29/12/2020 13:02
Các Bộ trưởng chuẩn bị gì cho năm 2021?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết ngàng ngân hàng giảm lợi nhuận để giảm lãi vay, ngành xây dựng đẩy mạnh công tác quy hoạch trong khi hàng loạt công trình hạ tầng được Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị khởi công.
Ngày 29/12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương kết thúc sau 2 ngày làm việc. Các địa phương gửi 319 kiến nghị cụ thể về các vấn đề lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01, 02, trình Thủ tướng ký ban hành ngay ngày đầu năm 2021.
Thủ tướng yêu cầu các tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương. Các bộ ngành, địa phương thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh, không văn bản qua, giấy tờ lại, mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu phong cách làm việc mới để chấn chỉnh nạn quan liêu giấy tờ.
Tại hội nghị, các tư lệnh ngành đã cam kết nhiều giải pháp, định hướng để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Ngân hàng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để giảm lãi vay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đóng góp cho việc phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế là trọng tâm năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: VGP |
Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành đồng bộ các công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước. Kết quả đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân dưới mức 4%, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng cơ bản ổn định, lãi suất cho vay trong 5 năm qua giảm 3,7% so với giai đoạn 2011-2015. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tình trạng đô la hóa giảm dần, niềm tin vào đồng Việt Nam ngày càng được củng cố.
Chính sách tín dụng đã đi đúng hướng, bình quân tín dụng tăng 15%/năm, riêng năm 2020 ước tăng khoảng 11%. Đây là mức tăng phù hợp trong bối cảnh cầu tín dụng còn thấp do tác động của COVID-19.
Năm 2021, ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, và biến đổi khí hậu, hỗ trợ người lao động. Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay an toàn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thực hiện chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau..
Bộ xây dựng: Dành đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết năm 2020, ngành Xây dựng tăng trưởng 6,6 %, cao nhất trong các ngành kinh tế. 6 năm qua, hầu như không có bong bóng bất động sản, dù đã thu hút 17 tỷ USD vốn FDI, chúng ta đã có nhiều khu đô thị, khách sạn, resort mang tầm quốc tế và hơn nhiều nước trong khu vực.
Năm 2021, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhắc tới các vấn đề về quy hoạch đô thị, vốn đầu tư cho hạ tầng và hạ tầng cần hướng tới kết nối vùng. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ dành đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội và hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Các địa phương tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng phê quyệt quy hoạch đô thị và tháo gỡ vướng mắc pháp luật để triển khai các dự án bất động sản. Đây là các kiến nghị được Bộ trưởng đánh giá là đáng chú ý và Bộ Xây dựng sẽ có văn bản gửi từng địa phương.
Bộ trưởng Y tế: Xây dựng nền y tế thông minh
Bộ trương Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với nhiều mục tiêu xây dựng nền y tế thông minh năm 2021. Ảnh: VGP |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong năm 2020, ngành Y tế được đánh giá là điểm sáng của chương trình chuyển đổi số quốc gia, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng thành tựu số trong y học. Tiêu biểu là trong phòng chống đại dịch COVID-19, các ứng dụng khai báo y tế kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn COVID-19 đã được áp dụng rộng rãi.
Dự kiến đầu tháng 3/2021 sẽ khai trương chương trình điều hành điện tử trạm y tế xã với trên 10.600 trạm, đặc biệt 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập trong hơn 5 tháng qua, tiến tới đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, khám điều trị ngoại trú không dùng giấy...
Ngành Y tế đang bắt đầu bước vào chặng đường đổi mới mạnh mẽ, đổi mới mạnh mẽ chất lượng khám chữa bệnh; chi trả bảo hiểm y tế; sắp xếp hệ thống y tế phù hợp, hiệu quả; hình thành các khu công nghiệp Dược công nghệ cao, thu hút đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế trong nước…
Bộ Giao thông Vận tải: Sắp hoàn thành 8 dự án lớn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020, giải ngân xây dựng cơ bản tốt nhất trong 10 năm qua, đạt khoảng 600 nghìn tỷ. Riêng Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 36.000 tỷ đồng.
Nhiều dự án hạ tầng lớn chuẩn bị hoàn thành như tuyến đường Vàm Cống – Rạch Sỏi, hầm Hải Vân 2, các dự án đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cầu Cửa Hội, sửa chữa cầu Thăng Long... Phấn đấu nhanh nhất hoàn thành đường sắt Cát Linh – Hà Đông; vận hành dự án Trung Lương – Mỹ Thuận…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết ngành giao thông sẽ triển khai một loạt công trình hạ tầng ngay đầu năm 2021, trong đó có dự án sân bay Long Thành. Ảnh: VGP |
Năm 2021, 8 dự án lớn chuẩn bị khởi công, trước hết là khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên của sân bay Long Thành; dự án Quốc lộ 19 nối Kon Tum - Bình Định, tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu – Lào Cai…
Cùng với đó là hàng loạt dự án được thúc đẩy thời gian tới, trong đó có 4 dự án tại Đông Nam Bộ và 5 dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long; sân bay Điện Biên, Chu Lai, Côn Đảo...
Bộ Công Thương: Tập trung mở rộng thị trường khi các FTA có hiệu lực
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định lại, 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm (2015-2020). Song vẫn phải xác định các áp lực và thách thức sẽ tiếp tục, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 vẫn luôn thường trực.
Năm 2021, 3 nhóm nhiệm vụ mục tiêu ngành công thương phải tập trung thực hiện là tiếp tục phát triển thị trường, bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước, tái cơ cấu tổ chức lại các ngành hàng, thị trường dịch vụ nội địa.
Thứ hai là hoàn thiện cơ sở pháp lý và các quy định về pháp luật. Vì nếu tổ chức tốt việc thực thi pháp luật thì sẽ khai thác rất hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Ví dụ, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã chủ động trong việc thực hiện EVFTA, khai thác thị trường Châu Âu nên thương mại với EU đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm, với mức cao nhất từ trước đến nay.
Dự kiến năm nay Việt Nam xuất khẩu 281 tỷ USD, so với con số dự kiến 300 tỷ USD trong tình huống không có dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp&PTNT: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp năm 2020 không chỉ có khó khăn do COVID-19 mà cả thiên tai dị thường, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lịch sử... Các dịch bệnh như dịch tả Châu Phi, châu chấu sa mạc… phức tạp. Nhưng xuất khẩu ngành nông nghiệp đã đạt hơn 41 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm ngoái.
Năm 2021, ngành nông nghiệp xác định khó khăn vẫn tiếp tục từ dịch bệnh, thiên tai, thị trường… nhưng ngành sẽ quyết tâm khai thác tốt nhất, phát triển khu vực thị trường tiềm năng cuả nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01 và tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Bộ Tài chính: Tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, gỡ khó cho doanh nghiệp
Miễn, giảm thuế, phí gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp tục là câu chuyện của năm 2021 Bộ trưởng tài chính đưa ra. Ảnh: VGP |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu ngân sách đến hết 28/12/2020 đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng, và vẫn đang chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc đôn đốc các khoản thu trên tinh thần thu đúng, đủ, kịp thời. Ước thu ngân sách cả năm đạt 1,472 triệu tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán.
Năm 2021, ngành Tài chính tiếp tục báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.
Bộ Kế hoạch đầu tư: Khẩn trương lập đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM
Đưa ra nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phòng chống COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ. Việc mở cửa trở lại tư lệnh Bộ Kế hoạch đầu tư lưu ý phải xem xét rất thận trọng.
Một nhiệm vụ Bộ này nhấn mạnh là khẩn trương lập Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp