06/10/2020 12:34
Các tỉnh chủ động phòng chống dịch tả heo châu Phi
Để chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tả heo Châu Phi hiệu quả, tỉnh Khánh Hòa và Bình Phước đã ban hành kế hoạch ứng phó.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định ban hành kế hoạch phòng chống dịch tả heo Châu Phi, nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức triển khai kế hoạch theo đúng quy định.
Kinh phí dự kiến triển khai kế hoạch phòng chống dịch tả heo Châu Phi vào các tháng cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh là hơn 2,2 tỷ đồng. Trong đó có kinh phí mua hóa chất dự trữ chống dịch và hóa chất vệ sinh tiêu độc; lấy mẫu giám sát bệnh và mẫu khi xuất hiện dịch bệnh,...
Theo Sở NN - PTNT Khánh Hòa, trong 9 tháng đầu năm 2020 bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trở lại trên địa bàn từ ngày 6/1/2020. Dịch bệnh xảy ra tại 6 hộ chăn nuôi, 6 thôn, 6 xã, 3 huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và TP.Cam Ranh với tổng đàn heo là 228 con, số lượng heo chết, bệnh buộc tiêu hủy là 188 con, khối lượng 13.655 kg. Ổ dịch cuối cùng vào ngày 22/8/2020 và từ đó đến nay trên địa bàn không có ổ dịch mới phát sinh.
Khánh Hòa đang nỗ lực phòng chống dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Nông Nghiệp. |
Còn tại Bình Phước, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật về thú y.
Các chương trình, kế hoạch và các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; đặc biệt chú trọng công tác rà soát, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, chủ động giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát hiện ở phạm vi hẹp; báo cáo dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội phun thuốc tiêu độc khử trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ có buôn bán động vật sống, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, kinh phí nhà nước chi trả.
Hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, nhà nước hỗ trợ thực hiện phun xịt tiêu độc khử trùng 1 lần/tháng. Còn đối với chợ buôn bán, kinh phí nhà nước đảm bảo thực hiện phun xịt tiêu độc khử trùng 30 ngày/tháng. Việc phun khử trùng chỉ được thực hiện sau khi vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa... do chủ hộ thực hiện.
Ủy ban nhân dân các xã biên giới chỉ đạo bố trí hố sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý. Tại cửa khẩu biên giới, Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng, đồng thời tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua các cửa khẩu, theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở NN - PTNT Bình Phước, 9 tháng năm 2020 tổng đàn trâu tỉnh này hiện có 13.370 con, tăng 1,76% so cùng kỳ; đàn bò 39.036 con, tăng 4,99% so cùng kỳ; đàn heo 1,01 triệu con, tăng 18,72% so cùng kỳ; đàn gia cầm 7.850 ngàn con, tăng 12,3% so cùng kỳ. Nhìn chung, tình hình chăn nuôi tại Bình Phước duy trì ổn định, công tác kiểm soát dịch được thực hiện tốt.
(Tổng hợp).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp