14/03/2018 05:02
Bé ngủ ít khi lớn lên rất dễ mắc căn bệnh này
Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi trường Đại học St George's và Đại học London trên 4.500 trẻ em từ 9 đến 10 tuổi cho thấy rằng những trẻ có thời gian ngủ dài hơn có lượng mỡ trên cơ thể thấp hơn.
Đồng thời thời gian ngủ tỷ lệ nghịch với mức độ insulin, kháng insulin và đường huyết trong cơ thể. Kết luận cuối cùng cho thấy, trẻ em ngủ ít dễ mắc bệnh béo phì và tiểu được tuýp 2 khi lớn lên.
Các giai đoạn của một giấc ngủ
Cũng giống như người lớn, giấc ngủ của trẻ nhỏ cũng chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Tùy từng giai đoạn mà trẻ có thể nằm yên hay vẫn có những cử động. Có 2 loại giấc ngủ:
Giấc ngủ nhanh (REM – rapid eye movement: cử động mắt nhanh): Đây là giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt sẽ cử động nhanh theo chiều trước sau. Mặc dù trẻ nhỏ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhưng khoảng phân nửa thời gian là giấc ngủ REM. Tức là bé chỉ ngủ sâu khoảng 8 giờ. Trẻ lớn và người lớn ngủ ít hơn nhưng ngủ REM cũng ít hơn.
Giấc ngủ chậm (Non-REM – Non- rapid eye movement: không cử động mắt nhanh): Có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: buồn ngủ – mí mắt sụp xuống hay có thể chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật.
Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ – trẻ có thể vẫn cử động, giật mình, vặn mình.
Giai đoạn 3: ngủ sâu – trẻ im lặng và không cử động
Giai đoạn 4: ngủ rất sâu – trẻ im lặng và không cử động
Giấc ngủ của bé sẽ diễn tiến theo chu kỳ, bắt đầu tuần tự từ giai đoạn 1, sau đó chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3, giai đoạn 4, rồi quay lại giai đoạn 2, rồi chuyển sang ngủ REM. Trong một giấc ngủ có thể có vài chu kỳ ngủ trên. Trong vài tháng đầu, trẻ có thể thức giấc khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ lơ mơ và có thể khó ngủ trở lại.
Tại sao trẻ sơ sinh hay khóc đêm?
Thông thường, khoảng hơn 8h đến 10h30 đêm, bé có thể ngủ rất sâu và sẽ có 2 lần thức giấc không hoàn toàn ngắn (nghĩa là bé vẫn mơ màng, không tỉnh ngủ hẳn).
Từ gần 11h đêm đến khoảng 5h sáng là những giấc ngủ không sâu, đồng thời xuất hiện những cơn mơ, xen lẫn những lần thức dậy ngắn. Từ 5h-6h sáng, bé ngủ sâu trở lại. Việc bé thức dậy trong đêm và quấy khóc là hoàn toàn bình thường. Do đó, các mẹ không nên quá căng thẳng hay lo lắng. Vấn đề lúc này là cần “chiến thuật” để bé ngủ lại sau đó.
Nếu đầu đêm, bé đang ngủ mà giật mình thức dậy, khóc hay la hét thì rất có thể do một nhân tố nào đó bên ngoài tác động khiến bé cảm thấy bất an, hoảng loạn. Ví dụ như: tiếng động nhỏ hay tiếng nói chuyện, tiếng tivi… Việc cần làm của mẹ lúc này đơn giản chỉ là Yên lặng.
Vì bé sẽ tự ru mình ngủ lại rất nhanh. Hoặc nếu bé lật người hay đứng lên trên cũi thì mẹ hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm lại, không nên bế ẵm, ru hay nói chuyện với bé bởi thực ra lúc này bé vẫn đang ngủ.
Nếu từ giữa đêm đến gần sáng, bé thức dậy khóc thì về cơ bản có 2 nguyên nhân:
Do cảm thấy bất an
Bình thường, khi ru bé ngủ, mẹ có thói quen là: ôm bé, bật cho bé nghe một đoạn nhạc hoặc cho bé ngậm ti giả… Đến khi bé ngủ say, mẹ rời vòng tay ôm, tắt đoạn nhạc… để đặt bé ngủ ngay ngắn trở lại thì nửa đêm giật mình thức giấc, bé thấy mình nằm một mình giữa không gian yên tĩnh, không có nhạc, không có mẹ, không có ti giả… thì bé sẽ cảm thấy bất an và do đó sẽ khóc. Tiếng khóc của bé lúc này có thông điệp “Mẹ ơi, hãy ôm con đi” hoặc “Mẹ ơi, ti giả của con đâu”…
Do thói quen uống sữa/ ăn đêm
Với những trẻ đã quen bú đêm thì việc tỉnh dậy, khóc toáng đòi ăn là tất nhiên. Do đó, để ru ngủ lại những đứa trẻ này, chỉ cần 1 bình sữa là mọi chuyện sẽ ổn. Tuy nhiên, nhiều mẹ cứ nghe tiếng con khóc đêm thì nghĩ rằng bé đói bụng và cho ti sữa là hoàn toàn sai. Với quan niệm này, mẹ vô tình tập cho bé thói quen hễ ban đêm thì ăn và ngủ chỉ là việc xen kẽ giữa các cữ ăn.
Mẹ thông thái luôn hiểu rằng, không nên cho bé ăn khi ngủ, vì cơ thể khi ngủ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu ngủ mà hệ tiêu hóa vẫn phải làm việc thì sẽ sản sinh ra một số chất ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Một khi bé ngủ xuyên đêm, bé sẽ biết điều chỉnh ăn nhiều hơn vào các cữ ban ngày.
Tập thói quen ngủ ngoan cho bé
Ngay từ sáu tuần tuổi, bé đã có thể học cách ngủ ngoan. Một số cách hiệu quả giúp bé ngủ ngon mẹ nên lưu ý:
Nhận biết dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ
Từ 6-8 tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn 2 giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn 2 giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và lại trở nên khó ngủ.
Vì vậy, bạn nên nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, dụi mắt, lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng dưới mắt thâm lại. Nếu bạn nhận thấy bé có những dấu hiệu đó thì nên đặt bé vào nôi hay giường.
Tư thế nào đem lại giấc ngủ sâu cho trẻ
Hãy đặt con bạn nằm ngửa trên tấm nệm vừa vặn, vững chắc trong giường cũi.
Lấy tất cả gối, chăn bông, đồ chơi nhồi bông và những vận khác ra khỏi giường cũi của trẻ.
Nếu sử dụng một chăn, hãy đặt con bạn vào giường cũi rồi nhét một cái chăn mỏng quanh nệm giường, chỉ đắp chăn cao đến ngực trẻ.
Cần chắc là đầu con bạn không bị che phủ trong lúc ngủ.
Để ngăn ngừa sự nóng bức quá mức, bạn nên cho con mặc quần áo nhẹ khi ngủ và nhiệt độ phòng cần giữ ở mức thoải mái. Tránh bọc thân thể bé quá kín. Hãy kiểm tra da của con bạn để biết chắc là không nóng khi bạn chạm vào.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp