Bị bỏ hoang hơn 10 năm, Saigon One Tower đang được Viva Land hồi sinh thế nào?
17/08/2022 12:18
Dự án mới này được quảng bá với tên gọi IFC One Saigon. Theo thông tin trên website của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land, đơn vị này sẽ phát triển và quản lý dự án. Hiện nay, theo quan sát, dự án này đang được đầy nhanh tiến độ "hồi sinh", với toàn bộ phần kính ốp đang được thay mới hoàn toàn.
Đơn vị phát triển cho biết, dự kiến đến cuối năm nay, toàn bộ dự án này sẽ được hoàn thiện phần ngoài, được chiếu sáng thật lộng lẫy. Song song đó, các hạng mục bê tông cũ, nội thất và cơ điện cũng được đổi mới toàn bộ...
Thông tin trên website của Viva Land giới thiệu, doanh nghiệp này được thành lập năm 2020, với chức năng mua bán dự án, quản lý dự án, quản lý quỹ và tài sản. Cũng theo giới thiệu tại website này, Viva Land có trụ sở đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Singapore. Chủ tịch HĐQT của Viva Land là Chen Lian Pang và Giám đốc điều hành là ông Eddie Lim.
Được biết, cả 2 nhân sự đầu não của doanh nghiệp này đều từng là "tướng lĩnh" của nhà CapitalLand Việt Nam. Trong đó, ông Chen Lian Pang từng là Tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam, ông vừa rời khởi chức vụ này vào ngày 1/7/2020.
Ông Eddie Lim được giới thiệu có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại CapitaLand, phụ trách điều hành hoạt động kinh doanh và đầu tư về căn hộ dịch vụ và bán lẻ. Ông Eddie Lim đã từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao và có nhiều kinh nghiệm làm việc quốc tế tại các quốc gia trong khu vực như Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng cho biết đang sở hữu tới 800 ha đất sắp được triển khai, với tổng giá trị tài sản đang quản lý trên 5 tỷ USD. Các dự án tiêu biểu của Viva Land đang thực hiện tại TP.HCM gồm IFC One, Project GP (Nguyễn Trãi, quận 5), Waterfront Saigon (Tôn Đức Thắng, quận 1), Saigon Peninsula (phường Phú Thuận, quận 7).
Trong khi đó, Viva Land có cơ cấu cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm các bà: Nguyễn Thị Kim Khánh sở hữu 30% vốn điều lệ, Dương Thị Hạnh sở hữu 20% vốn điều lệ và Nguyễn Thị Ngọc Mai sở hữu 25% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1986), cổ đông lớn của Viva Land, còn là một trong những cổ đông sáng lập của CTCP Hoa Phú Thịnh. Doanh nghiệp này trong ít tháng trở lại đây đã cùng CTCP Osaka Garden và CTCP Phú Hoàng Vương đã hút về 15.500 tỉ đồng từ kênh trái phiếu, nhằm đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. Vụ chuyển nhượng được cho là có liên quan tới Masterise Homes.
Trước đây, Cao ốc Saigon One Tower do liên doanh Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư gồm các cổ đông như: Công ty cổ phần M&C, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.
Dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM khi được xây dựng trên khu đất vàng rộng 6.600 m2 tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi, quy mô 41 tầng (không tính 5 tầng hầm và 3 tầng kỹ thuật), tổng vốn đầu tư 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỉ đồng thời điểm đó).
Theo thiết kế, công trình cao 185 m, được xem là dự án đình đám, sang trọng bậc nhất TP.HCM tại thời điểm công bố. Mặc dù vậy, Saigon One Tower lại có số phận khá hẩm hiu, cùng với nhiều lời đồn đoán và từng bị lãnh đạo TP.HCM nhắc tên là một trong những dự án làm xấu "bộ mặt" của thành phố.
Cụ thể, năm 2017, thị trường xôn xao bởi thông tin toà cao ốc sẽ được Công ty Phát triển Bất động sản Alpha King rót vốn để hoàn thiện. Nhưng đến tháng 8/2017, Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) công bố đã thu giữ dự án để xử lý và thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower.
Đầu tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án này với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng nhưng không ai mua dù chủ dự án đã vay cả gốc lẫn lãi đến thời điểm bị thu hồi với số tiền lên đến trên 7.000 tỷ đồng.
Do đấu giá không thành công nên VAMC đã bàn giao lại tài sản cho phía ngân hàng xử lý nợ. Đến nay, dự án đã về tay chủ mới và được đổi tên thành IFC One Saigon.
Trước đó, thị trường còn xôn xao thông tin Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND TP.HCM về việc xin đầu tư dự án trên. Theo tìm hiểu, Công ty Di sản quốc tế Hồ Tràm thành lập vào ngày 22/11/2019, đóng trụ sở tại 33 Đường số 8, Khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TP.HCM, Việt Nam.
Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở. Tại thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 300 triệu đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Nguyễn Quốc Long (50%) – ông cũng đồng thời là Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật, Lê Nguyên Thành (30%) và Lê Quang Ngọc (20%).
Tin liên quan
Advertisement