27/02/2024 10:25
Bảng xếp hạng 10 tỷ phú giàu nhất Philippines, ông chủ Jollibee 'xếp chót'
Theo báo cáo tương tự của Ngân hàng Thế giới, bất chấp hậu quả của Covid-19, tỷ lệ nghèo của nước này đã giảm từ 23,3% năm 2015 xuống 18,1% vào năm 2021. Nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ cũng góp phần tạo thêm túi tiền 'dày căng' của các vị tỷ phú này.
Các ông trùm có cổ phần trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bất động sản và bán lẻ đặc biệt nhận được sự giúp sức từ thị trường lao động năng động của đất nước. Tổng tài sản trong danh sách 50 người giàu nhất nước của Forbes cũng tăng 11% từ 72 tỷ USD lên 80 tỷ USD vào năm 2023.
10. Tony Tan Caktiong
Tài sản: 1,4 tỷ USD
Tony Tan Caktiong là người sáng lập và Chủ tịch của Jollibee Foods, một trong những chuỗi nhà hàng châu Á phát triển nhanh nhất thế giới. Công ty hiện đang vận hành hơn 5.900 cửa hàng tại Philippines và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Sau hơn 40 năm đáp ứng khẩu vị của hàng triệu người dân Philippines với món gà rán trứ danh "Chickenjoy," Jollibee đã thực hiện một loạt thỏa thuận mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn thế giới nhằm thực hiện hóa mục tiêu trở thành một trong năm chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới.
Ngoài thương hiệu gà rán Jollibee và Highlands Coffee, doanh nghiệp này còn đứng sau nhiều chuỗi F&B khác như Phở 24, Burger King, Coffee Bean & Tea Leaf, Tim Ho Wan...
9. Lucio Tan
Tài sản: 2,6 tỷ USD
Là một trong những doanh nhân giàu có và thành đạt nhất của Philippines, Lucio Tan không chỉ nổi tiếng tại quốc đảo Philippines hay tại khu vực Đông Nam Á mà đã được biết đến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Không giống với nhiều tỷ phú Philippines khác được thừa hưởng khối tài sản lớn của gia đình, Lucio Tan có xuất thân nghèo khó. Khi còn rất nhỏ, ông đã cùng gia đình di cư sang Philippines với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vị tỷ phú này tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thuốc lá và rượu đến ngân hàng và du lịch hàng không. Tan là cổ đông của Philippine Airlines, đồng thời thành lập Pal Holdings. Ông trùm đã truyền lại đế chế của mình cho cháu trai Lucio Tan III vào tháng 5/2023, người hiện là chủ tịch của cả hai công ty gia đình.
8. Jaime Zobel de Ayala và gia đình
Tài sản: 2,8 tỷ USD
Jaime từng là Chủ tịch của Tập đoàn Ayala cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2006 và vị trí này do con trai ông, Jaime II, tiếp quản. Hiện tại, 7 người con của Jaime đang nắm giữ hơn 1/3 số cổ phần của tập đoàn này. Khởi đầu với một nhà máy chưng cất rượu ở Manila, gia đình Ayala sau đó mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, khách sạn, viễn thông và giáo dục.
Ayala là tập đoàn lớn nhất và giàu truyền thống nhất tại Philippines. Với người Philippines, tập đoàn thành lập năm 1834 này là đã một phần của lịch sử và truyền thống.
Bốn trụ cột của tập đoàn là Ayala Land trong lĩnh vực bất động sản, Bank of the Philippine Islands (BPI) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Globe Telecom trong lĩnh vực viễn thông và Manila Water trong lĩnh vực cấp thoát nước.
7. Isidro Consunji và các anh chị em
Tài sản: 2,9 tỷ USD
Josefa, Jorge, Luz, Maria Cristina và Maria Edwina được thừa hưởng tài sản từ người cha quá cố David Consunji. Sự giàu có của họ bắt nguồn từ DMCI Holdings, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Philippines, do ông Consunji thành lập năm 1954.
6. Lance Gokongwei và các anh chị em
Tài sản: 3 tỷ USD
Anh chị em nhà Gokongwei là những người chơi lớn trong ngành F&B của đất nước. Bên cạnh cổ phần lớn trong JG Summit - công ty điều hành đội bay thương mại lớn nhất đất nước Cebu Air.
JG Summit, một trong những tập đoàn lớn nhất Philippines được cố tỉ phú John Gokongwei thành lập vào năm 1954 từ nhà máy tinh bột, cũng kinh doanh trong các lĩnh vực F&B (đồ ăn và thức uống), ngân hàng, bất động sản và dịch vụ.
Sau khi John Gokongwei qua đời vào năm 2019, sáu người con gồm Lance, Robina, Lisa, Faith, Hope và Marcia được thừa hưởng tài sản của ông.
Con cái của John Gokongwei đã có một thời gian tôi luyện tại những vị trí quan trọng: Lance điều hành hãng hàng không Cebu Air và doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Universal Robina – nơi cô em út giữ chức giám đốc. Cô con gái lớn Robina Gokongwei-Pe điều hành Robinsons Retail Holdings – nhà bán lẻ lớn thứ hai Philippines. Hai em gái song sinh của cô là Faith và Hope đều đảm nhiệm các chức vụ quản lý tại đây. Người con gái thứ hai, Lisa Gokongwei-Cheng phụ trách nhà xuất bản Summit Media (trong số 13 tạp chí của họ có Forbes Philippines).
Những lĩnh vực kinh doanh chính khác của JG Summit bao gồm phát triển địa ốc, ngân hàng và hóa dầu, do các thành viên khác trong gia tộc điều hành.
5. Gia tộc Aboitiz
Tài sản: 3,15 tỷ USD
Năm thế hệ của gia đình Aboitiz đã đưa Aboitiz Equity Ventures (AEV) trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu ở Philippines hoạt động trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ ngân hàng và tài chính, thực phẩm, cơ sở hạ tầng, đất đai và dữ liệu.
AEV là cổ đông lớn nhất của Union Bank of the Philippines, có hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng đã tăng lên sau khi mua lại hoạt động kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của Citibank tại Philippines.
Đầu tháng 9/2023, AEV hợp tác với Coca-Cola Europacific Partners (CCEP) để mua Coca-Cola Beverages Philippines ở mức giá 1,8 tỉ đô la Mỹ từ doanh nghiệp khổng lồ kinh doanh nước giải khát Mỹ.
Thương vụ mua lại là một phần trong chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư của Aboitiz nhằm thâm nhập thị trường tiêu dùng thông qua hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao của một trong những thương hiệu tốt nhất toàn cầu. Sau khi thỏa thuận hoàn tất, AEV sẽ sở hữu 40% Coca-Cola Philippines, phần còn lại thuộc về CCEP.
4. Ramon Ang
Tài sản: 3,3 tỷ USD
Ang là chủ tịch và phó chủ tịch của nhà máy bia lớn nhất đất nước, công ty này cũng đã phát triển trở thành một trong những công ty F&B lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của San Miguel Corp. vẫn đến từ các cơ sở năng lượng và hoạt động cơ sở hạ tầng.
San Miguel, nơi vận hành khoảng 1/5 công suất điện năng được lắp đặt của Philippines, đã đẩy mạnh đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ cho quốc gia này giảm khí thải carbon.
Tập đoàn sẽ chuyển đổi sang phát triển các cơ sở lưu trữ pin năng lượng mặt trời khắp Philippines, trở thành một trong những tập đoàn lâu đời nhất tại quốc gia này thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo.
3. Enrique Razon Jr
Tài sản: 9,3 tỷ USD
Razon có khối tài sản trị giá 8,1 tỷ USD vào năm ngoái. Tháng 2 này, Forbes đã đưa ra một ước tính cập nhật về tài sản của ông, báo hiệu mức tăng trưởng hơn một tỷ USD - khiến giá trị tài sản ròng của ông cao gấp 3 lần so với người giàu thứ 4 ở Philippines.
Với ngành thương mại điện tử đang bùng nổ, không có gì ngạc nhiên khi hoạt động logistics của Razon đang phát triển mạnh. Ông là chủ tịch của International Container Terminal Services (ICTSI), công ty được ông nội ông thành lập vào năm 1916, vận hành các cảng trên toàn quốc. Ông cũng bước chân vào ngành khách sạn và trò chơi, đồng thời sở hữu khu nghỉ dưỡng và sòng bạc Solaire cùng nhiều tài sản khác.
2. Manuel Villar
Tài sản: 10,5 tỷ USD
Người giàu thứ hai ở Philippines cũng chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng lên trong năm qua, chính thức biến ông thành tỷ phú hai chữ số. Tài sản của ông trùm bất động sản đã tăng từ 9,7 tỷ USD lên 10,5 tỷ USD vào năm 2024.
Ông là chủ tịch của nhà phát triển bất động sản Vista Land & Lifescapes, công ty điều hành một số trung tâm mua sắm và tòa tháp thương mại. Tập đoàn cũng đầu tư vào các dự án nhà ở thuộc Golden MV Holdings.
Lợi nhuận kinh doanh của Villar bao gồm cổ phần trong truyền hình phát sóng miễn phí, lộ trình xây dựng sòng bạc và công viên giải trí ở Manila.
Trong khi con trai ông Mark hiện đang điều hành phần lớn công việc kinh doanh thì gia đình ông cũng tham gia nhiều vào chính trị. Mark và mẹ anh Cynthai đều là thượng nghị sĩ, trong khi con gái của Villar là Camille là nữ nghị sĩ.
1. Gia đình Henry Sy Sr
Tài sản: 14,4 tỷ USD
Sáu người con của Sy, bao gồm Teresita, Elizabeth, Henry Jr., Hans, Herbert và Harley, được thừa hưởng tài sản từ người cha quá cố Henry Sy Sr. Phần lớn tài sản của họ đến từ cổ phần của SM Investments và SM Prime.
Hiện tại, SM là một trong những tập đoàn lớn nhất Đông Nam Á, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ cửa hàng bách hóa, siêu thị, ngân hàng, khách sạn đến bất động sản và khai thác khoáng sản.
"Khi tôi nhìn vào Philippines, thật khó để có thể đi đến nơi nào đó xa khỏi địa phận gia đình Sy. Họ vượt trội không chỉ ở mảng bán lẻ và ngân hàng, mà còn cả về sự hiểu biết đất nước Philippines", Donald Gimbel, Trưởng bộ phận đầu tư quốc tế của Geneva Investment Management của Chicago LLC nói.
(Nguồn: Forbes/SCMP)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement