14/07/2017 10:25
Bốn sự thật bất ngờ về thị trường có khả năng sinh lợi khổng lồ, chiếm 68% tổng dân số Việt Nam
Nielsen cho biết nhiều doanh nghiệp đang đánh giá, quan niệm không chính xác về thị trường nông thôn, bỏ lỡ cơ hội sinh lợi khổng lồ mà khu vực này mang lại.
Báo cáo “Khám phá những sự thật về khu vực nông thôn Việt Nam” vừa được Công ty nghiên cứu thị trườngNielsenViệt Nam công bố đã cho thấy những điều hoàn toàn khác với những quan niệm đang có của các doanh nghiệp, dẫn đến việc chưa khai thác hết mức tiềm năng của thị trường chiếm 68% dân số Việt Nam.
Theo đó, Nielsen ghi nhận 4 “sự thật” chính xung quanh thị trường này.
Thứ nhất, người tiêu dùng nông thôn không hề ít “kết nối” hơn so với người tiêu dùng thành thị.
Cụ thể, kênh truyền hình ở các cộng đồng nông thôn ở mức cao bão hoà với hơn 90% hộ gia đình sở hữu một chiếc tivi và 57% trong số đó kết nối thường xuyên hơn với 10 kênh truyền hình.
Bên cạnh đó, các dữ liệu của Nielsen cho thấy 90% người tiêu dùng nông thôn sở hữu một chiếc điện thoại di động; và 50% trong số họ sở hữu một chiếc điện thoại thông minh.
Mặc dù mức độ sử dụng Internet vẫn còn thấp, nhưng sự thật là việc sử dụng Internet và các kênh kỹ thuật số ngày càng gia tăng trong số những người tiêu dùng này. Có gần 24 triệu người ở khu vực nông thôn sử dụng Internet, xấp xỉ với số lượng người sử dụng Internet ở các khu vực thành thị.
Các phương tiện truyền thông xã hội xuất hiện như một trong những nền tảng phổ biến nhất để họ thu thập thông tin, giải trí và giữ liên lạc với người thân, bạn bè với 22.5 triệu người sử dụng Facebook ở nông thôn so với 23.5 triệu người sử dụng Facebook ở các khu vực thành thị.
“Khi tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông, hành vi và thái độ của người tiêu dùng nông thôn và thành thị sẽ có nhiều điểm tương đồng. Những gì đang xảy ra ở khu vực thành thị thì cũng đang xảy ra tương tự ở khu vực này. Do đó, ranh giới giữa người tiêu dùng hai khu vực ngày càng mờ đi xét về khía cạnh sự kết nối và tư duy”, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám Đốc – Trưởng Bộ Phận Dịch Vụ Đo Lường Bán Lẻ - Nielsen Việt Nam nhận định.
Thứ hai, Nielsen đánh giá rằng người tiêu dùng nông thôn quan tâm nhiều sản phẩm phổ thông và cao cấp.
Nielsen cho biết nông thôn đã liên tục phát triển như một nguồn tăng trưởng mới cho nhiều nhà sản xuất trong những năm qua. Trong quý I năm 2017, mức tăng trưởng ở khu vực nông thôn đạt 12,4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn quốc, trong khi đó, tăng trưởng ở khu vực thành thị chỉ đạt mức 6,5%.
Dữ liệu của Nielsen cho thấy các dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp là 2 nguồn đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành FMCG ở nông thôn, với gần 40% và 38.5% tương ứng cho từng dòng sản phẩm.
“Điều đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong đợi các sản phẩm tốt, có chất lượng cao mà họ sẵn sàng chủ động tìm kiếm để sở hữu chúng. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc đẩy các sản phẩm phổ thông đến vùng nông thôn, thì họ đang bỏ lỡ cơ hội sinh lợi khổng lồ mà khu vực này mang lại”, đại diện Nielsen nói.
Thứ ba, người tiêu dùng nông thôn sẵn sàng sử dụng các sản phẩm mới.
Nghiên cứu của Nielsen cho biết 77% người tiêu dùng nông thôn muốn được thử sử dụng các sản phẩm mới và 95% đánh giá cao việc có nhiều loại sản phẩm để lựa chọn.
Đây chính là động lực dẫn đến việc các sản phẩm mới khi tung ra tại thị trường nông thôn cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn so với hiệu quả kinh doanh của những sản phẩm tương tự tại 6 thành phố chính; và điều này đã được chứng minh ở 25 trong số 27 ngành hàng.
Nhưng với môi trường bán lẻ rất đa dạng tại khu vực nông thôn, thì việc đảm bảo các sản phẩm luôn có sẵn và dễ dàng để người tiêu dùng có thể mua được là những yếu tố tối quan trọng để dẫn đến thành công.
Thứ tư, mở rộng kinh doanh ra vùng nông thôn tốn không quá tốn kém.
Theo Nielsen, kênh thương mại truyền thống bao gồm hơn 1,1 triệu cửa hàng trải rộng khắp 58 tỉnh tại Việt Nam chứa đựng nhiều sự cạnh tranh và phức tạp và sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Việc đưa sản phẩm đến từng cửa hàng tạp hóa để mở rộng kênh phân phối và thúc đẩy doanh số bán hàng từ lâu đã được cho là một bài toán hóc búa cho các nhà sản xuất.
Nielsen đưa ra lời khuyên nếu các doanh nghiệp tập trung đẩy hàng vào 400.000 cửa hàng ở các quận, huyện trọng điểm thì các cửa hàng này có thể mang đến 39% doanh thu bán lẻ.
Với kết quả này, thông qua việc tập trung vào mục tiêu một cách hợp lý, thì việc đạt được phần lớn doanh số bán hàng là điều khả thi và không tốn kém quá nhiều nguồn lực cũng như chi phí như các nhà sản xuất đã nghĩ.
Đại diện của Nielsen kết luận “Khi cộng đồng nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp, thì việc hiểu rõ họ là ai, họ mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất và họ mua sắm như thế nào và đâu là những điểm tiếp xúc hiệu quả nhất chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong tương lai".
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp