Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Các bên thiệt hại ra sao vì tàu chắn kênh Suez

Quản trị

31/03/2021 07:07

Việc Ever Given gây nghẽn kênh Suez khiến cả chính phủ Ai Cập, các chủ hàng, chủ tàu và hãng bảo hiểm đều gánh hậu quả.

Ngày 29/3, tàu container Ever Given đã được kéo khỏi nơi mắc cạn trên kênh đào Suez sau gần một tuần, dọn đường cho hàng trăm tàu đang chờ đi qua kênh này. Suez là kênh tuyến vận tải biển quan trọng, là cửa ngõ cho dòng chảy hàng hóa giữa châu Âu và Châu Á.

Năm 2019, hơn 19.000 tàu đi qua tuyến này, tương đương gần 1,25 tỷ tấn hàng hóa. Con số này đại diện cho gần 13% thương mại toàn cầu. Vì thế, việc tắc nghẽn đã gây thiệt hại lớn cho tất cả các bên liên quan.

Kênh đào Suez nằm trên lãnh thổ Ai Cập. Quốc gia này được cho là thất thu khoảng 12-14 triệu USD mỗi ngày vì sự cố trên. Một cố vấn giấu tên của Tổng thống Ai Cập - Abdel Fattah al-Sisi, hôm 29/3 tiết lộ Ai Cập có thể yêu cầu chủ tàu Ever Given đền bù thiệt hại và buộc thuyền trưởng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, mức đền bù chưa được ấn định.

Tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez. Ảnh: AP

Tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez. Ảnh: AP

367 tàu – trong đó có 35 tàu dầu và 96 tàu container – đã bị mắc kẹt tại kênh này. Nghiên cứu từ công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết mỗi ngày kênh đào Suez bị chặn có thể gây thiệt hại thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỷ USD. Trong đó, gánh hậu quả chủ yếu là các hãng xuất khẩu châu Á và các nhà nhập khẩu Châu Âu.

Wall Street Journal cho biết quá trình vận chuyển bị đình trệ có thể khiến các hãng sản xuất không nhận được đủ linh kiện cần thiết cho dây chuyển sản xuất. Các hãng bán lẻ cũng không kịp có hàng để lấp đầy kệ. Các chủ tàu cũng mất cơ hội chở thêm hàng khi phải chôn chân tại Suez. Số khác tốn thêm hàng trăm nghìn USD tiền nhiên liệu vì phải đi đường vòng.

Vì thế, một số chủ tàu và chủ hàng có thể nộp đơn đòi bồi thường lên hãng bảo hiểm của mình, cũng như hãng bảo hiểm của Ever Given. Họ thậm chí sẽ kiện Shoei Kisen Kaisha - chủ sở hữu Ever Given vì sự cố này.

Ever Given là một trong những tàu container lớn nhất thế giới, với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn. Tàu được đóng bởi Imabari Shipbuilding (Nhật Bản) và thuộc sở hữu của Shoei Kisen Kaisha - công ty con phụ trách cho thuê tàu của Imabari Shipbuilding. Hiện tại, nó được cho thuê có thời hạn và vận hành bởi hãng vận tải biển Evergreen Marine (Đài Loan, Trung Quốc).

Shoei Kisen Kaisha tuần trước cho biết chi phí giải cứu sẽ được thanh toán bởi hãng bảo hiểm MS&AD Insurance Group, có trụ sở tại Tokyo. Các khoản bồi thường khác có thể do UK P&I Club chi trả.

UK P&I hôm qua cũng tái khẳng định sẽ thanh toán cho Ever Given "một số nghĩa vụ với bên thứ ba nảy sinh từ sự cố này, ví dụ thiệt hại về cơ sở hạ tầng hay đơn đòi bồi thường vì bị tắc nghẽn". UK P&I thuộc International Group of P&I Clubs - nhóm gồm 13 công ty tương tự.

Theo thỏa thuận, UK P&I sẽ trả 10 triệu đầu tiên của bất kỳ đơn đòi bồi thường nào. Phần còn lại sẽ được chia trong nhóm.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch hôm qua đánh giá sự cố này sẽ gây sức ép lên lợi nhuận nửa đầu năm của các hãng bảo hiểm, vốn đã phải gánh bồi thường vì đợt lạnh ở Texas, lũ lụt ở Australia và Covid-19. Christopher Dunn - Giám đốc phụ trách hàng hải tại hãng luật Kennedys cho rằng giá trị số đơn đòi bồi thường "có thể vượt 250 triệu USD".

David Smith tại hãng môi giới bảo hiểm McGill and Partners thì cho rằng trường hợp lạc quan nhất, số tiền đòi bồi thường cũng phải lên tới 150 triệu USD. "Chiếm phần lớn nhất đến nay là sự thất thu của cơ quan quản lý kênh đào", ông cho biết trên Financial Times, ước tính khoảng 15 triệu USD một ngày.

Evergreen Marine - công ty hiện thuê và vận hành Ever Given - là một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới về năng lực chuyên chở. Hãng cho biết sẽ yêu cầu Shoei Kisen Kaisha chịu trách nhiệm cho sự cố tắc nghẽn.

"Vì con tàu được thuê, trách nhiệm với các chi phí phát sinh trong sửa chữa, vận hành phục hồi và nghĩa vụ với bên thứ ba nếu có thuộc về chủ tàu", Evergreen Marine cho biết.

Dù vậy, sự cố này vẫn sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Evergreen trong ngắn hạn, do nhu cầu vận tải biển trên toàn cầu đang lớn, Cathy Chin - Chủ tịch Hiệp hội Logistics và Chuỗi cung ứng Quốc tế Đài Loan nhận xét trên Forbes.

"Ảnh hưởng trong ngắn hạn sẽ lớn, nhưng về dài hạn, mọi thứ sẽ ổn thôi, vì chúng ta vẫn cần đến vận tải biển", Chin nói, "Có thể nửa năm sau, mọi người sẽ vẫn nhắc đến sự cố của Evergreen và Shoei Kisen Kaisha".

HÀ THU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement