Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

BOT Cai Lậy 'vỡ trận', tỉnh Tiền Giang vô can?

Vĩ mô

22/08/2017 02:27

Trong hồ sơ dự án, từ đề nghị đầu tư, vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy do UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị bằng văn bản, “ý tưởng” tăng cường Quốc lộ 1 cũng do tỉnh này đề xuất. Câu hỏi đặt ra là: Tỉnh Tiền Giang có vô can trong vụ BOT Cai Lậy “vỡ trận”?

Theo quy trình đầu tư dự án BOT, dự án được đề xuất bởi địa phương, do không có vốn ngân sách nên địa phương và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống nhất chọn phương thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tiếp đó, địa phương đề nghị Bộ GTVT làm văn bản gửi Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư và Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu dự án được đăng báo công khai 45 ngày.

Tuyến tránh thị xã Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo hình thức BOT

Với cơ sở đề xuất của tư vấn, nhà đầu tư sẽ lập dự án. Khi được Bộ GTVT chấp thuận, nhà đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin cấp giấy phép đầu tư, thẩm định dự án.

Sau khi có giấy phép đầu tư, Bộ GTVT ký hợp đồng chính thức với nhà đầu tư. Việc đặt trạm thu phí và mức phí do Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở phương án tài chính, thời gian thu phí sẽ tiếp tục điều chỉnh theo lưu lượng xe thực tế.

Tiền Giang "tha thiết" đề nghị xây dựng tuyến tránh

Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 3901 do Phó Chủ tịch tỉnh Trần Kim Mai ký, gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua thị trấn Cai Lậy.

Văn bản UBND tỉnh Tiền Giang gửi Bộ GTVT đề nghị làm tuyến tránh Cai Lậy và giới thiệu nhà đầu tư BOT

Trong văn bản này, tỉnh Tiền Giang cho biết giao thông trên QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy phức tạp, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là tai nạn giao thông trên địa bàn xảy ra tập trung ở đoạn qua thị trấn Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang cũng đang thực hiện quy hoạch để trình Chính phủ thành lập thị xã Cai Lậy trên cơ sở nâng cấp từ thị trấn Cai Lậy, vì vậy việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết và cấp bách.

Đặc biệt, trong văn bản này, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án, đồng thời giới thiệu nhà đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT là Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty CP Tân Hoàn Cầu.

Ngày 15/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 97/TTg-KTN về việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Văn bản do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký, nêu rõ: “Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đáp ứng yêu cầu hoàn thành đồng bộ trên tuyến QL1”.

Vì sao đổi vị trí trạm thu phí?

Về vị trí trạm BOT Cai Lậy hiện tại, trong văn bản 4717 ngày 2/10/2015, ông Lê Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy là Km1999 900 (do tỉnh Tiền Giang đề xuất). Tuy nhiên vị trí này đang gặp khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) do các hộ dân chưa đồng thuận.

Vị trí trạm BOT Cai Lậy hiện nay do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất thay đổi

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại về GPMB dự án mở rộng QL1 trước đây, tổng số hộ bị giải tỏa là 32 hộ, diện tích đất thổ cư nhiều nên việc giải quyết đền bù cho dân để bàn giao mặt bằng thi công trạm thu phí sẽ kéo dài thời gian, không đảm bảo tiến độ dự án.

“Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch, địa phương đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999 300, QL1. Tại vị trí này, việc GPMB sẽ thuận lợi hơn, giảm thiệt hại cho người dân và giảm chi phí đầu tư cho dự án” - văn bản do Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa ký nêu rõ.

Trước đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 26/10/2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có Văn bản 14245 đề nghị Bộ Tài chính thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại Km 1999 300 QL1 theo đề nghị của UBND tỉnh Tiền Giang.

Ngày 26/11/2015, trả lời Bộ GTVT tại Văn bản 17593, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Để đảm bảo phương án tài chính của dự án, việc đặt một trạm thu phí trong phạm vi dự án để hoàn vốn nhà đầu tư là phù hợp. Vị trí cụ thể Bộ GTVT xem xét, quyết định, phù hợp với các quy định hiện hành”.

Bộ Tài chính yêu cầu vị trí trạm thu phí phải đặt trong phạm vi dự án, theo đúng quy định tại Nghị định 159/2013/TT-BTC. Trên cơ sở đó, ngày 4/12/2015, Bộ GTVT ban hành văn bản 16189 chấp thuận vị trí đặt trạm thu phí tại Km 1999 300 QL1.

“Tăng cường mặt đường” QL1

Ngày 14/12/2015, UBND tỉnh Tiền Giang gửi văn bản số 6012 tới Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận và nút giao QL1 với khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang).

Trong văn bản, ông Lê Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ: Tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh đang thực hiện dự án tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn từ Km 1987 560 – Km 2014 000. Các đoạn còn lại từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận cũng đang trong tình trạng xuống cấp và tại nút giao giữa QL1 với khu công nghiệp Tân Hương thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm nên việc lưu thông gặp khó khăn và không đảm bảo ATGT.

“Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, hạn chế TNGT, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất đề nghị đầu tư tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận và nút giao giữa QL1 với khu công nghiệp Tân Hương, bổ sung vào dự án BOT QL1 tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang” - văn bản của UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ.

CHÂU NHƯ QUỲNH (Dân trí)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement