30/06/2018 12:30
Bán ngược điện cho nhà nước, nhiều gia đình tại Sài Gòn lắp pin mặt trời
Số lượng các hộ gia đình tại TP.HCM lắp hệ thống điện mặt trời tăng vọt, sau thời gian được chấp nhận bán ngược vào lưới điện quốc gia.
Có điện dùng, dư điện bán
Theo Tổng công ty điện lực TP.HCM, đến nay đã có khoảng 327 hộ gia đình là khách hàng của điện lực TP.HCM lắp đặt hệ thống điện mặt trời, có đăng ký bán lại phần điện dư thừa cho ngành điện tại TP.HCM với tổng công suất lắp đặt là 3,93 MWp.
Theo đánh giá của Điện lực TP.HCM, ngày càng có nhiều người tìm đến các thiết bị năng lượng mặt trời do thời gian gần đây thời tiết nắng nóng kéo dài, đặt biệt thời điểm cao điểm mùa khô, trong khi giá điện sinh hoạt hiện ở mức khá cao. Một lý do khác là sau khi Có quyết định 11 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Chính sánh này khuyến khích cả các nhà đầu tư ở cấp độ dự án lớn, hay ở cấp độ gia đình được phép bán lại nguồn điện năng dư thừa từ nguồn điện tạo ra mà không sử dụng hết, cũng khiến nhiều hộ gia đình mạnh tay đầu tư lắp đặt thiết bị này.
Sân thượng các ngôi nhà tại Sài Gòn ngày càng xuất hiện nhiều tấm pin NLMT hơn. |
Mặt khác, thị trường thiết bị năng lượng mặt trời (NLMT) cũng thay đổi nhanh, khi những thiết bị này đã được đơn giản hóa, không cần bộ ắc quy tích điện mà cho phép kết nối trực tiếp với lưới điện cũng cắt giảm được khá nhiều chi phí đầu tư. Trước đây rất nhiều gia đình thường than phiền vấn đề khi lắp đặt thiết bị này, thường sau 2-3 năm sẽ phải thay ắc quy tích điện, chi phí mỗi lần thay lên đến 2 - 3 triệu đồng nên việc lắp đặt hệ thống này không có lợi.
Hiện chi phí để lắp đặt hệ thống NLMT trên mái nhà bình quân khoảng 30 triệu đồng, vào mùa nắng nóng có thể thu lại từ 150 – 200 kwh/tháng. Với những gia đình có nhu cầu sử dụng điện bình thường, lượng điện này có thể đáp ứng từ 70 - 80% nhu cầu. Điều đặc biệt, với cơ chế hiện nay là cho phép kết nối trực tiếp với lưới điện nhà nước bằng công tơ hai chiều, điện tạo ra từ thiết bị NLMT sử dụng không hết gia chủ có thể bán lại cho nhà nước với giá 2.086 đồng/kw.
Một số doanh nghiệp cung cấp thiết bị này cho rằng, chỉ khoảng 4 - 6,5 năm chủ đầu tư có thể thu hồi vốn, tuy nhiên thực tế nhiều hộ gia đình phải mất từ 8 -10 năm mới có thể thu hồi. Như vậy, với tuổi thọ của hệ thống NLMT bình quân từ 20 - 30 năm, các gia đình có thể “xài miễn phí” hơn 10 năm.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng thuộc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, cho biết thành phố nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 - 6,6 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày, thấp nhất là 5,4 giờ/ngày vào tháng Tư, cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng Ba và liên tục trong suốt cả năm không bị gián đoạn. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TPHCM khá cao với mức 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3kWh/m2/ngày, nên tiềm năng phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn và khả thi. Đây cũng là tác nhân khiến nhiều hộ gia đình tìm đến hệ thống này ngày một nhiều.
Thực tế không được như quảng cáo
Nhiều hộ gia đình đang sử dụng thiết bị NLMT cho rằng, dù các nhà cung cấp cho biết lượng điện tạo ra có thể đáp ứng từ 70 – 80% nhu cầu điện của gia đình, tuy nhiên để có được lượng điện như vậy vốn đầu tư ban đầu rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng.
Với một hộ gia đình chi phí sử dụng điện bình quân mỗi tháng khoảng 500.000 - 600.000 đồng, nếu lắp đặt hệ thống pin NLMT trời phát điện mức phổ biến hiện nay cũng phải đầu tư từ 25 - 39 triệu đồng/trọn bộ. Với chi phí như vậy nhưng lượng điện tạo ra cũng chỉ khoảng 1kwh.
Để có lượng điện dư bán lại cho nhà nước, các hộ gia đình phải đầu tư khá nhiều. |
Một chủ hộ tại quận Thủ Đức cho biết, bài toán đơn giản một gia đình sử dụng điện khoảng 250 – 300 kwh/tháng, tương đương hơn 3.400 kwh/năm. Nếu đầu tư gần 30 triệu đồng cho hệ thống điện NLMT sẽ tạo ra khoảng 1.300 – 1.500 kwh điện/năm, tức là chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40% lượng điện, như vậy sẽ khó có thể dư bán. Chủ hộ này cho biết thêm, có thời điểm điện từ thiết bị tạo ra có dư để bán, tuy nhiên số tiền bán điện cũng chỉ bù phần nào cho những lúc sản xuất.
Với chi phí đầu tư và công suất các thiết bị điện NLMT như hiện nay, những gia đình sử dụng 500 – 600 kw/tháng phải lắp đặt khoảng 5 giàn, với chi phí đến trên dưới 140 triệu đồng, mới đủ nhu cầu sử dụng. Với giá điện khoảng 3.000 đồng/kw mỗi tháng có thể tạo ra đượcgần hai triệu đồng tiền điện. Tính cả khấu hao hư hỏng, đầu tư thiết bị này mất từ 7-10 năm mới có thể thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Tấn Hưng thừa nhận việc phát triển nguồn điện từ NLMT vướng một số hạn chế. Đó là chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, đồng thời các hộ gia đình phải có không gian mái nhà đủ lớn để lắp đặt hệ thống thiết bị đủ sức cung cấp lượng điện năng hiệu quả. Ngoài ra hiệu quả của hệ thống điện NLMT phụ thuộc vào thời tiết, vị trí của các tòa nhà và không gian xung quanh, nên không phải ai đầu tư cũng có hiệu quả.
Hiện ngành điện vẫn tìm nhiều cách khuyến khích mở rộng mô hình lắp đặt hệ thống điện NLMT, nhưng trở ngại lớn trong việc mua điện từ các hộ gia đình có lắp đặt thiết bị này là những vướng mắc về thuế GTGT và phát hành hóa đơn trong việc mua điện. Vì đối tượng mua điện là hộ dân chứ không phải từ doanh nghiệp.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp