05/06/2017 08:21
Bảy quy tắc chuyển bại thành thắng
Làm sếp một bộ phận mới với những nhân viên xa lạ hoàn toàn… là điều không dễ dàng! Làm sao bạn có thể chuyển mình thuần thục vào vị trí đó?
Những tháng đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ đóng vai trò quyết định thành bại. Nếu bạn không khéo cư xử hoặc thiếu thông tin cụ thể và kiến thức quản lý thì sẽ gặp phải thất bại thảm hại. Dù trong hầu hết tình huống, mọi người thường nói: Vạn sự khởi đầu nan.
Nhưng đối với việc nhảy vào làm sếp ở một tập thể xa lạ hoàn toàn, thì gian nan sẽ khiến bạn bắt đầu nản, chất chồng các khó khăn…
Thực hành 7 quy tắc sau để vào việc thuận buồm xuôi gió.
Một: Chuẩn bị nhập cuộc.Nhà lãnh đạo khôn ngoan luôn biết tranh thủ thời gian. Không phải chờ đến khi chính thức ngồi vào ghế giám đốc mới bắt đầu tìm hiểu công việc. Khi nghe phong phanh quyết định chọn mình vào vị trí đó, bạn đã phải điều tra hoạt động và tìm hiểu nhân sự để có kiến thức nền. Mục tiêu là: bắt tay vào công việc ngay ngày đầu tiên chính thức nhậm chức.
Hai: Sắp xếp thời gian học.Đảm nhiệm vị trí cao tại nơi xa lạ giống như lèo lái con thuyền độc mộc trong màn sương dày. Bởi vì có nhiều kỳ vọng đặt ra mà thời gian để quen việc thì ngắn, bạn phải là người học nhanh. Có ba loại bài cần học: kỹ thuật, quản trị và văn hóa.
Học về kỹ thuật có nghĩa là tìm hiểu sản phẩm, thị trường, khách hàng, chiến thuật, điều hành. Học về quản trị là học cách đưa ra quyết định và nắm bắt những nhân tố chủ chốt có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp. Học về văn hóa là biết những giá trị, tập quán, đặc trưng của nhóm làm việc mới.
Ba: Lập tức thành công.Nhân viên cần cảm giác sự thay đổi rõ rệt và nhìn thấy thành công nhanh chóng sau khi sếp mới xuất hiện. Vậy nên, bạn cần lựa chọn một vài vấn đề còn tồn đọng nhưng có thể được giải quyết gọn tức thì.
Đó có thể là các giải pháp hiệu quả về điều hành, tài chính. Thành hình những thay đổi rõ rệt sẽ hướng tập trung của nhân viên vào công việc (thay vì cứ bàn tán về quyết định bổ nhiệm sếp mới), đồng thời, vẽ ra viễn cảnh thành công và khuyến khích nhân viên cống hiến nhiều hơn.
Bốn: Thiết lập nền tảng cho thành công lâu dài.Những thành công nhỏ ban đầu giúp bạn giành niềm tin của nhân viên để có khởi đầu tốt.
Tuy nhiên, chúng không tồn tại dài lâu. Bạn cần lập ra nền tảng để tạo những thay đổi sâu sắc đem đến nhiều cải thiện thấy rõ cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu, phải xây dựng tập thể làm việc gắn kết, đồng thời, tìm cách phát triển năng lực của bản thân để hoàn thành mục tiêu.
Năm: Nhìn xa trông rộng.Để nhân viên tin theo và cùng mình đi tiếp những chặn đường dài, lãnh đạo phải có tầm nhìn cá nhân và biết cách truyền cảm hứng cho mọi người. Để có tầm nhìn, bạn phải quan sát, hình dung và chọn lọc. Quan sát kỹ hoạt động của công ty, thẩm định những ưu tiên và mối đe dọa.
Sáu: Gây dựng đồng minh.Nhà lãnh đạo chỉ có thể dẫn dắt doanh nghiệp đến thành công nếu có những người tài và các nhóm giỏi tận tâm phò trợ.
Những lãnh đạo non trẻ có thể học và lập kế hoạch, nhưng sẽ chỉ đạt vài thành tựu nhỏ. Để thành công toàn vẹn thì phải có hỗ trợ từ tập thể nhân viên tài năng. Trong cuộc chuyển chủ, nhiều người sẽ thấy mông lung, do dự. Tài năng của bạn là phải thuyết phục họ ở lại giúp đỡ bạn trên mọi nẻo đường vì thành công là của tất cả.
Bảy: Quản lý chính mình.Hiểu rõ và biết quản lý chính mình quan trọng chẳng thua gì hiểu và quản lý mọi người. Khi chuyển tới vị trí mới hoàn toàn, bạn lao đầu vào những cuộc gặp gỡ, các chuyến công tác và làm hì hục.
Bạn xáo trộn sinh hoạt thường ngày tại gia đình để tập trung giải quyết những thử thách ở công ty. Những lúc này, bạn cần chuyên gia tư vấn giúp mình thanh thản tinh thần, tập trung trí lực, cân bằng công việc và cuộc sống.
Advertisement
Advertisement