23/05/2018 16:44
BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại vào tháng 6
Bộ GTVT sẽ làm việc với tỉnh Tiền Giang để thống nhất phương án thu giá trở lại trạm BOT Cai Lậy. Thời gian thu dự kiến trong tháng 6 tới.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có buổi làm việc với tỉnh uỷ, UBND và HDND tỉnh Tiền Giang để công bố rõ phương án thu phí tại trạm BOT Cai Lậy.
Ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư BOT Cai Lậy cũng xác nhận là nhà đầu tư chuẩn bị được thu phí trở lại trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, ông Hào cũng cho biết thời gian cụ thể ngày nào được thu phí phụ thuộc vào cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Với mức thu phí 15.000 đồng/ lượt đối với xe con, dự kiến thời gian thu giá trạm BOT Cai Lậy sẽ kéo dài thành 15 năm. |
Về 5 phương án Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ trong việc giải quyết điểm “nóng” BOT Cai Lậy thì 3 phương án mua lại trạm thu phí được đánh giá là không khả thi vì hiện nay, ngân sách nhà nước đang hạn hẹp nên không thể mua lại. Do vậy, chỉ có thể xét đến phương án 1 và phương án 2.
Theo đó, phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm, giảm giá 30% cho tất cả xe qua trạm, ô tô 4 chỗ từ 25.000 đồng/xe/lượt xuống còn 15.000 đồng/xe/lượt và mở rộng phạm vi miễn giảm cho các hộ dân sống lân cận. Thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng. Với phương án này sẽ không cần Nhà nước bố trí ngân sách nhưng lại kéo dài thời gian hoàn vốn.
Phương án 2, lập thêm một trạm trên tuyến tránh sau đó thu cả hai trạm, giảm giá vé trạm trên quốc lộ xuống khoảng 30% và giữ nguyên mức giá cũ đối với trạm tuyến tránh. Ưu điểm của phương án này là giảm phản ứng từ dư luận, nhưng lại phát sinh kinh phí xây dựng trạm mới khoảng 90 tỷ đồng, gây ách tắc giao thông quốc lộ và có thể ảnh hưởng đến các trạm BOT khác.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Theo đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Trạm hoạt động từ ngày 1/8/2017, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm nhiều lần. Bốn tháng sau khi hoạt động, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông Vận tải trình phương án giải quyết.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có 88 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 9 dự án đầu tư theo hình thức BOT được triển khai trên nền đường cũ và đầu tư tuyến tránh tương tự như dự án BOT Quốc lộ 1 Tiền Giang.
Advertisement
Advertisement