30/05/2024 07:31
Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 11.400 tấn vải thiều
Tính đến hết ngày 26/5, tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch, tiêu thụ được hơn 11.400 tấn (đạt 11,4% tổng sản lượng dự kiến), trong đó, huyện Tân Yên thu hoạch được trên 4.700 tấn, huyện Lục Ngạn được gần 4.900 tấn, huyện Yên Thế được 746 tấn…, theo Chinhphu.vn.
Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi dẫn đến sản lượng vải thiều giảm hơn so với năm trước, nhưng tỉnh Bắc Giang đã tạo nhiều cơ chế, giải pháp để hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều hiệu quả, thuận lợi.
Từ cuối năm 2023 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi cho cây vải đến kỳ ra hoa, sản lượng vải thiều trên địa bàn tỉnh năm nay giảm so với năm trước. Tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 29.700 ha, sản lượng ước trên 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023).
Cụ thể, đối với vải chín sớm có diện tích 7.700 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ diện tích 22.000 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; duy trì vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng ước 500 tấn.
Thời gian thu hoạch vải thiều năm 2024 tại Bắc Giang sẽ diễn ra từ ngày 20/5-30/7, trong đó, vải sớm từ ngày 20/5-15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 trở đi.
Đối với mã số vùng trồng, năm 2024, toàn tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo sản xuất 223 mã số vùng trồng, diện tích 17.198 ha phục vụ xuất khẩu.
Trong đó 130 mã số vùng trồng, diện tích 16.217 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ 18 mã số vùng trồng, diện tích 215,98 ha; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản với 38 mã số vùng trồng, diện tích 312,98 ha; 18 mã số vùng trồng, diện tích 230,56 ha xuất khẩu sang thị trường Australia; 19 mã số vùng trồng, diện tích 221,532 ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.
Để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều, ngay từ đầu vụ, Bắc Giang đã ban hành kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh năm 2024.
Trong đó chỉ đạo làm tốt công tác dự báo thị trường, gắn công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản với phát triển du lịch; xây dựng phương án xúc tiến, tiêu thụ vải thiều phù hợp với tình hình thực tiễn; đa dạng hóa, đổi mới phương thức xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là tập trung cao cho các thị trường xuất khẩu, tiếp tục duy trì ở các thị trường truyền thống Trung Quốc, đồng thời mở rộng các thị trường tiền năng, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Austrlia, EU, Thái Lan…
Cùng với đó là tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào đầu tháng 5 đã được tổ chức thành công và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị…
Tại hội nghị này, lãnh đạo các bên đã trao đổi thông tin về mùa vụ vải thiều năm 2024, những khó khăn vướng mắc và đề ra biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh sang thị trường Trung Quốc năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cũng trong tháng 5, huyện Lục Ngạn đã phối hợp Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn năm 2024. Tại hội nghị, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện cùng trao đổi, thảo luận, đề ra các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều trong mùa vụ năm 2024.
Mới đây, huyện Tân Yên đã phối hợp Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm Tân Yên năm 2024. Trong đó đã đổi mới, gắn xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm. Hội nghị đã thu hút được nhiều doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ vải thiều, các sàn thương mại điện tử, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, lữ hành quan tâm.
Kết quả tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang tính đến hết ngày 26/5, tổng sản lượng vải thiều của tỉnh đã thu hoạch, tiêu thụ được trên 11.400 nghìn tấn (đạt 11,4% tổng sản lượng dự kiến). Trong đó, huyện Tân Yên thu hoạch được trên 4.700 tấn, huyện Lục Ngạn được gần 4.900 tấn, huyện Yên Thế được 746 tấn…
Tiêu thụ trong nước khoảng 10.400 tấn, thông qua hệ thống các chợ đầu mối và chuỗi hệ thống bán buôn, bán lẻ. Đối với xuất khẩu đạt 1.100 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm hơn 1.000 tấn và các thị trường khác, như Hoa Kỳ đạt 5 tấn, EU 2,5 tấn, Australia 5 tấn, Dubai 4,5 tấn, Đài Loan (Trung Quốc) 12 tấn. Dự kiến cuối tháng 5 sẽ có lô vải sớm Tân Yên (khoảng 40 tấn) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ bằng đường biển.
Năm nay, giá bán vải thiều chín sớm của Bắc Giang ở mức cao, ổn định, khoảng từ 35.000-45.000 đồng/kg, vào thời điểm đầu vụ có lúc giá lên tới 60.000 đồng/kg. Vải thiều được tiêu thụ dưới dạng quả tươi là chủ yếu và được tiêu thụ khá thuận lợi tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Để tiếp tục hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều năm 2024 được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều gắn với phát triển du lịch. Đồng thời tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm vùng sản xuất vải thiều sớm, giúp vải thiều được giới thiệu, lan tỏa rộng khắp tới cộng đồng trong và ngoài nước.
Đối với các huyện trồng vải cần tiếp tục quản lý tốt vùng trồng, vùng sản xuất vải thiều đảm bảo các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các dịch vụ hậu cần như: Điểm thu mua, bãi đỗ xe, thùng xốp, đá cây, điện, nguồn vốn…; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông,… tạo thuận lợi nhất cho các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.
Đối với các sở, ngành của tỉnh, thực hiện hướng dẫn các huyện trồng vải quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, đảm bảo các quy định về kiểm soát dịch hại, an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu.
Tiếp tục giới thiệu, mời gọi và kết nối các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Thực hiện hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… và các hàng rào kỹ thuật của thị trường nhập khẩu đối với vải thiều tươi, các sản phẩm chế biến từ vải (vải thiều đóng hộp, vải thiều sấy…).
Bên cạnh đó mời gọi, kết nối các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm mùa vải thiều chín sớm.
(Nguồn: Chinhphu.vn)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp