trợ lực", đồng hành duy trì các đường bay ngách
Khác với các trục bay chính hay "đường bay vàng", các hãng hàng không chỉ cần được xếp slot bay là có thể cân đối doanh thu thì các sân bay địa phương đều là sân bay nhỏ, không đủ điều kiện để khai thác thương mại dù hệ số sử dụng ghế cao.
Nhu cầu của hành khách bay nội địa, nhất là đường bay ngách lại thường tăng trưởng nóng vào các dịp cao điểm như Hè, lễ, Tết, còn lại tương đối vắng khách. Do đó, khi khai thác các đường bay ngách, hầu hết các hãng đều phải bù lỗ.
Đại diện Bamboo Airways cho biết: Thực tế hiện nay một máy bay E190 bay đến sân bay Cà Mau có sức chứa 98 hành khách. Do hạn chế về sức chịu tải của đường băng tại sân bay Cà Mau, hãng bay không thể khai thác tối đa tải trọng của phản lực. Việc phải khai thác với nhiều ghế trống trên máy bay ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của hãng.
"Chi phí nhiên liệu, thuế phí, nhân công… không thay đổi khiến hãng đang phải bù lỗ cho mỗi chuyến bay, dù bán hết vé. Dẫn đến nghịch lý càng bay, thì hãng càng lỗ. Mặc dù đường bay ngách Hà Nội – Cà Mau có tỉ lệ đặt chỗ cao và rất cao vào mùa cao điểm. Hết thời gian được phép khai thác vượt tải vào tháng 7/2023 vừa qua, đường lăn sân bay Cà Mau vẫn chưa được hoàn thành để hãng khai thác đúng tải trọng", đại diện hãng hàng không Bamboo thông tin.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp hàng không, tỉnh Cà Mau và các cơ quan chuyên môn đã kiểm tra tình trạng đường băng tại sân bay Cà Mau và khẳng định đường băng không phát sinh hư hỏng bất thường từ khi khai thác đường bay Hà Nội - Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã gửi văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) xem xét, chấp thuận cho tiếp tục khai thác máy bay E190 tại sân bay Cà Mau như phương án khai thác trong thời gian qua cho đến khi công tác bảo trì đường băng được thực hiện. Song, kiến nghị này vẫn chưa phê duyệt.
Không chỉ đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau "gặp khó", thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy nhiều đường bay ngách cũng đang phải tạm dừng.
Vietnam Airlines thời điểm tháng 7/2020 từng khai thác 61 đường bay nội địa với tần suất ngày cao điểm lên tới gần 500 chuyến/ngày thì hiện tại số đường bay chỉ còn 49 đường bay nội địa. Vietjet cũng đẩy mạnh hiện diện ở thị trường nước ngoài hơn là mở thêm các đường bay ngách. Một số đường bay mới mở của Vietjet như Cần Thơ - Vân Đồn lượng khách cũng không được như mong đợi.
Đại diện Bamboo Airways kiến nghị: Hiệu quả tích cực của các đường bay ngách đã rất rõ rệt nhưng để khai thác hiệu quả các đường bay ngách lại là bài toán khó do vậy cần một chiến lược tổng thể để "trợ lực" cho các đường bay ngách như: Đẩy mạnh vai trò của tư nhân tham gia xã hội hoá hạ tầng sân bay để nhanh chóng nâng cấp được các sân bay địa phương; liên kết truyền thông quảng bá điểm du lịch mới, kích thích nhu cầu tự thân của thị trường, tăng hệ số sử dụng ghế.
"Sự đồng hành, tạo điều kiện của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng, các địa phương sẽ không chỉ góp phần giúp các hãng hàng không có lực để duy trì khai thác các đường bay ngách, mà còn mở ra cơ hội để kinh tế địa phương cũng như đời sống của người dân "cất cánh", đại diện hãng hàng không Tre Việt bày tỏ.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp