13/03/2021 17:33
Cải cách kinh tế những năm 1980 đã thay đổi bộ mặt Việt Nam như thế nào?
Kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1995, không có quốc gia nào có quy mô tương đương, đạt được mức độ tự do kinh tế nhanh chóng như Việt Nam.
Chỉ số này sử dụng 12 tiêu chí để đo lường tự do kinh tế của mỗi quốc gia, trong tổng số 178 quốc gia. Các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng bao gồm Singapore, New Zealand, Australia và Thụy Sĩ. Trong khi đó, Cuba, Venezuela và Triều Tiên chiếm những vị trí cuối cùng.
Giữ vị trí đầu bảng là Singapore với 89,7 điểm và cuối bảng là Triều Tiên với 5,2 điểm. Điểm chỉ số gần đây nhất của Việt Nam là 61,7 điểm, tăng 2,9 điểm so với năm trước. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có nền kinh tế “tự do vừa phải” lần đầu tiên trong lịch sử của chỉ số này.
Việt Nam đã thành công vượt bậc
Thực tế là Việt Nam đứng thứ 9 trong tổng số 178 quốc gia. Nhưng khi đánh giá triển vọng kinh tế của một đất nước, điều quan trọng không phải là quốc gia đó hiện đang đứng ở đâu trong bảng xếp hạng, mà là xếp hạng của quốc gia đó đã phát triển như thế nào theo thời gian. Và liệu mức độ tự do kinh tế của quốc gia đó tăng hay giảm.
Ở khía cạnh này, Việt Nam đã thành công vượt bậc. Trở lại thời điểm Quỹ Di sản công bố chỉ số đầu tiên vào năm 1995, Việt Nam đạt 41,7 điểm. Đến năm 2005, con số này đã tăng lên 48,1 điểm và vào năm 2010, con số này tiếp tục tăng lên 49,8 điểm.
Điều đáng chú ý là sự gia tăng đáng kể về tự do kinh tế kể từ năm 2015, khi Việt Nam được chấm 51,7. Kể từ đó, Việt Nam đã ghi thêm 10 điểm nữa để đạt 61,7 điểm ở thời điểm hiện tại, tăng 20 điểm kể từ năm 1995.
Để so sánh, Hoa Kỳ đạt 76,7 điểm vào năm 1995 và đã giảm nhẹ xuống 74,8 điểm vào năm 2021. Ý và Pháp hầu như không đạt được tiến bộ nào về tự do kinh tế trong 25 năm. Vào thời điểm năm 1995, hai quốc gia này đạt lần lượt 61,2 điểm và 64,4 điểm. Ở thời điểm hiện tại, chỉ số của hai quốc gia không xê xích nhiều, lần lượt là 64,9 điểm và 65,7 điểm.
Chỉ có 5 quốc gia trên thế giới đạt điểm xấp xỉ hoặc vượt qua các thành tựu tự do kinh tế của Việt Nam trong 25 năm qua. Năm quốc gia này là Moldavia, Bulgaria, Belarus, Romania và Angola.
Venezuela là một ví dụ của việc "đi ngược"
Trong khi sự gia tăng tự do kinh tế tương đương với tăng trưởng kinh tế, thì sự giảm tự do kinh tế thể hiện chất lượng cuộc sống giảm sút.
Điều này được minh họa bằng ví dụ ngược lại của Venezuela. Trong khi Việt Nam đang từng bước phát triển từ nền kinh tế nhà nước sang nền kinh tế thị trường, thì Venezuela lại đi theo hướng ngược lại, đi từ nền kinh tế thị trường sang nền kinh tế nhà nước.
Năm 1995, Chỉ số Tự do Kinh tế trao cho Venezuela 59,8 điểm. Ngay sau đó, vào năm 1999, Hugo Chavéz lên nắm quyền và phát động “Chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21”. Ông bắt tay vào một chương trình quốc hữu hóa và kiểm soát giá cả và ngày càng hạn chế quyền tự do kinh tế. Kết quả là, trong bảng xếp hạng của Tổ chức Di sản năm 2021, Venezuela chỉ đạt 24,7 điểm.
Điều này có nghĩa là so với cùng kỳ, số điểm của Việt Nam tăng 20 điểm, của Venezuela giảm gần 36 điểm. Và trong khi mức sống ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong 25 năm qua, nó lại giảm đáng kể đối với người dân Venezuela.
Ở quốc gia này, tỷ lệ lạm phát cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Một số lượng lớn người dân đang phải chịu đựng khỏi nạn đói và hơn 10% dân số đã phải di dân.
Sự phát triển kinh tế của Việt Nam bắt đầu vào năm 1986 với việc khởi động cải cách “Đổi Mới”, chuyển Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường.
Nhờ đó, GDP của Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,7% mỗi năm, từ năm 1995 - 2020. Tỷ lệ chi tiêu của chính phủ trên GDP cũng rất khả quan và thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước phương Tây. Ví dụ ở Hoa Kỳ, chi tiêu của chính phủ lên tới 35,7% GDP vào năm 2019, so với chỉ 29,1% ở Việt Nam trong cùng năm.
Đã đến lúc tăng cường pháp quyền
Chỉ số Tự do Kinh tế dựa trên tổng số 12 tiêu chí và chi làm 4 loại. Việt Nam đạt điểm đặc biệt cao về “Chi tiêu của Chính phủ”, “Sức khỏe tài khóa”, “Gánh nặng thuế”, “Tự do thương mại” và “Tự do tiền tệ”.
Việt Nam hiện đại nổi bật bởi thuế thấp, tài chính công lành mạnh và chi tiêu chính phủ vừa phải. Ngược lại, điểm cho “Tính liêm chính của chính phủ”, “Hiệu quả tư pháp” và “Tự do đầu tư” vẫn tương đối thấp. Đặc biệt, tham nhũng vẫn là một vấn đề nan giải.
Bài học cho Việt Nam rất rõ ràng, Việt Nam cần phải đi đúng hướng trên con đường hướng tới tự do thị trường hơn và ít can thiệp của nhà nước hơn, đồng thời chống tham nhũng và tăng cường pháp quyền.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp