06/01/2025 08:09
Bank - chứng - thép 'sáng cửa' tăng trưởng
Đó là nhận định của ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc về câu chuyện thị trường chứng khoán năm 2025.
Thị trường chứng khoán trong nước vừa khép lại năm 2024 với diễn biến đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài miệt mài bán ròng. Ông có bình luận gì về động thái của khối ngoại trong năm qua?
Việc khối ngoại bán ròng mạnh trong năm qua đến từ việc cơ cấu lại danh mục đầu tư khi tỷ giá USD/VND tăng. Khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài phải bán bớt cổ phiếu để chuyển danh mục về đồng USD. Thực tế này khiến cho thị trường chứng khoán có diễn biến khá èo uột từ tháng 3 đến hết năm.
Dù khối lượng giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ trọng không quá lớn trong tổng giá trị giao dịch trên thị trường nhưng điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, khi nhiều người vốn quen với việc quan sát động thái của khối ngoại và xem như một loại chỉ báo về xu hướng thị trường.
Sang năm 2025, ông dự báo ra sao về xu hướng của dòng vốn ngoại?
Năm 2025, tôi cho rằng tỷ giá vẫn còn căng thẳng do lập trường của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là sẽ thận trọng trong cắt giảm lãi suất. Theo đó, câu chuyện bán ròng của khối ngoại có thể vẫn tiếp diễn.
Xu hướng này sẽ đảo chiều khi nào?
Để khối ngoại mua ròng trở lại, tỷ giá hối đoái của VND phải mạnh lên. Điều này không chỉ phụ thuộc với yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam, mà còn phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, đó là sức mạnh của đồng USD – vốn chịu ảnh hưởng của sức khỏe kinh tế Mỹ cũng như chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nước này.
Năm qua, thị trường chứng khoán trong xu thế đi ngang trong biên độ hẹp, chỉ có một số nhóm cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá tích cực. Nhìn về tương lai, theo ông, đâu là nhóm ngành có triển vọng trong năm 2025?
Nhóm ngân hàng năm 2024 vẫn tăng trưởng tốt, cùng đó là chứng khoán, thép. Ba nhóm này vẫn còn dư địa tăng trong năm 2025, nhất là với nhóm ngân hàng. Các nhóm đơn lẻ khác thì có công nghệ, ví dụ FPT.
Hay bất động sản năm 2024 đều giảm giá, tạo nền thấp. Với nhóm cổ phiếu này, năm 2025 sẽ khá hơn vì giai đoạn 2023 - 2024, các doanh nghiệp cơ cấu lại tình hình tài chính. Hoạt động tái cơ cấu này diễn ra trên diện rộng và làm thị trường kém sôi động hơn, nhưng điều này sẽ được cải thiện trong năm 2025.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu kỳ vọng sẽ hưởng lợi, như thuỷ sản, may mặc, gỗ…
Các nhóm hút tiền mạnh nhất vẫn là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Các nhóm khác như dược, hoá chất kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền khi thị trường phục hồi rõ nét.
Năm 2025, liệu có con sóng ngành nào lớn không?
Sẽ khó có sóng lớn. Chưa nhóm nào cho thấy có tiềm năng nổi bật để tạo sóng. Ví dụ, với bất động sản, dù thị trường vừa qua có ấm lên nhưng chủ yếu đến từ nỗ lực làm ấm thị trường của những “tay to”, còn thị trường chung chưa có nhiều chuyển biến.
Ngoài ra, năm 2025, có nhiều rủi ro liên quan đến địa chính trị; trong đó, chính sách của chính quyền mới tại Mỹ là một ẩn số khó lường.
Dường như kinh tế thế giới sẽ xoay quanh các chính sách ông Donald Trump?
Đúng vậy, các thị trường tài chính vốn nhạy cảm với các chính sách từ Mỹ. Thị trường chứng khoán Việt Nam theo đó cũng bị biến động nhiều.
Rủi ro từ chính sách thương mại bảo hộ, chính sách tiền tệ, tài khoá có thể là câu chuyện của năm 2025.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp