23/03/2021 18:29
Bản tin nhà đất 24 giờ: Mua nhà hơn chục tỉ vẫn bị chủ đầu tư 'lừa'
Mua nhà hơn chục tỉ vẫn bị chủ đầu tư “lừa”, điểm danh các chung cư “chờ sập” tại Hải Phòng,... là những tin chính về nhà đất hôm nay 23/3.
Theo chân F0 săn đất nền
Bất động sản nói chung và đất nền nói riêng được xem là một trong không nhiều kênh đầu tư có thể sinh lời tốt hiện nay, vì thế dòng tiền luôn chực chờ đổ vào kênh này từ nhiều nguồn khác nhau, theo Tin nhanh Chứng khoán.
Đánh giá về kênh đầu tư đất nền nói chung, đất nền ven đô nói riêng, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam cho rằng, sẽ không lỗ, việc lãi ít hay nhiều phụ thuộc vào sự kiên trì và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư.
Lý do bởi, với đất nền, dù nhất thời có thể giảm giá, nhưng luôn là sản phẩm được săn đón nhờ thói quen tích trữ tài sản qua đất của người dân, trong khi mặt hàng này ngày càng trở nên khan hiếm.
Thấy gì từ việc Marriott International đầu tư vào dự án siêu sang Grand Marina Sài Gòn
The South China Morning Post nhận định, lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam ngày càng được các nhà đầu tư quốc tế ưu ái vì tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc.
Được phát triển bởi Masterise Homes của Việt Nam, Grand Marina Saigon bao gồm 8 tòa tháp dân cư với khoảng 4.500 căn hộ siêu sang, cũng là tòa tháp lớn nhất của Marriott. Trải rộng trên 10 ha tại bờ Bắc sông Sài Gòn thuộc quận trung tâm TP.HCM, dự án hỗn hợp còn bao gồm các hạng mục văn phòng, thương mại và đường dạo bộ ven sông dài 850m.
Theo Asia Bankers Club, Masterise Homes đang chào bán 72 căn hộ trong tòa tháp đầu tiên với giá khởi điểm từ 888.000 USD (khoảng 20 tỷ đồng). Tòa tháp đầu tiên sẽ sẵn sàng vào năm sau và phần còn lại vào năm 2024.
Mua nhà hơn chục tỉ vẫn bị chủ đầu tư “lừa”?
Bỏ ra số tiền từ 7 đến hơn 10 tỉ đồng để mua nhà phố, biệt thự tại dự án Thăng Long Home Hưng Phú (TP.Thủ Đức) nhưng nhiều cư dân cho rằng, họ đã bị chủ đầu tư lừa vì khi nhận nhà thực tế không giống như lúc giới thiệu ban đầu, theo CafeLand.
Đã hơn hai tuần nay, trên nhiều ban công và tường rào của các căn nhà phố, biệt thự thuộc dự án Thăng Long Home Hưng Phú (phường Tam Phú, TP.Thủ Đức) treo dày các băng rôn đỏ rực. Nội dung in trên những băng rôn này thể hiện nhiều bức xúc của cư dân với chủ đầu tư dư án là Công ty cổ phần Hưng Phú Invest.
Không để tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu doanh nghiệp
UBND TP.HCM vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho 15 dự án của DN trong nước và ngoài nước với số vốn hơn 60.700 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ vi mạch và y tế kỹ thuật cao,… Đặc biệt có dự án của DN Nhật Bản sản xuất quả lọc thận nhân tạo với số vốn 270 triệu USD, đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thiết bị này. Điều đó cũng chứng tỏ nhiều DN trong và ngoài nước rất quan tâm đầu tư ở TP.HCM.
Tuy nhiên, hiện nay không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng, thủ tục đầu tư ở TP.HCM còn chậm, nhất là liên quan đến đất đai, xây dựng,… và đề nghị thành phố nhanh chóng tháo gỡ. Cụ thể, tại khu công nghiệp Hiệp Phước, có những trường hợp DN vướng thủ tục suốt 3 năm nên chưa khởi công được dự án, trong khi DN khác đầu tư vào tỉnh lân cận cùng thời gian đó thì nhà máy đã đi vào hoạt động.
Điểm danh các chung cư “chờ sập” tại Hải Phòng
Theo thống kê năm 2017, thành phố này có tới 205 tòa nhà chung cư cũ với gần 7.400 hộ dân và đứng thứ 3 cả nước về số lượng nhà chung cư cũ, thông tin trên CafeLand.
Sau các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ bằng hình thức BT (xây dựng và chuyển giao), Hải Phòng còn tới gần 200 tòa chung cư đang chờ thành phố định đoạt số phận. Trong số đó, ngay trong nội đô thành phố có những chung cư chỉ chờ sập làm nhiều hộ dân thấp thỏm không yên. Các khu chung cư cũ tại Hải Phòng được xây dựng từ năm 1960 đến 1990 đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngay trong nội đô thành phố có những chung cư chỉ chờ sập làm nhiều hộ dân thấp thỏm không yên
Đừng để quy hoạch "làm khó quy hoạch"
TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch 6 phân khu bao gồm 4 quận nội đô là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng là những quy hoạch đã nhiều lần được định hướng.
Ví dụ như khu phố cổ đã được quy hoạch từ năm 1995, điều lệ quản lý từ năm 1999, năm 2013 cũng đã có quy chế quản lý khu phố cổ. Bên cạnh đó, còn có các quy hoạch cục bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm nhưng nhiều dự án không thành công, thông tin trên Báo Tiền Phong.
Theo đánh giá của ông Nghiêm, quy hoạch lần này đã giải quyết được hầu hết những bất cập trước đây, trong đó có vấn đề quản lý dân số. Bởi từ năm 1998, Hà Nội đã có quy hoạch quy mô dân số nội đô, khi có quy hoạch khu nội đô lịch sử lúc đó chỉ có 96 vạn dân. Với các chỉ tiêu văn hóa du lịch, Hà Nội đã đề nghị rút xuống còn 80 vạn dân nhưng không thực hiện được.
(Tổng hợp)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp