03/09/2021 15:13
Bloomberg: Gián đoạn chuỗi cung ứng từ Việt Nam đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Việc giãn cách xã hội quá lâu đang đè nặng lên chuỗi cung ứng ở Việt Nam, nhất là kế hoạch giao hàng cho kì nghỉ lễ Giang Sinh sắp tới.
Việt Nam đang ở tuyến đầu của cuộc chiến giành chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, dữ liệu thương mại và sản xuất đang gặp vấn đề lớn, với chỉ số quản lý mua hàng mới nhất trong tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Trong số 53 quốc gia thuộc Bảng xếp hạng khả năng phục hồi của Bloomberg, 5 quốc gia xếp cuối đều ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam ở vị trí thứ 50, giảm 4 bậc so với tháng trước trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại và chiến dịch tiêm chủng chậm lại.
Theo ước tính của Natixis, 5 quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng cung cấp khoảng 6% xuất khẩu toàn cầu và cung cấp đầu vào quan trọng cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm một nửa nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ.
Rối loạn trong chuỗi cung ứng không chỉ gây áp lực cho chỉnh phủ Việt Nam mà còn tác động đến các thương hiệu toàn cầu. Các thương hiệu này đang phải vật lộn với chi phí vận chuyển cao ngất trời, đồng thời bảo vệ người lao động trong các nhà máy.
Cả chính phủ và các công ty đều đang cố gắng gỡ rối cho chuỗi cung ứng đang trở nên khó khăn hơn sau mỗi lần đóng cửa cảng hoặc đình chỉ sản xuất trên khắp châu Á.
“Chúng tôi đang dự trù trước tình huống rằng, trẻ em Mỹ sẽ mở những hộp quà dưới gốc cây thông Noel và tìm một mẩu giấy nhỏ có nội dung 'Xin lỗi, món quà tuyệt vời từ bố và mẹ của bạn hiện không có sẵn. Hãy đợi khoảng 6 tháng sau”, Adam Sitkoff, CEO Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho biết.
Kêu gọi nhiều vaccine hơn từ Pfizer và Washington
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm Hà Nội vào tuần trước và tặng thêm 1 triệu liều vaccine trên tổng số 5 triệu liều mà Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng rằng, tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ của Việt Nam vẫn còn khá thấp, các ca nhiễm mới và tử vong đang đạt đến mức khắc nghiệt mỗi ngày.
Một ngày trước khi bà Harris đến, Trung Quốc đã cam kết viện trợ thêm cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine. Như vậy tính đến nay, tổng số vaccine mà Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam là 2,7 triệu liều. Trong đó ưu tiên 500.000 liều cho công dân Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu sang Trung Quốc công tác, học tập và người dân dọc biên giới Trung Quốc.
Về chiến dịch tiêm chủng, chính phủ Việt Nam đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy, từ Công ty Điện tử Samsung ở miền Bắc đến Tập đoàn Intel và các nhà máy may mặc ở TP.HCM.
"Các công ty lớn của Mỹ nên gọi điện cho Pfizer và Washington để cung cấp thêm vaccine cho Việt Nam, vì điều quan trọng ngay lúc này là các công ty Mỹ phải duy trì hoạt động sản xuất của họ", Csaba Bundik, CEO của CETA Consulting, đề xuất.
Đóng góp 'nhỏ'
Trong chuyến thăm 2 ngày của mình, bà Harris đã ghi nhận việc Việt Nam cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho Hoa Kỳ sớm trong đại dịch, và mở văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
Theo Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã viện trợ thêm 23 triệu USD cho Việt Nam để ứng phó với đại dịch, nâng tổng số tiền mà nước này đã cung cấp lên khoảng 44 triệu USD.
Việc tặng vaccine là “một dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden đã lắng nghe những mối quan tâm của ngành công nghiệp của chúng tôi”, Steve Lamar, chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Quần áo và Giày dép Hoa Kỳ, cho biết qua email trong tuần này.
“Vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong cuộc chiến với COVID-19, và chúng tôi sẽ tiếp tục nêu bật những khó khăn mà các nước đối tác phải đối mặt và nhu cầu về nhiều vaccine hơn”.
Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với việc tặng vaccine. Đồng thời, nhiều quốc gia đang phát triển cũng lên tiếng kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến nên làm nhiều hơn nữa để chia sẻ nguồn cung cấp vaccine của họ, vì lợi ích của tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất đồ nội thất Việt Nam Phu Tai Corp, cho biết: “6 triệu là quá nhỏ đối với một quốc gia sản xuất vaccine lớn như vậy, đặc biệt là khi chúng tôi đã xuất khẩu rất nhiều sang Mỹ".
Công ty của ông Hòe chuyên sản xuất đồ nội thất gia đình cho các cửa hàng Wal-Mart Stores tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Ông nói thêm: “Nhiều công ty Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lớn không thể thực hiện được kế hoạch giao hàng cho kỳ nghỉ lễ sắp tới, vì vậy việc giúp đỡ chúng tôi cũng đang mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ”.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp