Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bức tranh lợi nhuận đã cải thiện?

Ngân hàng

01/07/2017 07:31

Việc Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội thông qua, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, sẽ tạo thêm điều kiện cho các TCTD xử lý nợ xấu tích cực hơn, từ đó giảm chi phí dự phòng rủi ro, cải thiện lợi nhuận.

Dù còn vài ngày nữa mới hết quý II/2017, nhưng nếu theo dõi tình hình kinh doanh của một số NH có thể thấy bức tranh đang hiện diện những dấu hiệu tương đối lạc quan về lợi nhuận.

Đơn cử như BIDV, NH này ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm khoảng 3.200 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm.

Đại diện TPBank thì cho hay, dự kiến lợi nhuận trước thuế 2 quý đầu năm 2017 của NH đạt 500 tỷ đồng. Hay như LienVietPostBank, NH này dự kiến tính đến 30/6/2017 lợi nhuận trước thuế đạt tới 900 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm…

Lợi nhuận NH quý II/2017 có những dấu hiệu lạc quan

Lâu nay, lợi nhuận NH phụ thuộc phần nhiều vào tín dụng. Như vậy, khả năng lớn là hết quý II/2017, kết quả kinh doanh của các NH sẽ tiếp tục sáng sủa khi dư nợ đang tăng trưởng theo kịp mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra.

Trao đổi với chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu, ông đồng tình rằng lợi nhuận NH đang có những chuyển biến khả quan hơn so với dự báo ở thời điểm cuối năm 2016. Bởi trong quý I/2017, phần lớn các nhà băng đều báo lãi với những con số khá triển vọng, nên nhiều khả năng một số NH trong năm nay sẽ tiếp tục ghi nhận con số lợi nhuận đáng kể trên sổ sách.

Tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm là một yếu tố hỗ trợ cho tình hình lợi nhuận NH. Trong đó với lĩnh vực bất động sản, thực tế là thị trường và giá nhà đất đang có sự hồi phục nhất định, thậm chí có sự tăng trưởng ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

Chính điều này là cú huých để một số dự án từng “đóng băng” nay có giao dịch, nhà đầu tư tăng khả năng tạo lợi nhuận và trả vốn, lãi cho NH...

Mặt khác, việc Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội thông qua, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, cũng sẽ tạo thêm điều kiện cho các TCTD xử lý nợ xấu tích cực hơn, từ đó giảm chi phí dự phòng rủi ro, cải thiện lợi nhuận.

Tăng trưởng tín dụng đang tiến những bước khá nhanh, tính đến 20/6/2017, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố thì tăng trưởng tín dụng đã ở mức 7,54%.

Tín dụng khả quan, NH cũng đã có những trích lập dự phòng cẩn trọng hơn cũng như điều chỉnh chi phí để nâng cao lợi nhuận, nhưng nợ xấu vẫn luôn là vấn đề thường trực, ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh của NH. Bởi thế, “các nhà băng phải dành đủ cả nguồn và lực để tập trung kiểm soát và xử lý vấn đề này”, một chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên khi được hỏi về dự báo lợi nhuận NH thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu băn khoăn rằng khả quan tới đâu thì chưa thể đưa ra khẳng định chắc chắn. Một lãnh đạo NHTMCP được phóng viên Thời báo NH tham vấn có bổ sung, khi triển khai thực hiện áp dụng tiêu chuẩn Basel II thì NH phải xác định các tỷ lệ an toàn chắc chắn sẽ chặt chẽ và khó khăn hơn.

Cho tới thời điểm này, tại các NHTM chủ yếu việc phân loại nợ vẫn dựa trên các tiêu chí định lượng. Nhưng trong tương lai, nếu chiểu theo Basel II thì buộc các nhà băng phải dùng cả các phương pháp định tính để phân loại nợ, điều này sẽ tác động tới lợi nhuận của NH. Theo vị này, vướng mắc cho các NH Việt Nam khi áp dụng Basel II là yêu cầu về tăng cường minh bạch và chính xác trên sổ sách.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng phân tích thêm: Basel II nêu những tiêu chí về phân loại rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị trường và hoạt động phải được cụ thể hơn, từ đó phải phân bổ vốn chủ sở hữu cho từng loại rủi ro. Đến giờ, theo quan sát của chuyên gia này, các NH mới chỉ chủ yếu tập trung vào rủi ro tín dụng.

“Trong tương lai, rủi ro hoạt động là một trong những rủi ro rất lớn tại NH Việt Nam, khi phân bổ vốn chủ sở hữu cho rủi ro hoạt động thì phần dành cho tín dụng và thị trường sẽ bị hẹp lại, như vậy sẽ khó khăn trong việc tăng trưởng quy mô của tín dụng, theo đó sẽ tác động tới lợi nhuận”, ông Hiếu cho biết.

Theo quan điểm của chuyên gia, tâm lý “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại” cần phải được các NH xem xét lại. Vì mục tiêu quan trọng hàng đầu là sức khoẻ NH phải thực chất, phải nhìn được mình đang ở đâu, thiếu hổng nơi nào để có giải pháp cải thiện lớn mạnh hơn. Những con số nghìn tỷ cũng cần phải được nhìn dựa trên quy mô và nguồn vốn mà NH nắm giữ.

Trong thống kê của NHNN, hết quý I/2017, chỉ số ROA toàn hệ thống ở mức 0,45% và ROE ở mức 5,66%. So với nhiều nước trong khu vực, hai chỉ số này của hệ thống NH Việt Nam còn khá thấp.

“Lợi nhuận sẽ bổ sung cho vốn chủ sở hữu, trả tiền cho cổ đông - thước đo về tính hiệu quả của NH. Nhưng nếu đặt mục tiêu lợi nhuận bằng mọi giá thì chưa hẳn đúng. Tại thời điểm này, trước mắt điều mà các NH cần tập trung trước hết là xử lý nợ xấu, minh bạch sổ sách để từ đó bức tranh lợi nhuận NH sáng tỏ hơn”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

KHUÊ NGUYỄN (Thời báo ngân hàng)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement