23/05/2022 18:20
Bệnh đậu mùa khỉ là gì? Nó lây nhiễm như thế nào?
Loại virus đậu mùa khỉ hiếm gặp, thường chỉ giới hạn chủ yếu ở Trung và Tây Phi, đã lây lan theo những cách bất thường trong năm nay và trong những nhóm người chưa từng bị nhiễm trước đó.
Việc bùng dịch virus đậu mùa khỉ đã tạo ra một số cảnh báo đối với các quan chức và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Dưới đây là những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ và những rủi ro mà nó gây ra.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ là một loại virus đặc hữu ở các vùng của Trung và Tây Phi. Nó là một phiên bản lành tính hơn của bệnh đậu mùa.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nó được phát hiện vào năm 1958, sau khi bùng phát dịch bệnh ở những con khỉ được nuôi để nghiên cứu.
Về dấu hiệu và triệu chứng bệnh: Bệnh đậu mùa khỉ tạo ra một nốt phát ban bắt đầu với các vết đỏ phẳng, sau đó nổi lên và chứa đầy mủ. Người bị nhiễm cũng sẽ bị sốt và đau nhức cơ thể.
Các triệu chứng thường xuất hiện sau 6 - 13 ngày nhưng có thể lâu nhất là ba tuần sau khi tiếp xúc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần, với các trường hợp nghiêm trọng xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em.
Nó lây nhiễm như thế nào?
Thông thường, nó không dẫn đến các vụ bùng phát lớn, trong hầu hết các năm, chỉ có một số ít các trường hợp bên ngoài châu Phi. Đợt bùng phát nghiêm trọng nhất ở Hoa Kỳ xảy ra vào năm 2003, khi hàng chục trường hợp có liên quan đến việc tiếp xúc với những con chó đồng cỏ bị nhiễm bệnh và các vật nuôi khác. Theo WHO, đây là lần đầu tiên bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ bên ngoài châu Phi .
Theo WHO, ở châu Phi, 11 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh kể từ năm 1970, khi trường hợp đầu tiên trên người được xác định là ở một cậu bé 9 tuổi ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Nigeria đã trải qua một đợt bùng phát lớn, với hơn 500 trường hợp nghi ngờ và 200 trường hợp được xác nhận kể từ năm 2017.
Virus có thể lây lan qua chất dịch cơ thể, tiếp xúc với da và các giọt đường hô hấp. Đa số các trường hợp năm nay là nam thanh niên, trong đó nhiều người tự nhận là nam có quan hệ tình dục đồng giới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, hầu hết các trường hợp có biểu hiện tổn thương trên cơ quan sinh dục hoặc vùng quanh bộ phận sinh dục, cho thấy sự lây truyền có thể xảy ra khi tiếp xúc thân thể gần gũi trong các hoạt động tình dục.
Đã có 38 trường hợp trên toàn thế giới tính bị nhiễm, trong đó có 37 trường hợp không có tiền sử du lịch đến các quốc gia có dịch bệnh, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu.
Tại Hoa Kỳ, trường hợp đầu tiên của năm 2022 được chẩn đoán ở Massachusetts. Người đàn ông này gần đây đã đi du lịch đến Canada, nơi đã có hai trường hợp trong năm nay.
Hôm Chủ nhật, các quan chức y tế công cộng ở Florida cho biết họ đã xác định được một trường hợp được cho là mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Hạt Broward ở một người gần đây đã đi du lịch quốc tế. Các quan chức cho biết người này đã bị cách ly.
Các nhà chức trách y tế thành phố New York vừa qua cho biết họ đã xét nghiệm hai bệnh nhân đang được điều tra về khả năng mắc bệnh đậu mùa ở khỉ.
Châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều. Tính đến hiện tại Bồ Đào Nha đã báo cáo 17 trường hợp, Tây Ban Nha có 7 trường hợp, Bỉ có 2 trường hợp và Pháp, Ý và Thụy Điển mỗi nước có một trường hợp...
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, không ai trong số những người bị nhiễm bệnh đã tử vong.
Đây là lần đầu tiên các chuỗi lây truyền được báo cáo ở châu Âu mà không có mối liên hệ với Tây hoặc Trung Phi, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu. Cơ quan cũng cho biết các trường hợp năm nay bao gồm trường hợp đầu tiên được báo cáo ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết khả năng virus lây lan khi quan hệ tình dục là khá cao, nhưng nguy cơ lây truyền từ các hình thức tiếp xúc gần gũi khác là thấp.
Các triệu chứng thường nhẹ và hầu hết mọi người khỏi bệnh trong vòng vài tuần, nhưng virus đã có tỷ lệ tử vong khoảng 3,3% ở Nigeria, với trẻ em, thanh niên và những người suy giảm miễn dịch dễ mắc bệnh nhất.
Bỉ đã trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng chế độ cách ly 21 ngày bắt buộc đối với bệnh nhân đậu mùa khỉ khi các ca bệnh - thường là bệnh đặc hữu ở châu Phi - lan rộng trên toàn cầu.
Các cơ quan y tế ở Bỉ đã áp dụng các biện pháp này vào thứ Sáu sau khi báo cáo trường hợp thứ ba của họ bị nhiễm virus này. Tính đến thứ Hai, nước này đã ghi nhận bốn trường hợp; Các ca nhiễm trùng toàn cầu được xác nhận hiện có khoảng 100 ca.
Các biện pháp bắt buộc của Bỉ chỉ áp dụng cho những bệnh nhân đã được xác nhận nhiễm trùng. Những người gần gũi không bắt buộc phải tự cô lập nhưng được khuyến khích giữ cảnh giác, đặc biệt nếu tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương.
"Những người bị nhiễm sẽ phải cách ly tiếp xúc cho đến khi vết thương lành hẳn (họ sẽ nhận được hướng dẫn cụ thể về điều này từ bác sĩ điều trị)", một bản dịch của thông báo chính phủ cho biết.
Trong khi đó, Vương quốc Anh cho biết những người có nguy cơ mắc bệnh cao nên tự cách ly trong 21 ngày. Điều đó bao gồm những người tiếp xúc trong gia đình hoặc các chuyên gia y tế có thể đã tiếp xúc với một bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Lo ngại bùng phát dịch
Sự gia tăng gần đây các ca bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, hiện đang làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát rộng hơn.
Seth Berkley, Giám đốc điều hành của liên minh vaccine toàn cầu Gavi, nói với CNBC hôm thứ Hai rằng: "Hơn 100 trường hợp đã được phát hiện ở 12 quốc gia khác nhau mà không có mối liên hệ rõ ràng - có nghĩa là chúng tôi phải tìm ra chính xác điều gì đang xảy ra.
"Sự thật là chúng tôi không biết đó là gì và do đó nó sẽ nghiêm trọng như thế nào. Nhưng có khả năng chúng ta sẽ gặp nhiều trường hợp hơn", ông nói.
Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đều nhẹ và thường khỏi trong vòng 2 đến 4 tuần, nhưng hiện tại vẫn chưa có vaccine. Vaccine đậu mùa đã được chứng minh hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, và một số quốc gia đã bắt đầu dự trữ.
Berkley cảnh báo rằng đợt bùng phát mới, xảy ra ngay cả khi đại dịch COVID-19 hiện tại vẫn chưa kết thúc, là lời cảnh báo cho các nhà chức trách đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào các bệnh truyền nhiễm.
Ông đã phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, nơi các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh đã tập trung trong tuần này để bàn về các vấn đề toàn cầu quan trọng, bao gồm cả việc chuẩn bị cho đại dịch.
Ông nói: "Đây là điều chắc chắn về mặt tiến hóa rằng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn nữa. "Đó là lý do tại sao việc chuẩn bị cho đại dịch là rất quan trọng. Nhìn vào những gì nó có thể làm về mặt kinh tế khi bạn bị đại dịch tấn công".
(Nguồn: New York Times/CNBC)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp