12/12/2019 07:46
Bảng giá đất mới của Đà Nẵng ra sao?
Giá đất cao nhất là đường Bạch Đằng với hơn 196 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với giá đất đoạn đường này thời điểm hiện tại (hơn 99 triệu đồng/m2).
Ngày 11/12, UBND TP. Đà Nẵng đã có tờ trình HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua bảng giá các loạt đất trên địa bàn áp dụng từ năm 2020-2024. Trong đó, có nhiều khu vực tăng giá gấp đôi so với thời điểm hiện tại.
Cụ thể, giá đất cao nhất nằm ở khu vực đường Bạch Đằng (đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh) ở mức hơn 196 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi so với giá đất đoạn đường này năm 2019 (chỉ gần 99 triệu đồng/m2).
Một số tuyến đường chính nằm tại trung tâm nội thành Đà Nẵng có giá đất tăng cao như đường 2-9 (đoạn từ Bảo tàng Chàm đến Nguyễn Văn Trỗi) là 148 triệu đồng/m2, đoạn còn lại từ 58 - 120 triệu đồng/m2; đường Hồ Nghinh (đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Morrision) có giá đất 156,4 triệu đồng/m2; đường Hùng Vương trung tâm TP có giá đất từ 161 - 169 triệu đồng/m2; đường Lê Duẩn từ 120 - 171 triệu đồng/m2; đường Trần Phú giá đất từ từ 153 - 196 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Văn Linh giá đất từ 111 - 185 triệu đồng/m2; đường Phạm Văn Đồng nối cầu sông Hàn chạy ra biển có giá đất 162,8 triệu đồng/m2.
Bảng giá đất mới của Đà Nẵng vẫn thấp hơn giá thị trường. |
Mức biến động giữa giá đất thị trường với giá đất cùng loại trong bảng giá đất hiện hành tại các quận, huyện, cụ thể ở quận trung tâm Hải Châu tăng từ 15 - 23%; quận Thanh Khê tăng từ 22 - 25%; quận Sơn Trà tăng từ 12 - 19%; quận Ngũ Hành Sơn tăng từ 12 - 26%.
Bảng giá đất Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2024 có tổng cộng 20 tuyến đường, đoạn đường vượt khung giá đất của Chính phủ quy định 151 triệu đồng/m2. Trường hợp cho phép vượt khung 30%, thì giá đất ở tối đa là 151 triệu đồng/m2 x 1,3 = 196,3 triệu đồng/m2. Hiện có 6 tuyến đường đang vượt khung này.
Theo tờ trình của UBND TP. Đà Nẵng thì việc rà soát giá đất là để phát hiện những điểm bất hợp lý phát sinh, bổ sung kịp thời những thay đổi so với bảng giá các loại đất năm 2019. Bảng giá đất này xây dựng trên cơ sở thực tế và nằm trong khung giá đất toàn quốc.
"Việc xây dựng bảng giá đất theo chiều hướng tăng sẽ ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính như nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp sang đất ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các trường hợp nợ đất tái định cư đã quá hạn 5 năm.
Đối với các tổ chức kinh tế, việc xây dựng bảng giá đất lần này đối với tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền hằng năm trong giai đoạn 2017 - 2022, giai đoạn 2018 - 2023 sẽ không bị ảnh hưởng mà chỉ ảnh hưởng đến các tổ chức kinh tế trong chu kì ổn định năm 2020 - 2024, các tổ chức kinh tế được gia hạn thời gian thuê đất (Khu đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng theo bảng giá đất) và các tổ chức, kinh tế chậm đưa đất vào sử dụng", tờ trình nêu rõ.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp