02/06/2020 15:13
Bắc Giang chuẩn bị đưa trái vải lên sàn thương mại điện tử
Việc triển khai sàn thương mại điện tử là một trong nhiều giải pháp mà Bắc Giang thực hiện để việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi trong điều kiện dịch COVID-19.
Đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận Nhật Bản, Singapore
Đây là lần đầu tiên Lục Ngạn triển khai sàn thương mại điện tử vải thiều. Dự kiến, sàn giao dịch sẽ được khai trương vào đầu tháng 6 này.
Để đảm bảo sàn giao dịch khai trương, hoạt động hiệu quả, tỉnh có các giải pháp bảo quản lạnh hàng nông sản đóng hộp, vận tải đa phương thức, xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng Trung Quốc, EU, Nhật Bản…
Bắc Giang chuẩn bị đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận Nhật Bản, Singapore. |
Trước đó, vào sáng 29/5, Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang vào thị trường này.
Hội nghị thu hút hàng nghìn người là đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước và Singapore tham gia ở 88 điểm cầu.
Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết tỉnh có 15.000 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 218.000 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS, Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng, Trung Quốc chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói… do đó sẵn sàng đủ các điều kiện, đáp ứng đủ số lượng vải thiều xuất khẩu sang Singapore, theo Báo Chính Phủ.
Mặc dù rất chuộng trái vải Việt Nam nhưng thị trường Singapore phải nhập chủ yếu thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, việc đưa được vải thiều Bắc Giang vào thị trường Singapore là rất quan trọng, tạo tiền đề để xuất khẩu các nông sản chủ lực khác của tỉnh.
Bắc Giang cũng cam kết thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, thương nhân đến giám sát, thu mua vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài, không để xảy ra sự cố về thủ tục hành chính, ảnh hưởng tình hình tiêu thụ sản phẩm.
Thủ tướng đồng ý cho hơn 300 thương nhân Trung Quốc vào Bắc Giang mua vải thiều
Tại cuộc gặp gỡ báo chí thông tin phương án tiêu thụ vải thiều năm 2020 diễn ra sáng 30/5 tại Bắc Giang, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, mùa vải năm nay, huyện này vẫn duy trì diện tích trồng vải 15.290 ha, với sản lượng khoảng 85.000 tấn.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sẽ có 3 phương án tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. UBND huyện Lục Ngạn đang thực hiện theo phương án 2 với kịch bản: dịch COVID-19 được kiểm soát, nhưng chưa hết dịch.
Thủ tướng đồng ý cho hơn 300 thương nhân Trung Quốc vào Bắc Giang mua vải thiều. |
Trong phương án này, sản lượng tiêu thụ vải thiều tươi ở trong nước khoảng 34.000 tấn, xuất khẩu 36.000 tấn và 15.000 tấn khác phục vụ chế biến nước ép, sấy.
Ông Nam cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Trong bối cảnh dịch COVID-19, UBND huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã lập danh sách 309 thương nhân Trung Quốc gửi Bộ Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn để cho phép nhập cảnh vào Việt Nam và giám sát, phối hợp thu mua vải thiều.
"Thông tin chúng tôi nhận được thì Thủ tướng đã đồng ý cho hơn 300 thương nhân này nhập cảnh vào Việt Nam và đến thu mua vải thiều tại Lục Ngạn, nhưng phải đảm bảo quy định cách ly 14 ngày để phòng dịch COVID-19", ông Nam chia sẻ với Đời sống và Pháp luật.
Ông Nam cũng cho biết, phía Trung Quốc đang phối hợp tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam phối hợp thu mua vải thiều. Trung Quốc cũng yêu cầu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam 3 ngày, các thương nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 .
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp