25/09/2019 07:46
Bia "lạ" ồ ạt xuất hiện tại Việt Nam
Mặc dù thị trường bia vẫn do Heineken, Sabeco, Habeco nắm giữ phần lớn, nhưng xu hướng tiêu thụ đang dịch chuyển dần sang bia ngoại độc, lạ.
Khách uống bia thích thương hiệu lạ
Cứ như thói quen, mỗi chiều cuối tuần anh Q. , ngụ tại quận 2 (TP.HCM) lại ra quán vỉa hè uống bia với bạn bè. Mọi hôm anh thường uống Heineken nhưng hôm nay lại đổi "gu", đòi uống Amstel vì uống hoài một thứ bia không còn thấy ngon nữa.
Anh Nguyễn Minh Tú, chủ một quán bia trên phố "nhậu" Hoàng Sa, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết: "Kinh doanh nhà hàng ăn uống nhiều năm, chưa khi nào tôi thấy các loại bia ngoại nhập xuất hiện trên thị trường nhiều như hiện nay. Đa số khách hiện nay vẫn đang dùng phổ biến bia Heineken, Tiger, Sài Gòn ..., tuy nhiên khá nhiều trường hợp khách đòi uống các loại bia mới nhập khẩu khác. Xu hướng này cũng đang có dấu hiệu ngày càng rõ dần hơn, thể hiện sự dịch chuyển đáng kể".
Theo số liệu của Hãng Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tổng doanh thu thị trường bia Việt Nam sẽ đạt con số 7,7 tỷ USD trong năm 2019; bình quân mỗi người Việt chi 79,55 USD cho việc tiêu thụ bia. Về lượng, người Việt sẽ tiêu thụ khoảng 4,6 tỷ lít bia trong năm 2019, tương đương mỗi người dân tiêu thụ 47,6 lít bia.
Bia ngoại được nhiều người dùng Việt ưa chuộng. |
Phân khúc bia cao cấp là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhưng đang là sân chơi của các hãng bia ngoại, chiếm tỷ trọng tới 92% (chủ yếu là bia lager). Bất cứ nơi đâu từ những quán cóc ven đường cho đến các quán bar hay nhà hàng sang trọng, thực khách đều có thể bắt gặp hình ảnh của bia ngoại, vì giờ đây chúng đã trở nên quá phổ biến.
Không chỉ là ở các tầng lớp có thu nhập cao mà ngay cả những người có thu nhập trung bình cũng rất chuộng những loại bia này. Tuy rằng giá bia ngoại cao gấp 2 - 4 lần so với bia nội nhưng chúng vẫn được ưu ái, bởi dường như không chỉ là xu hướng mà còn là sự thể hiện "độ sành" chơi.
Theo ghi nhận của PV, trên thị trường hiện nay xuất hiện gần như đủ mặt các thương hiệu lạ, từ khắp nơi trên thế giới. Đơn cử các thương hiệu lạ như bia Pilger Đức có giá 800.000 đồng/thùng (24 lon 500ml); Heniken nhập khẩu từ Pháp có giá 500.000 đồng/thùng (24 chai 250ml), bia 1715 được giới thiệu là bia lâu đời nhất của Ukraina có giá 540.000 đồng/thùng (24 lon 500ml), bia Leffe lon từ Bỉ giá 730.000 đồng/thùng...
Đặc biệt, những loại bia cao cấp hơn với độ cồn cao hơn cũng được nhập về và bán khá chạy, ví dụ như bia Deschutes Obsidian Stout có giá 2.880.000 đồng/thùng, bia Sứ Hertog Jan Triple 8% (độ cồn) xuất xứ Hà Lan có giá 1.920.000 đồng/thùng, bia La Trappe Quadrupel 10% (độ cồn) giá 2.280.000 đồng/thùng.
Bia nội chật vật
Theo dự báo của Statista, giai đoạn 2019 – 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam là 5,6%/năm. Đến năm 2023, người Việt sẽ tiêu thụ khoảng 5 tỷ lít bia, tương ứng với 9,6 tỷ USD.
Thị trường bia Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt. Các công ty phải giành giật nhau thị phần từng tháng, từng quý, từng vùng. Bia nội hiện vẫn chiếm giữ gần 70% thị phần, nhưng thị hiếu thay đổi, ngườitiêu dùngngày càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm bia cao cấp.
Bởi vậy, đa dạng sản phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm cao cấp, nhằm bắt kịp theo xu hướng phát triển của thị trường là điều không dễ dàng. Theo Hiệp hội Rượu - Bia - Nướcgiải khát Việt Nam (VBA), hiện tại, hầu hết các thương hiệu bia nội đều nằm ở phân khúc bình dân, phù hợp với túi tiền của đa phần người dân Việt Nam.
Các dòng bia ngoại lên kệ tại các siêu thị, sẽ tạo nên sự tranh canh gay gắt với thị trường nước uống có cồn trong nước. |
Xu hướng chuyển sang dùng bia cao cấp đang gây bất lợi cho bia nội. Với thương hiệu bình dân, khi phát triển những sản phẩm cao cấp, cạnh tranh rất chật vật. Không những thế, sản phẩm của các doanh nghiệp bia nội lại không thay đổi nhiều, chất lượng không được nâng cao. Đây là những điểm yếu của bia nội khi cạnh tranh trong thị trường mở cửa hoàn toàn.
Nếu những thương hiệu bia cao cấp cạnh tranh, chỉ cần hạ giá, bán rẻ gần bằng bia nội thì người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao, nhờ ưu thế về chất lượng. Khi đó, nguy cơ các doanh nghiệp sẽ khó giữ được thị phần như hiện nay.
Mới đây, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 310 tỷ đồng với mức tiêu thụ 434,5 triệu lít bia các loại. Con số này đã giảm mạnh so với kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 517,9 tỷ đồng ở năm trước.
Theo VBA, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mới đây nhất là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực từ năm 2019. Theo lộ trình, thuế nhập khẩu bia sẽ về mức 0%. Trong số các thành viên CPTPP, nhiều quốc gia rất mạnh về xuất khẩu rượu bia, nước giải khát như Nhật, Canada, Mexico, Chi lê... Do đó, dự báo bia ngoại sẽ tràn vào Việt Nam trong thời gian tới. Khi đó, bức tranh thị trường bia chắc chắn sẽ dần được vẽ lại.
Advertisement