30/07/2017 09:15
Ba sai lầm của người mới làm sếp
Các ông chủ mới thường tràn đầy hứng khởi trước những cơ hội mới và nóng lòng đạt tới thành công. Tuy nhiên, thực tế, họ lại gặp phải không ít khó khăn và mất khá nhiều thời gian.
Cũng vì vậy mà những động lực xuất phát từ một cơ hội đầy hứa hẹn đã nhanh chóng biến thành một cơn ác mộng, khiến bản thân họ và nhân viên không hài lòng, kết quả là công việc bị đình trệ. Vậy họ đã sai ở đâu?
Theo nữ doanh nhân Mandy Gilbert, CEO của Creative Niche, công ty chuyên về tuyển dụng hàng đầu Bắc Mỹ: Là một người mới lên chức "sếp", bạn có thể "đếm trên đầu ngón tay" những nguyên nhân khách quan khiến bạn thất bại. Nhưng trên cương vị một nhà lãnh đạo bạn cũng nên nhìn vào bên trong và suy nghĩ về chính những sai lầm ngay từ đầu mà bạn đã vấp phải.
Mandy Gilbert cũng cho rằng, trong ba tháng đầu tiên làm lãnh đạo nếu các ông chủ mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng thì những sai lầm này không chỉ tác động đến danh tiếng của người lãnh đạo mà còn ảnh hưởng lâu dài đến công ty. Tóm lại, ấn tượng đầu tiên sẽ quyết định mọi thứ sau này. Do đó, Mandy Gilbert đã chỉ ra 3 sai lầm cơ bản và cách khắc phục ngay những sai lầm này.
1. Ngay lập tức thay đổi mọi thứ
Thật dễ hiểu khi một ai đó vừa lên làm sếp và muốn thiết lập lại một trật tự mới trong công ty. Sau vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng phân tích tình hình của công ty xem cần cải thiện nó như thế nào, các nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm thường muốn thay đổi toàn bộ cách vận hành hiện tại của công ty ngay khi họ vừa bước chân vào văn phòng.
Mặc dù ý định thay đổi có thể là tốt, nhưng đột ngột thay đổi cách vận hành và làm việc mà không báo trước có thể tạo ra một "cơn bão" giận dữ của các nhân viên.
Do đó, ông chủ mới cần dành thời gian nghiên cứu và tham khảo ý kiến của từng nhân viên để nghe phản hồi và ý tưởng của họ, sau đó chia sẻ tầm nhìn với họ. Minh bạch mọi thứ là cách tốt nhất để thu hút mọi người tham gia, làm cho mọi thay đổi phải cần một quá trình chứ không phải là ngay tức khắc.
2. Chứng tỏ mình là sếp (tồi)
Làm cho mọi người có trách nhiệm với công việc của mình khác hoàn toàn với việc áp đặt các mệnh lệnh. Đừng nghĩ chỉ vì bạn là ông chủ mà tự cho mình quyền được làm chủ.
Giao những nhiệm vụ quá nặng nề, liên tục kiểm tra một dự án, và bác bỏ mọi ý kiến mà không cần xem xét nhân viên đã làm như thế nào là cách chắc chắn nhất để ông chủ mới nhận được một cái nhìn thiếu thiện cảm từ nhân viên. Do vậy đừng để ấn tượng đầu tiên biến bạn thành một ông chủ khó ưa.
3. Hoặc cố gắng để trở thành một ông sếp thân thiện
Sau khi làm việc cho dưới trướng của tất cả những loại ông chủ xấu tính, bạn đã hứa với bản thân rằng nếu làm sếp bạn sẽ khác họ? Rằng sẽ không có cấu trúc phân cấp hoặc sự phân biệt đối xử với nhân viên.
Bạn có thể "bao" nhân viên đồ uống vào thứ Sáu, ăn trưa vào thứ Tư, thậm chí bữa tiệc nướng vào cuối tuần để nhân viên cảm thấy bạn trở thành một phần của đội thay vì là người phụ trách. Bạn sẽ trở thành một "ông chủ" tốt tính mà mọi người đều mơ ước được làm việc cùng.
Thời gian sẽ kiểm chứng thực tế. Bạn muốn được tôn trọng và truyền cảm hứng cho nhân viên của bạn. Tuy nhiên, thực tế nhân viên của bạn vẫn không nhìn bạn như một người bạn, vì vậy đừng cố gắng trở thành bạn của họ.
Đừng quá cố gắng để mong được nhân viên xem như một người bạn, điều đó có thể chỉ càng làm bạn kiệt sức và có thể gây ra những vấn đề trong tương lai. Bạn không thể bỏ qua những phản hồi quan trọng chỉ vì bạn sợ những gì mọi người sẽ nói sau lưng.
Tóm lại, đừng quá tuyệt vọng nếu bạn phạm phải những sai lầm tân binh này. Không phải tất cả đều là dấu chấm hết, điều quan trọng nhất là bạn nhận ra mình sai lầm ở đâu và có sẵn sàng để thay đổi.
Nhận ra sai lầm là một công việc khó khăn, và ngay cả những nhà lãnh đạo dày dặn nhất cũng mắc phải sai lầm. Chỉ cần nhớ rằng bạn đã được đặt vào vị trí này vì một lý do: Có người nhận ra rằng bạn có những phẩm chất để lãnh đạo nhóm và phát triển công ty.
Advertisement
Advertisement