27/09/2021 18:07
Báo Nhật: Tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam có thể chưa đến 2%
Các hạn chế nghiêm ngặt vì COVID-19 đã bóp chết trung tâm thương mại phía Nam của Việt Nam, gây áp lực buộc chính phủ phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm.
Từng là quốc gia phòng chống dịch hiệu quả, nhưng Việt Nam đang phải vật lộn để thoát khỏi làn sóng lây nhiễm thứ 4. Các chuyên gia cảnh báo, tác động của làn sóng COVID-19 này sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế sau quý III, nếu Việt Nam không đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Dự kiến số liệu quý III sẽ công bố vào cuối tháng này.
Tăng trưởng GDP quý III có thể giảm xuống còn 1,9%
Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered, cho rằng: “Chúng tôi dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong quý III của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 6,6% trong quý II”.
Công ty chứng khoán SSI có trụ sở tại TP.HCM, cho biết Việt Nam có thể đã trải qua một đợt suy thoái trong quý III, với mức giảm từ 0,8-1% so với cùng kỳ năm trước, khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 2,69%.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP trong quý III/2021 ở mức -1,2% so với cùng kỳ năm ngoái trước, sau đó sẽ tăng trở lại lên 5,7% trong quý IV/2021", Công ty chứng khoán VNDIRECT có trụ sở tại Hà Nội cho biết trong báo cáo phát hành ngày 13/9, dự báo một bức tranh kinh tế thậm chí còn đen tối hơn.
Trước tình hình hoạt động yếu kém trong quý III, ngày 14/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP xuống khoảng 3,5%-4% trong năm nay, nếu COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 9.
Bên cạnh đó, Bộ nhấn mạnh sự gián đoạn đối với sản xuất, cung cấp, dịch vụ và xuất khẩu, cũng như tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong nhà máy, đang ở tình trạng "báo động".
Trong khi đó ngày 22/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay xuống 3,8%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 4.
"Triển vọng ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng của đất nước không tăng đáng kể", ngân hàng cho biết.
"TP.HCM đã đặt mở mục tiêu mở cửa trở lại hoàn toàn vào giữa tháng 1/2022", VNDIRECT cho biết.
Theo đó, một số ngành dịch vụ, bao gồm khách sạn, dịch vụ ăn uống và vận tải có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong nửa cuối năm 2021. VNDIREXT đã hạ mức tăng trưởng GDP hàng năm trong năm 2021 xuống 3,9%, từ 5,0-5,5%.
Vào ngày 21/9, Hà Nội đã nới lỏng các hạn chế nhưng TP.HCM vẫn sẽ thực hiện giãn cách xã hội cho đến cuối tháng 9.
TP.HCM đã "lỡ hẹn" mở cửa trở lại vào ngày 15/9, sau khi triển khai quân đội để duy trì lệnh giới nghiêm trong ít nhất 3 tuần. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 vẫn còn tương đối cao.
Tính đến hôm 23/9, tổng số người chết vì COVID-19 ở Việt Nam là 18.584 người. Riêng TP.HCM đã thống kê được 14.246 người chết, chiếm 76% tổng số người chết cả nước.
Bức tranh kinh tế Việt Nam vào cuối năm
Việc giãn cách xã hội kéo dài đã đè nặng lên các nhà máy ở Việt Nam. Các khu vực xung quanh thủ đô và trung tâm kinh tế phía Nam là nơi tập trung các nhà máy do các công ty lớn của nước ngoài, như Samsung Electronics, Intel và Nike điều hành. Các công ty này đóng góp khoảng 1/2 GDP của cả nước và tạo thành một liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực.
Xuất khẩu điện thoại thông minh và máy tính cá nhân để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, trong bối cảnh toàn thế giới chuyển dịch sang các hoạt động trực tuyến có thể đã cứu Việt Nam khỏi tình trạng "rơi tự do".
RongViet Securities chỉ ra trong báo cáo ngày 20/9: “Xuất khẩu hàng điện tử và kim loại là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh bức tranh thương mại đang xấu đi”.
Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu như túi xách, giày dép và đồ gỗ, ghi nhận mức giảm lớn so với tháng trước, lần lượt là 54,7%, 40,2% và 39,1%.
Ngày 17/9, một nhóm hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các phòng thương mại Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc cũng như Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính.
"Các cuộc khảo sát mà các hiệp hội của chúng tôi đã thực hiện cho thấy, ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, và nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành".
CEO AmCham Việt Nam, Mary Tarnowka, nói với hãng tin kinh doanh BSA Online trong tháng này: “Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc".
"Nhưng các tín hiệu hỗn hợp hiện tại, sự gián đoạn và chậm trễ trong quản lý COVID-19 và cho phép mở lại, khôi phục kinh tế, sẽ hạn chế tiềm năng này", bà nói thêm.
Trong khi đó, tại thủ đô Hà Nội, việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt cũng khiến các nhà máy, cửa hàng và dịch vụ phải đóng cửa trên quy mô toàn thành phố và tỉnh lân cận, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết.
Đối với các công ty đa quốc gia, "việc chuyển sang nước khác sẽ mất nhiều thời gian vì họ đã đầu tư rất nhiều tiền vào Việt Nam và cũng được hưởng lợi từ khoản đầu tư của họ, nhưng Chính phủ cần phải kịp thời phản hồi và đối thoại trực tiếp với cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài", ông nói thêm.
Trong khi đó, một quan chức chính phủ thừa nhận sự cần thiết phải mở rộng tiêm chủng. Ông Nguyễn Đức Kiên, Trưởng ban Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nói với Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Việt Nam phải đẩy nhanh việc phê duyệt 'vaccine cây nhà lá vườn' và sớm đưa vào sử dụng”.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp