22/09/2021 06:36
Bơm tiền mặt cho dân, vì sao còn bất cập?
Theo TS. Võ Trí Thành, do nguồn lực hạn chế, cơ sở dữ liệu không đầy đủ, áp lực trách nhiệm với chính quyền cơ sở kéo đã theo những ách tắc về thủ tục trong quá trình triển khai hỗ trợ người dân.
Đại dịch COVID-19 bùng phát, giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến người lao động mất việc làm và rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành những gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên đến nay, việc “bơm tiền mặt” đến tận tay người dân bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch bệnh đã được thực hiện, song tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn... Xoay quanh chủ đề này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế để hiểu rõ hơn.
- Thưa Tiến sỹ, ông có đánh giá thế nào về các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ nhằm đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội trong thời gian vừa qua?
TS. Võ Trí Thành: Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rất to lớn trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Bằng chứng là trong năm 2020, chúng ta đã triển khai gói 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ an sinh xã hội và trong năm nay tiếp tục thực hiện gói 26.000 tỷ đồng cùng nhiều chính sách khác. Đặc biệt, các tỉnh thành địa phương nằm trong khủng hoảng vì dịch bệnh cũng có nhiều sáng kiến, xây dựng các chương trình cũng như những khoản chi không nhỏ, nhất là tại TP.HCM.
Mặc dù giai đoạn phía trước vẫn còn nhiều bất định, rủi ro chưa thể dự đoán nhưng bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cũng luôn luôn đặt mục tiêu đảm bảo an sinh hiệu quả.
Việt Nam đã có rất nhiều bài học kể từ khi bùng phát đại dịch trong năm 2020, việc thực thi gói hỗ trợ còn thiếu quyết liệt, chậm trễ, thể hiện rất rõ qua con số giải ngân. Nói một cách khác thì bộ máy hoạt động còn quá cầu toàn, gắn với nhiều quy trình, quy chế đặt ra. Nhưng đến năm 2021 thì đã được cải thiện rất nhiều, triển khai các gói hỗ trợ nhanh hơn, gắn kết giữa Trung ương với địa phương tốt hơn, chính quyền cơ sở thực hiện hiệu quả hơn.
Thực tế là, trong giai đoạn cấp bách thì cũng sẽ có những sơ suất xảy ra, vì vậy câu chuyện về trách nhiệm cũng là một phần áp lực tạo nên gánh nặng cho bộ máy chính quyền trong công tác xử lý các thủ tục, quy trình hỗ trợ. Không riêng tại Việt Nam, ngay cả các nước lớn như Mỹ hay Nhật Bản, có chính sách trao tiền mặt cho tất cả người dân cũng vẫn còn xảy ra tình trạng nhầm lẫn. Khi bắt tay vào triển khai chính sách mới thấy rằng, thực hiện được 97-98% đã là rất tốt.
- Những vấn đề cần lưu ý là gì trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ, đặc biệt là bơm tiền mặt tận tay người dân được hiệu quả, thưa ông?
TS. Võ Trí Thành: Đến nay, có nhiều ý kiến xoay quanh việc hỗ trợ có, đủ, đúng, trúng hay chưa, thì mấu chốt là vấn đề về nguồn lực. Tới đây, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết về thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm giai đoạn 2022 – 2023. Rõ ràng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động và an sinh xã hội, còn cần giúp sức cho quá trình phục hồi và phát triển, ít nhất là trong 2 năm trước mắt. Từ đó, cũng mở nhiều câu chuyện... như: Để bỏ ra một đồng vượt khó, thì phải nghĩ đến một đồng cho phục hồi với nhiều vấn đề phát sinh, liên quan đến lao động việc làm, hoạt động trở lại của doanh nghiệp, hỗ trợ cho dịch chuyển, chi phí lao động, và quan trọng đào tạo kỹ năng mới. Bởi vì khi tái phục hồi, phát triển, Việt Nam phải bắt nhịp với đà phục hồi chung của thế giới, cũng như xu thế phát triển mới hiện nay. Trong khi đó, chúng ta đang nói nhiều về lối sống, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số và rất nhiều kỹ năng mới kèm theo.
Về phương pháp làm sao để bơm tiền đúng và nhanh, ngay từ đầu, Chính phủ đã có rất nhiều kế hoạch được bàn, như tặng voucher để người dân được mua một số những mặt hàng thiết yếu. Hay như kiến nghị của TS. Cấn Văn Lực về việc dùng Mobile Money, dùng ví điện tử để chuyển tiền cho người dân. Nhưng với phương pháp này, về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, không phải ai cũng có ví điện tử, có điện thoại thông minh. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua, có hơn 70.000 em học sinh không có phương tiện để học online. Nếu vậy, những người yếu thế rất có thể rơi vào trường hợp tương tự và không thể nhận được hỗ trợ.
Vậy cách cơ bản đang thực hiện đến nay đó là trao tiền mặt cho người dân, nhưng cũng phát sinh hai vấn đề:
Thứ nhất, không thể trao tiền cho toàn dân, mà chỉ có thể chọn ra nhóm yếu thế để hỗ trợ vượt khó. Nhóm có cơ sở dữ liệu tốt nhất từ trước đến nay là nhóm người nghèo bởi vì đã có rất nhiều chương trình cho người nghèo trong nhiều năm. Còn với nhóm lao động tự do kinh doanh, họ linh hoạt trong dịch chuyển, ăn ở, địa chỉ thay đổi, vì thế rất khó để cập nhật. Từ đó nổi lên vấn đề cẩn trọng quá mức, kèm nhiều tiêu chí và trách nhiệm của cán bộ cơ sở đã gây ra sự khó khăn, ách tắc.
Thứ hai, yếu tố quan trọng nhất vẫn là có được một thông tin dữ liệu cập nhật tốt mà phải làm nhanh, thì vai trò của chính quyền cơ sở là then chốt, nhưng trách nhiệm đến từ hai phía bao gồm cấp cao hơn phải đặt niềm tin vào chính quyền cấp dưới và bản thân chính quyền cơ sở phải thấu đáo, quyết liệt, có cơ chế thực thi hiệu quả.
- Vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và khó khăn với người dân có thể kéo dài, theo ông, các giải pháp hỗ trợ sẽ được áp dụng ra sao?
TS. Võ Trí Thành: Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ riêng câu chuyện dịch giã là quan trọng, mà còn rất nhiều vấn đề khác khi Việt Nam phải trải qua những cú sốc kinh tế, những rủi ro, bất ổn,...
Câu nói được xác định nhất hiện nay trên thế giới đó là “không có gì là xác định”. Trước một thế giới phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, cú sốc tài chính, khủng hoảng kinh tế và nhiều khó khăn khác có thể xảy ra. Vừa qua, chỉ một con tàu mắc cạn ở kênh đào Suez mà cả thế giới nổi sóng, xôn xao. Đó là minh chứng rõ nhất cho những khó khăn mà chúng ta không lường trước được, trong khi Việt Nam chỉ là một nền kinh tế nhỏ, không thể bao trùm được hết mọi vấn đề.
Trong khoảng 10 - 20 năm trở lại đây, tần suất của những biến động diễn ra rất nhiều và chúng ta phải có bài học về quản trị rủi ro, có cơ chế để phản ứng tốt trong những tình huống khẩn cấp, chứ không thể sử dụng cơ chế bình thường để giải quyết một vấn đề nghiêm trọng, cấp bách, nhưng chi phí lại phải tiết kiệm và gắn với các kịch bản khác nhau.
Chính vì vậy, tới đây, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đảm bảo an sinh xã hội thế nào còn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch, định hướng bắt nhịp với kinh tế thế giới, nhưng đằng sau đó phải gắn với các cân đối lớn như ổn định vĩ mô và sức chịu đựng. Tôi vẫn muốn nhắc lại rằng, khi bỏ ra 1 đồng để vượt khó thì còn nghĩ đến 1 đồng nữa cho phục hồi và phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Advertisement
Advertisement