31/05/2023 12:25
Bảo hiểm tăng nhanh về lượng nhưng chưa tương xứng về chất
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng doanh thu, lơ là chất lượng khiến ngành này tăng trưởng nhanh về lượng, chưa tương xứng về chất.
"Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng doanh thu, lơ là chất lượng khiến ngành này tăng trưởng nhanh về lượng, chưa tương xứng về chất". Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ trong bối cảnh thị trường bảo hiểm vừa trải qua "cuộc khủng hoảng về niềm tin".
Ngành bảo hiểm đã phát triển hơn 25 năm tại Việt Nam và ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 20% một năm. Đây là lĩnh vực mà Bộ trưởng đánh giá có vai trò "bà đỡ", góp phần phát triển ổn định cho các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, đồng thời là giải pháp bảo vệ tài chính cho người dân.
Về tổng thể, ông Phớc cho rằng chất lượng đại lý bảo hiểm đã có sự cải thiện trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp đã đầu tư cho khâu đào tạo đại lý, công nghệ thông tin, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
Tuy vậy, theo ông, không thể phủ nhận rằng một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. "Nhiều doanh nghiệp trên thực tế chỉ chú trọng đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm. Có nghĩa là họ đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn là kiến thức kinh tế nền, chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp", Bộ trưởng đánh giá.
Một số doanh nghiệp theo ông Phớc, chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về mà lơ là kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý. Điều này dẫn tới việc một số đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm.
Bộ trưởng cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc mà dư luận phản ánh thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm. "Thị trường cần thực sự thay đổi một cách mạnh mẽ", ông Phớc nói.
Theo đó, các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để cải thiện chất lượng đại lý. "Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý thật nghiêm các các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.
Thời gian qua, kênh kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) ngày càng có đóng góp quan trọng đối với thị trường, bên cạnh đại lý truyền thống. Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận nó tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Ngành bảo hiểm phải xem lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng.
Với kênh bancassurance, ông nói các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đã nhìn thấy các vấn đề phát sinh và khẩn trương vào cuộc để thay đổi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần làm việc và có văn bản chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm phải nghiêm chỉnh chấp hành, cấm các hành vi mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ.
Bộ trưởng cho biết nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm, bao gồm cả bancassurance đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng được ban hành sớm để chấn chỉnh hoạt động, tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Thị trường bảo hiểm theo Bộ trưởng Tài chính còn nhiều thách thức cần hoàn thiện về chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp. Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, xu hướng phát triển công nghệ thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về "lượng" và "chất".
Theo Bộ trưởng Tài chính, để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, thì không thể thay đổi ngay trong "ngày một, ngày hai" mà cần một quá trình, làm từng bước. Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ", thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Mặt khác, cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản hóa quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình. doanh nghiệp bảo hiểm phải rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, cần thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng, theo Tạp chí Thuế.
Ngoài ra, để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về bảo hiểm, về phía khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh về sau.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement