20/11/2017 07:34
Bán vốn tại Sabeco có thuận lợi như bán vốn tại Vinamilk?
Phương án thoái vốn tại Sabeco (mã SAB) dự kiến sẽ được Bộ Công Thương triển khai tương tự như cách SCIC bán cổ phần tại Vinamilk. Sabeco liệu có thành công như vậy?
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu SAB đứng ở mức giá 280.000 đồng/CP với khoảng hơn 81 nghìn cổ phiếu khớp lệnh. Trong số này, có khoảng 50% lượng mua do khối ngoại thực hiện với khối lượng mua ròng hơn 39,4 nghìn cổ phiếu.
Cổ phiếu Sabeco đang được “thổi” giá quá cao?
Theo dõi lịch sử giao dịch cổ phiếu SAB trong 2 tuần trở lại đây, có thể thấy phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 17/11) là phiên cổ phiếu SAB hồi phục sau 7 phiên liên tục “đỏ sàn”. Từ mức giá “đỉnh” lên tới 290.000 đồng/CP, SAB liên tục giảm mạnh khiến nhà đầu tư liên tục bán tháo ra lượng cổ phiếu nắm giữ. Tình hình càng trở nên “căng” hơn khi trên thị trường liên tục xuất hiện các thông tin cổ phiếu SAB đang được định giá quá cao, cùng với khối ngoại liên tục bán ra (từ ngày 6/11 đến 16/11, giá trị giao dịch ròng khối ngoại liên tục âm) khiến cổ phiếu SAB càng giảm giá mạnh về mức 270.900 đồng/CP (phiên 16/11).
Thực tế, theo Hãng tin Bloomberg, cổ phiếu SAB thời gian qua theo các thông số đánh giá thì quả thật quá cao so với các hãng bia trên thế giới. Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại, P/E (Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) của Sabeco hiện lên tới 40.19, cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành trên Thế giới như Carlsberg (P/E 23), Heineken (P/E 26), ThaiBev (P/E 17), San Miguel (P/E 24)...
Trong khi đó, theo Bloomberg, nếu lấy Vinamilk - công ty tiêu dùng lớn nhất Việt Nam đồng thời cũng là công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam - làm chuẩn thì có thể thấy Sabeco đang được định giá quá cao. Cụ thể, Vinamilk hiện có mức vốn hóa hơn 265,8 nghìn tỷ đồng, P/E là 25.75 và thị giá cổ phiếu thời điểm hiện tại là 183.200 đồng/CP thì Sabeco hiện có mức vốn hóa 179,5 nghìn tỷ đồng, P/E là 40.19 và thị giá là 280.000 đồng/CP, cao hơn cổ phiếu Vinamilk gần 100.000 đồng/CP.
Có lẽ sẽ hơi khiên cưỡng khi mang so sánh một DN ngành bia và một DN ngành tiêu dùng nhưng nên nhớ cả Sabeco và Vinamilk đều là 2 DN có vị thế số 1 trong ngành. Trong đó Vinamilk đang chiếm thị phần số 1 ngành sữa, đặc biệt trong phân khúc sữa nước; còn với Sabeco thì cũng đang nắm giữ khoảng hơn 40% thị phần bia Việt Nam và là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất. Cả 2 DN này đều đang có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm và đều là “gà đẻ trứng vàng” do Nhà nước nắm giữ.
Tuy nhiên nếu so sánh kết quả kinh doanh mà 2 DN này mang lại, nhà đầu tư có thể có đánh giá sát với thực tế hơn là những gì phản ánh trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, nếu năm 2009, doanh thu Vinamilk chỉ đạt 10.600 tỷ, thấp hơn so với mức gần 13.000 tỷ của Sabeco thì bước sang năm 2011,Vinamilk đã vượt qua Sabeco về doanh thu và đến năm 2016, doanh thu Vinamilk đạt gần 47.000 tỷ đồng, trong khi Sabeco chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, từ năm 2009 đến nay năm nào lợi nhuận của Vinamilk cũng cao hơn Sabeco; trong đó tính từ năm 2013 trở đi hầu như năm nào lợi nhuận của Vinamilk cũng gấp đôi so với Sabeco. Riêng năm 2016, Vinamilk đạt hơn 11.238 tỷ đồng, gấp đôi so với con số 5.707 tỷ đồng của Sabeco.
Mới đây nhất, kết thúc quý 3/2017, Sabeco ghi nhận 1.152 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Vinamilk lại là DN có lợi nhuận trước thuế quý 3/2017 lớn nhất trên sàn chứng khoán với 3.217 tỷ đồng, tăng 5,66% so với cùng kỳ. Doanh thu quý 3 của Vinamilk đạt 13.297 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước.
Đấu giá Sabeco liệu có thành công như Vinamilk?
Hiện tại, phương án và lộ trình thoái vốn của Sabeco đã được Bộ Công Thương “bật mí” là sẽ tiến hành tương tự như cách SCIC bán cổ phần Vinamilk, phương thức bán là chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco. Tuy nhiên, tất cả thông tin như số lượng cổ phần chào bán cụ thể, mức giá khởi điểm, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài được phép mua… vẫn chưa được công bố cụ thể ngoài thông tin chung chung “Sẽ tuân thủ theo đúng quy định của Pháp luật Việt Nam...”.
Trong khi đó, thông tin bên lề trên thị trườngcho rằng Sabeco sẽ được thoái vốn làm 3 đợt để mang lại giá trị cao nhất cho Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của khá nhiều công ty chứng khoán thì với mức giá cao như hiện tại, nếu Bộ Công Thương đấu giá ở mức giá này hoặc cao hơn thì khó có thể hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi mức P/E của Sabeco hiện tại đã cao gấp đôi so với các hãng bia trên thế giới.
“Nếu kỳ vọng đợt thoái vốn của Sabeco sẽ thành công như Vinamilk thì sẽ rất khó bởi Vinamilk đang còn rất nhiều dư địa để tăng giá, trong khi đó Sabeco thì khó khăn hơn bởi mức giá hiện nay dường như bị ‘thổi’ cao hơn giá trị thực tế khá nhiều”, một chuyên gia kinh tế bình luận.
Trong khi đó, ở một góc độ khác, cần lưu ý là mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn kiến nghị Bộ Công thương xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại Sabeco theo hướng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại 2 đơn vị này là 49% để trình Chính phủ xem xét giải quyết. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội để một nhà đầu tư nước ngoài mua nắm cổ phần chi phối (sở hữu từ 51% vốn điều lệ) tại 2 tổng công ty này là không thể trong bối cảnh pháp lý và hiện trạng DN hiện nay.
Đó là chưa kể, hiện vốn hóa của Sabeco lên tới hơn 179 nghìn tỷ đồng, nếu muốn nắm tỷ lệ chi phối thì các tổ chức, cá nhân phải chi ra số tiền hơn 90 nghìn tỷ đồng, một con số không hề nhỏ với tổ chức nào muốn thâu tóm DN này.
Để việc bán vốn nhà nước tại Sabeco mang lại hiệu quả cao nhất, vừa qua Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công An, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thực hiện việc giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu SAB trên thị trường chứng khoán để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch ổn định đến ngày 31/12/2017.
Advertisement
Advertisement