31/03/2021 17:56
Bản tin nhà đất 24 giờ: Không chỉ ở Việt Nam, đất đang sốt trên toàn thế giới
Nhiều dự án nhà ở có nguy cơ ách tắc do Nghị định mới, cò đất làm náo loạn các vùng quê,... là những tin nóng bất động sản hôm nay 31/3.
'Lỗi' chính sách khiến giá đất tăng khắp nơi?
Giá đất được đẩy lên cao bởi thiếu khung pháp lý. Tình trạng đầu cơ gây ra cơn sốt ảo kéo theo nhiều hệ lụy và nguy cơ vỡ bong bóng, theo VOV.
Thời gian gần đây, nhất là sau Tết Âm lịch, tình trạng “sốt” đất xảy ra khắp nơi, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tại nhiều địa phương, cả chính quyền và người dân không khỏi bối rối khi trong một thời gian ngắn, giá đất trong khu vực tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3.
Các cơ quan chức năng cũng không khỏi sốt ruột khi chưa tìm ra giải pháp nào để ngăn tình trạng đầu cơ, sốt đất ảo, gây nhiều hệ lụy, dẫn tới nguy cơ vỡ “bong bóng” bất động sản như thời kỳ 2007-2008 .
Không chỉ ở Việt Nam, đất đang sốt trên toàn thế giới
Theo WSJ, giá nhà đang tăng lên chóng mặt ở khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ tới Châu Á, Châu Âu và Châu Đại dương, theo Viettimes.
Chính cơn sốt giá nhà đất đang thổi bùng lên những nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, buộc các chính phủ phải can thiệt nhằm ngăn chặn thị trường tăng quá nóng. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các nhà hoạch định chính sách cũng đã lo lắng về việc giá bất động sản tăng cao.
COVID-19 không khiến tình trạng này suy giảm, mà các gói kích thích đi cùng với lãi suất thấp còn làm nó bùng nổ hơn nữa.
Cò đất làm náo loạn các vùng quê
Đất dự án, đất đô thị rất khó “có cửa” tăng theo ngày, theo tuần, thế nên cò đất và giới đầu cơ luôn chọn những khu vực tranh tối tranh sáng và càng rẻ càng tốt, để,… dàn trận, thông tin trên Tin nhanh Chứng khoán.
Sức nóng của thị trường đất nền không chỉ diễn ra ở Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu, mà từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều khu vực khác như Bình Phước, Lâm Đồng... cũng trở thành điểm nóng săn đất rẫy, đất vườn, khiến giá đất bị đẩy lên bất thường.
Không ít người nông dân tay lấm chân bùn bỗng chốc trở thành tỷ phú, trong đó có người biết tính toán, sử dụng tiền bán đất mua nhà, kinh doanh, trở thành những thị dân. Nhưng chắc hẳn có không ít người sẽ trở thành “nông dân không có đất” và chi tiêu không hợp lý, số tiền bán đất nhanh chóng sẽ “bốc hơi”.
Hà Nội điểm tên loạt dự án sai phạm của nhiều “ông lớn” bất động sản
Báo cáo có nhắc đến loạt dự án của các tên tuổi lớn như FLC, Tập đoàn Hà Đô, Geleximco, HUD và KBC. Cụ thể, dự án Khách sạn Hoa Sen của Công ty TNHH MTV PT Khách sạn Hoa Sen được giao 45.983 m2 đất tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tại kết luận thanh tra 1262 ngày 17/5/2019 nêu rõ dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, đề xuất UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Được biết, Công ty TNHH MTV Phát triển Hoa Sen được Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) thành lập năm 2016, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, theo CafeLand.
Nhiều dự án nhà ở có nguy cơ ách tắc do Nghị định mới
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng cảnh báo nguy cơ ách tắc tất cả dự án nhà ở chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp do Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.
Nguyên nhân bởi vì một điều khoản của nghị định cũ chưa được xem xét sửa đổi có thể gây ra ách tắc hàng loạt dự án bất động sản.
Đó là khoản 2 điều 18 nghị định 99/2015/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hoặc “dính” với đất ở, bao gồm các trường hợp nhà đầu tư có 100% đất ở, hoặc có đất ở và các loại đất khác, thì mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.
(Tổng hợp)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp