16/11/2019 08:32
Bộ trưởng Mỹ: Hàn Quốc giàu, nên trả thêm tiền cho lính Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cho rằng Hàn Quốc là một nước giàu, có thể và nên trả thêm tiền cho việc duy trì quân nhân Mỹ tại nước này.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu ngày 15/11 sau cuộc họp bàn về chính sách quốc phòng cấp cao với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo, ông Mark Esper cho rằng Hàn Quốc "là một nước giàu, có thể và nên trả thêm tiền" cho việc duy trì quân nhân Mỹ tại nước này.
"Điều cốt yếu là chúng tôi chốt được thỏa thuận quốc phòng với mức chia sẻ chi phí tăng thêm của Hàn Quốc trước cuối năm nay", ông Esper nói trong cuộc họp báo.
Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, ông Jeong Kyeong Doo, cho biết ông và ông Esper đã nhất trí là thỏa thuận chia sẻ chi phí duy trì quân đội đang được thảo luận cần phải công bằng và có sự đồng ý giữa hai bên.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo họp báo chung tại Seoul ngày 15/11. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên chưa rõ họ có bàn cụ thể mức chia sẻ công bằng đó là bao nhiêu không.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết trong chuyến thăm Seoul tuần trước, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách đàm phán an ninh James DeHart đã yêu cầu Hàn Quốc chi 4,7 tỷ USD để duy trì binh sĩ và vũ khí Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, tăng gần 5 lần so với con số 1 tỷ USD những năm trước. Yêu cầu này được cho là vấp phải sự phản đối từ phía Hàn Quốc.
Trong lúc này, Mỹ và Hàn Quốc đang gấp rút thương lượng để đạt được một thỏa thuận trong vài tuần tới về vấn đề ngân sách cho việc duy trì 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc trong năm 2020.
Esper nói thêm rằng hai nước cần linh hoạt với các cuộc tập trận chung nhằm hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao hướng tới mục tiêu chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông không đề cập đến bất cứ thay đổi nào trong kế hoạch tập trận Mỹ - Hàn tháng tới mà Triều Tiên lên án mạnh mẽ.
Bộ trưởng Jeong cho hay ông và Esper còn chia sẻ những quan điểm cá nhân về việc Hàn Quốc quyết định chấm dứt Thỏa thuận Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, nói thêm rằng hai chính phủ sẽ nỗ lực thu hẹp khác biệt trước khi GSOMIA hết hạn vào ngày 23/11.
Ông Esper nói Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải linh hoạt với các chương trình tập trận chung của họ để hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên ông không công bố bất cứ kế hoạch thu hẹp các hoạt động tập trận chung với Hàn Quốc mà Triều Tiên vẫn luôn lên án gay gắt.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo ngày càng lạnh nhạt từ khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật bồi thường cho những lao động khổ sai của nước này trong Thế chiến II. Nhật Bản sau đó quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao quan trọng sang nước láng giềng, trong khi Hàn Quốc đáp trả bằng cách quyết định không gia hạn GSOMIA
Ngày 14/11 Triều Tiên cho biết đã từ chối đề nghị đàm phán mới của Mỹ trước thời điểm hạn chót 1 năm Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington để họ có thể chứng tỏ nhiều hơn sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Advertisement