Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cấm xe máy hay “làm sao để dân không phải đi xe máy”?

Phân tích

20/06/2017 09:03

Cơ quan chức năng đang rục rịch cấm xe máy ở một số thành phố lớn trong tương lai không xa. Người ta nhắc rất nhiều đến ảnh hưởng của xe máy đối với giao thông hay ô nhiễm môi trường, nhưng không ai đặt vấn đề “làm sao để dân không phải đi xe máy”.

Theo một lộ trình dự kiến, Hà Nội định cấm xe máy trong khu vực nội đô từ năm 2030. TPHCM cũng đang tìm cách hạn chế và tiến tới cấm xe máy trong tương lai không xa. Hai thành phố đông dân cư nhất Việt Nam và cũng có lượng xe máy lớn nhất cùng mật độ giao thông dày dặc nhất, đang muốn cấm xe máy.

Theo số liệu thống kê gần đây, TPHCM có khoảng 7,4 triệu xe máy, trong khi Hà Nội ít hơn với khoảng 5,2 triệu xe máy. Lượng xe máy khổng lồ này đang là phương tiện đi lại chính của nhiều người dân, từ phương tiện di chuyển cho tới phương tiện mưu sinh hàng ngày.

Xe máy quá đông mang tới nhiều hệ lụy, từ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cho tới ô nhiễm môi trường. Đó là những lý do đủ lớn để các cơ quan chức năng tìm cách hạn chế, tiến tới cấm xe máy trong nội thành các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Thị trường xe máy được đánh giá là bão hòa, cộng thêm những thông tin về việc hạn chế xe máy trong tương lai khiến dư luận hoang mang, đáng ra doanh số phải sụt giảm. Tuy nhiên phản ứng từ thị trường là trái ngược hoàn toàn.

Cụ thể, Honda Việt Nam công bố đạt sản lượng bán hàng kỷ lục 2,17 triệu xe trong năm tài chính 2017 (từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017). Honda chiếm khoảng 70% thị trường xe máy Việt Nam, cho thấy thị trường này đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới bất chấp thông tin hạn chế hay cấm phương tiện này.

Ngoài doanh số xe, thị trường xe máy đang tiếp tục mở rộng phân khúc, với việc các hãng xe đang rục rịch mang về hàng loạt mẫu xe thể thao, xe phân khối lớn, từ Honda, Yamaha, Suzuki hay Piaggio. Trong tương lai, xe tay ga và xe phân khối vừa và lớn hứa hẹn sẽ là sản phẩm thay thế cho xe số phổ thông.

Tăng trưởng của thị trường xe máy cho thấy, nhu cầu của người sử dụng xe máy không hề giảm. Điều này là không khó đoán, trong khi hạ tầng giao thông không cải thiện, xe hơi vẫn là phương tiện đắt tiền không phải ai cũng sở hữu được, và hạ tầng giao thông công cộng vừa thiếu lại vừa yếu.

Vấn đề làm thế nào để cấm xe máy tại các đô thị lớn, đáng ra phải được đặt ở góc nhìn khác, đó là làm thế nào để người dân không cần phải đi xe máy. Rõ ràng xe máy không phải là phương tiện an toàn, khi thương vong phần lớn trong các vụ tai nạn giao thông thuộc về người đi xe máy, những người phải hít khói bụi, chịu đựng ô nhiễm nhiều nhất cũng là người đi xe máy. Thế nhưng, người ta vẫn phải lựa chọn phương tiện này cho nhu cầu di chuyển thiết yếu hàng ngày, bởi vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Lãnh đạo Piaggio Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn, đã không ngần ngại “không tin” vào việc có thể cấm xe máy thành công tại Việt Nam, khi được hỏi liệu Piaggio sẽ làm gì nếu xe máy bị cấm tại Hà Nội hay TPHCM. Honda Việt Nam vẫn tiếp tục đặt mục tiêu doanh số nhiều hơn 2 triệu xe mỗi năm, rõ ràng việc cấm xe máy đang nhận được sự hoài nghi của cả người mua, kẻ bán.

Sự hoài nghi đến từ sự chậm trễ trong việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, cho tới thời điểm năm 2030 mà Hà Nội định cấm xe máy, vẫn khó có khả năng những tuyến giao thông công cộng chính có thể đi vào hoạt động và kết nối với nhau tạo thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và tiện lợi cho người dân.

Nếu cấm xe máy trong nội đô Hà Nội hay TPHCM trong thời điểm dự kiến đó, câu hỏi đặt ra là người dân sẽ sử dụng phương tiện nào để di chuyển? Nếu không có giải pháp, rõ ràng việc cấm xe máy là không khả thi và bất hợp lý, thậm chí “chặn đường sống” của nhiều người dân. Phương án cấm ở một số con đường để nhường đất cho xe hơi và xe bus có thể khiến những con đường khác quá tải và gây nên sự hỗn loạn.

Đài Loan là một trong những nơi tràn ngập xe máy.

Rõ ràng, song song với việc tìm cách hạn chế dẫn tới cấm xe máy, điều cần phải làm gấp gáp hơn chính là xây dựng mạng lưới giao thông công cộng liên kết chặt chẽ với nhau, từ xe bus, đường sắt trên cao cho tới tàu điện ngầm, giúp người dân có thể tiện lợi đi lại mà không cần sử dụng xe máy. Khi đó, những biện pháp hạn chế xe máy đi kèm sẽ khiến người dân chuyển dần từ phương tiện “nguy hiểm” này sang các phương tiện công cộng.

Về phía người dân, sự tiện lợi “tuyệt đối”của xe máy đã đến lúc cần phải kết thúc, vì một môi trường giao thông hiện đại hơn và an toàn hơn. Thay vì đi xe máy tới mọi ngóc ngách, người dân cần tập thói quen đi bộ 300-500 mét, tới một điểm xe bus/tàu trên cao/tàu điện ngầm, đây là cách mà các đô thị lớn trên thế giới đều áp dụng. Không nơi nào trên thế giới có thể mang điểm đón giao thông công cộng tới ngõ từng ngôi nhà được, và người dân cũng cần phải “hi sinh”.

Giao thông công cộng phát triển sẽ là tâm điểm để khiến người dân không còn phải đi xe máy, ngược lại, cấm xe máy một cách cực đoan không phải là cách tạo nên một hệ thống giao thông hiệu quả. Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, xe máy vẫn được phép hoạt động, tuy nhiên, người ta lại chọn phương tiện giao thông công cộng, vì nó văn minh hơn, tiện lợi hơn và tiết kiệm hơn.

TÔ TÙNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement