06/06/2024 07:57
Cần tạo cơ chế riêng cho nhà ở xã hội
Thực trạng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội là bài toán chưa có lời giải từ nhiều năm nay. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai loại hình nhà ở rất quan trọng này, cần có cơ chế riêng như các nước trên thế giới đang áp dụng.
Còn nhiều vướng mắc
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030” mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, mới giải ngân được 1.144 tỷ đồng trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực này, trong đó 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư các dự án vay, 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay. So với thời điểm cuối tháng 3/2024, số tiền giải ngân hiện tăng gần gấp đôi nhưng cũng chỉ đạt gần 1% quy mô gói vay, với tiến độ giải ngân rất chậm.
Bên cạnh lãi suất vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được cho là còn cao (từ 7-8,2%/năm), nguyên nhân chính khiến việc giải ngân diễn ra chậm - theo Ngân hàng Nhà nước - là do nhiều dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc này khiến các tổ chức tín dụng thiếu cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay, có 30 địa phương trên cả nước công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều nơi có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, cho dù tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An... Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến nay, số dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên cả nước là 503 dự án, tăng 4 dự án so với thời điểm 15/3/2024.
Thực tế, địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình này, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi để thu hút nhà đầu tư tham gia, thế nhưng sau rất nhiều năm vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình) chia sẻ, cùng một diện tích xây dựng sàn khoảng 150.000 m2, một dự án nhà ở thương mại có thể mang về khoảng 2.500 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng nếu làm nhà ở xã hội chỉ lời được 200 tỷ đồng (chưa đến 10%). Chưa kể, doanh nghiệp phải mất hơn 500 ngày, thậm chí nhiều hơn… mới được cấp chủ trương đầu tư dự án làm nhà ở xã hội cho một khu đất.
Còn đại diện Tập đoàn Vingroup cho hay, để dự án nhà ở xã hội thực sự là các khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ tiện ích nhằm nâng cao cuộc sống của người dân, bên cạnh nâng cao chất lượng căn hộ, việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ phục vụ người dân là rất cần thiết, đặc biệt với những dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng. Vì vậy, nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ thì dễ dẫn đến tăng chi phí, tăng giá bán nhà ở xã hội.
Tại hội nghị chuyên đề giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn ra hai tuần trước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Hữu Trí cho hay, triển khai kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn có 5 địa phương có danh mục dự án nhà ở xã hội, nhưng chưa có dự án nào được lập đề xuất chủ trương đầu tư làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cũng thông tin, hiện nay, đất sạch dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa có. Các dự án nằm trong quy hoạch có nhiều trường hợp chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có đất sạch.
Nguyên nhân các địa phương chưa bố trí được đất sạch theo tỷ lệ 20% cho phát triển nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014, theo ông Nguyễn Hoàng Nam - chuyên gia nhà ở xã hội, là nằm ở cơ chế và vai trò giám sát của chính quyền địa phương trong việc yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện triệt để việc trích 20% quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án bất động sản, khu đô thị mới. Thậm chí, công tác rà soát, truy thu, quy đổi... để có đất ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa được thực hiện rốt ráo, dẫn tới việc địa phương khó bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư có nhu cầu.
Cần cơ chế riêng
Chỉ thị 34-CT/TW do Ban Bí thư ban hành tuần trước nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, thể hiện đặc trưng bản chất tốt đẹp của chế độ, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện quy hoạch, bố trí các khu nhà ở xã hội độc lập hoặc trong các dự án nhà ở thương mại tại các vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với các trung tâm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu. Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội, có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội ngày 27/5/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cần có thêm các quy định mang tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Để giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra đề xuất, Bộ Xây dựng chỉ đạo sở xây dựng các địa phương thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án nhà ở xã hội đã có chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư; Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói tín dụng 125.000 tỷ đồng bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn chỉ làm dự án cao cấp đã gia nhập cuộc đua làm nhà ở xã hội với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn.
Chẳng hạn, Vinhomes đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa, bổ sung hơn 10.000 căn nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương. Ngoài ra, Vinhomes còn đang thực hiện thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP.HCM...
Viglacera đã bàn giao khoảng 5.000 căn hộ tại Hà Nội và đang triển khai các dự án ở 4 địa phương khác gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với quy mô hơn 10.000 căn. Hiện có sẵn khoảng 3.000 căn có thể đưa vào sử dụng với giá bán 8-10 triệu đồng/m2.
Tương tự, trong năm nay, Becamex IDC sẽ ưu tiên khởi công 10.000 căn nhà ở xã hội tại Bình Dương; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Hancorp công bố muốn làm gần 10.000 căn nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hà Nam, Đồng Nai; Tập đoàn Phú Cường sẽ khởi công thêm hàng nghìn căn hộ tại Bình Dương, Kiên Giang...
Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) - thành viên thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh - cũng có kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội. Tháng 12/2023, liên danh của Hưng Thịnh Incons đã đăng ký thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Cầu Rào 2 (quận Lê Chân, Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết sẽ tham gia và cam kết đóng góp 20.000 sản phẩm nhà ở xã hội trong những dự án nhà ở thương mại mà Công ty triển khai.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp