09/09/2020 08:28
Bức tranh hạ tầng đồ sộ nhưng nhiều 'điểm đen' của thành phố Thủ Đức
Hàng loạt công trình lớn đã và đang tiếp sức cho thành phố Thủ Đức phát triển trong tương lai. Nhưng song song đó là quá nhiều điểm đen giao thông cần khắc phục.
Theo đề án phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn thành phố cần tới hơn 850.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều công trình lớn tập trung ở thành phố Thủ Đức như cao tốc TP.HCM - Long Thành, nút giao An Phú, đường Vành đai 3, nút giao Mỹ Thủy, cầu Cát Lái... sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp.
Sự phát triển của thành phố Thủ Đức trong tương lai phụ thuộc nhiều vào các hạ tầng giao thông hiện hữu. Hiện tại, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã và đang phát huy nhiệm vụ làm “mạch máu phát triển” của khu Đông. Tuy nhiên, vì là khu vực đông dân cư nên có nhiều điểm đen giao thông tồn tại song song với các công trình lớn, gây khó khăn cho người dân.
Bức tranh hạ tầng đồ sộ
Nổi bật nhất trong bức tranh hạ tầng khu Đông đang đầu tư là tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - động lực lớn của TP.HCM về kinh tế lẫn bộ mặt đô thị trong tương lai. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), hiện nay dự án đạt trên 70% khối lượng, gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt gần 85%.
Nhà ga trên tuyến Metro số 1 nằm cạnh Xa lộ Hà Nội, đoạn trước Công viên văn hóa Suối Tiên (quận 9) |
Dù chưa hoàn thành nhưng dự án này đã tác động rất lớn đến thị trường nhà đất xung quanh tuyến, đặc biệt là gần các nhà ga (depot). Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, giá thứ cấp các dự nằm trong khu vực trên ở các quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cao hơn trên dưới 10% so với các dự án nằm xa tuyến đường.
|
Trên một số đoạn, phần đường bên phải các nhà ga của truyến Metro xe gắn máy có thể di chuyển qua đây. Tuy nhiên, các công trình thuộc hạng mục thi công cầu bộ hành trên Xa lộ Hà Nội vẫn đang dang dở. |
Metro số 1 đi vào hoạt động sẽ rút ngắn khoảng cách cho người dân từ vùng ven vào trung tâm TP.HCM, giảm áp lực giao thông cho Xa lộ Hà Nội và các tuyến đường liên quan.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn 4km đầu) cũng là công trình đặc biệt trong bức tranh hạ tầng của thành phố Thủ Đức trong tương lai. Đường cao tốc này bắt đầu tại điểm giao cắt với Mai Chí Thọ (Quận 2) chạy về hướng đông, giao cắt với Quốc lộ 51 (AH17) tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đơn vị khảo sát thuộc Bộ GTVT mới đây kiến nghị mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025, với vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.
Bến xe Miền Đông mới tại Quận 9 sắp đi vào hoạt động được cho là sẽ tạo thêm cú hích phát triển thành phố Thủ Đức, vì đây là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước, với 16ha, lớn gấp 4 lần bến xe Miền Đông cũ.
Bến xe mới đi vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại bến xe miền Đông cũ, giảm áp lực lưu thông lên các tuyến đường nội thành. Không chỉ vậy, khi chính thức đi vào hoạt động, bến xe mới cũng được cho là sẽ đẩy giá nhà đất tại khu vực sôi động hơn.
Đại lộ Phạm Văn Đồng là tuyến đường huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với trung tâm TP.HCM. Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông Bắc, đại lộ Phạm Văn Đồng dài 13,6km, rộng 30 - 65m với 12 làn xe. Từ khi đưa vào hoạt động, tuyến đường này đã góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông, kết nối và làm giảm thời gian di chuyển với các khu vực trọng điểm.
Hầm chui Mỹ Thủy. Ảnh: Báo Giao thông |
Hầm chui Mỹ Thủy là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM với số vốn gần 2.400 tỷ đồng, đã giúp giải quyết ùn tắc tại khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái và kết nối với đường Vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hầm Thủ Thiêm cũng đã và đang khẳng định tầm quan trọng của mình, là cánh tay nối dài từ đại lộ Đông Tây vào trung tâm quận 1.
Song song với hầm Thủ Thiêm là cầu Thủ Thiêm 2, nối với khu trung tâm TP.HCM, đang dần về đích. Đến tháng 8/2020, Ban Quản lý Dự án cầu Thủ Thiêm 2 cho biết phần cầu chính nhịp dây văng đã thi công đạt 22/34 đốt trụ tháp, nhịp dầm thép băng ngang sông Sài Gòn đã thi công đạt 9/17, đã căng 28/56 bó cáp dây văng.
Cầu Thủ Thiêm 2 đang dần về đích. Ảnh: SGGP |
Các công trình giao thông đồ sộ tại khu Đông đã và sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại thành phố, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu Đông.
Nhiều điểm đen giao thông tồn tại
Ngoài những dự án hạ tầng lớn, thành phố phía Đông cũng có nhiều điểm giao thông luôn trong tình trạng kẹt xe, ngập nước.
Nhiều tuyến đường tại khu Đông xuống cấp, ngập nước. Ảnh: Đường Lương Định Của, đoạn giao với khu vực đường Trần Não, Mai Chí Thọ (quận 2). |
Các tuyến đường luôn trong cảnh ngập sâu khi có mưa ở quận Thủ Đức có thể kể tên như Kha Vạn Cân, ngập từ khu vực đường Dương Văn Cam đến khu vực bưu điện Thủ Đức.
Đường Tô Ngọc Vân ngập từ khu vực Nhà Thờ đến khu vực đường ray xe lửa. Đường Dương Văn Cam ngập từ khu vực đường Kha Vạn Cân đến khu vực đường Lê Văn Tách, hay Tỉnh lộ 43 ngập từ khu vực đường Bình Chiểu đến khu vực đường Lê Thị Hoa, mức ngập cao từ 10 - 20cm.
|
Dự án mở rộng đường Lương Định Của (Quận 2) đang gặp khó khăn khi mặt bằng vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn, người dân di chuyển qua đây hết sức khó khăn. |
Tại Quận 9, các tuyến đường luôn trong cảnh ngập là Đỗ Xuân Hợp (ngập khu vực trước ủy ban nhân dân phường Phước Bình), Lã Xuân Oai (ngập từ khu vực đường Man Thiện đến số nhà 74) sâu đến 40cm mỗi khi mưa xuống.
Khu Thảo Điền hay đường Lương Định Của (Quận 2) đoạn từ khu vực đường Trần Não đến khu vực Nhánh N3 cũng không thoát kịp nước mỗi khi mưa xuống.
|
Dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp nham nhở. Dự án cầu Nam Lý đang bỏ hoang, công trường chiếm phần lớn mặt đường Đỗ Xuân Hợp gây kẹt xe thường xuyên. |
Khu Đông là nơi có vị trí trũng thấp, việc ngập nước mỗi khi mưa lớn là không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo UBND Quận 9, riêng trên địa bàn quận còn có hơn 140 tuyến đường chưa được đầu tư hệ thống thoát nước. Triển khai các dự án chống ngập là bài toán lớn để giải quyết tình trạng ngập úng không chỉ của Quận 9 mà còn của thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Sở hữu nhiều tuyến đường huyết mạch, xung quanh là nhiều nhà máy công nghiệp, lại có hệ thống cảng sông,… mật độ giao thông ở khu Đông là rất lớn, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng cao.
Cảnh xe máy xen kẽ container qua nút giao Xa lộ Hà Nội và đường Số 1 (phường Trường Thọ). |
Đường Nguyễn Văn Bá, đoạn dọc theo Xa lộ Hà Nội, thuộc phường Trường Thọ (Quận Thủ Đức) là nơi người dân lưu thonng6 trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nguy hiểm vì mật độ xe cộ lớn và khói bụi từ các công trường, nhà máy bên cạnh.
Vào tháng 10/2019, nhà máy xi măng Hà Tiên (Trạm nghiền xi măng Thủ Đức, của Công ty Xi măng Hà Tiên) đã chính thức tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho dự án Khu đô thị Trường Thọ. Nằm trong dự án còn có hai khu đất của công ty CP Thép Thủ Đức VNSTEEL và khu đất cảng ICD Sotrans, các nhà máy này cũng đang trong quá trình di dời.
Những nút giao từ Xa lộ Hà Nội vào đường Nguyễn Văn Bá, từ xa lộ đến ngã tư Tây Hòa, các tuyến đường số 2, Song Hành,… luôn kẹt cứng giữa dòng xe container, xe tải, xe buýt.
Kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Zing |
Xe tải lớn ra vào các khu công nghiệp liên tục, đặc biệt trong những giờ cao điểm, dòng người xe gắn máy chen chút bên những chiếc container khổng lồ quá nhiều nguy hiểm. Đã có rất nhiều vụ xe container quẹt hay tông chết người đi xe máy trên xa lộ Hà Nội.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy), với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, riêng tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỷ đồng.
Các đơn vị liên quan đang hoàn thiện phương án đầu tư cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp