Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Big 4 ngân hàng sẽ cổ phần hóa, thoái vốn ra sao trong giai đoạn 2022-2025?

Ngân hàng

01/12/2022 15:17

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại "Big 4" ngân hàng cũng đã được đề cập tới.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (sau đây gọi chung là thoái vốn) giai đoạn 2022 - 2025.

Cụ thể, Chính phủ sẽ duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025).

Cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.

Thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025 đối với 21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Big 4 ngân hàng sẽ cổ phần hóa, thoái vốn ra sao trong giai đoạn 2022-2025? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thuộc danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là từ 65% vốn trở lên.

Đối với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%.

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và "Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 2 ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.

Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại 4 ngân hàng này, đến cuối năm 2021, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của nhóm Big 4 là 262.689 tỷ đồng, tăng 13.787 tỷ đồng (5,54%) so với cuối năm 2020. Tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác là 665.390 tỷ đồng, tăng 91.093 tỷ đồng (15,86%) so với cuối năm 2020.

Đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 436.003 tỷ đồng (10,41%) so với cuối năm 2020.

Về hoạt động đầu tư, đến cuối năm 2021, tổng số dư các khoản chứng khoán kinh doanh đầu tư của khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là 597.235 tỷ đồng (đã tính dự phòng rủi ro), tăng 87.478 tỷ đồng (17,16%) so với cuối năm 2020.

Về kết quả xử lý nợ xấu, theo báo cáo, VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đạt kết quả khá tích cực trong xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, góp phần kiểm soát nợ xấu của từng ngân hàng nói riêng và kiểm soát nợ xấu của toàn hệ thống nói chung, theo Vnbusiness.

Cụ thể, tổng số nợ xấu của các NHTM Nhà nước được xử lý trong năm 2021 thông qua các hình thức: Khách hàng trả nợ, bán phát mại tài sản; trích lập dự phòng đạt 59.506,59 tỷ đồng, giảm 9.948,21 tỷ đồng (14,32%) so cuối năm 2020; trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro 38.912,92 tỷ đồng, giảm 11.019,48 tỷ đồng (22,07%) so cuối năm 2020.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu của 4 NHTM Nhà nước đạt 452.238 tỷ đồng, tăng 9.513 tỷ đồng (2,15%) so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 71.367 tỷ đồng, tăng 10.372 tỷ đồng (17%) so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 57.265 tỷ đồng, tăng 8.336 tỷ đồng (17,4%) so với cùng kỳ năm 2020.

Về hiệu quả sử dụng vốn: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất thời điểm cuối năm 2021 đạt 16,05%, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) hợp nhất thời điểm cuối năm 2020 đạt 0,9%, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Quyết định 1479/QĐ-TTg, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc: Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân TP.HCM, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp chưa được quy định tại Quyết định này (không thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) thực hiện sắp xếp theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày 29/11/2022 thì thực hiện như sau:

Đối với các doanh nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động điều chỉnh lại tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi xây dựng Phương án theo Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định này và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp, theo Markettimes.

Đối với các doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn thì thực hiện theo Phương án đã được phê duyệt và tiếp tục xây dựng phương án để thực hiện thoái vốn theo tỷ lệ quy định tại Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định này.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement