29/05/2017 10:57
Ba nghịch lý trong thế giới quản trị
Thế giới luôn mang lại cho chúng ta những điều thú vị, bởi sự bí ẩn của tương lai, cũng như những nghịch lý khiến chúng ta rất khó giải thích.
Với những nhà quản trị, hay doanh nhân chọn con đường khởi nghiệp (startup), bạn còn phải đối mặt với những nghịch lý trong thế giới quản trị, mà có lẽ chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu.
Có kỹ năng quản trị tốt không có nghĩa sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao
Ở hầu hết các lớp giảng dạy về quản trị kinh doanh, quản trị luôn là một trong những kỹ năng được người học và giảng viên ưu tiên rèn luyện nhiều nhất. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Jeff Kavanaugh - Giáo sư về quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Texas (Hoa Kỳ) lại chỉ ra rằng, nhà tuyển dụng không hứng thú với kỹ năng quản trị của bạn như bạn vẫn nghĩ.
Trong cuộc nghiên cứu mới đây trên quy mô 3.000 sinh viên và nhà tuyển dụng khắp nơi trên nước Mỹ, Jeff Kavanaugh và nhóm nghiên cứu của mình nhận ra sự khác nhau rất lớn trong quan điểm và cách nhìn nhận về kỹ năng quản trị của cả hai nhóm.
Theo đó, trong khi những nhà quản trị hoặc người mong muốn trở thành nhà quản trị luôn coi kỹ năng quản trị là niềm tự hào và là ưu tiên hàng đầu để rèn luyện, thì những nhà tuyển dụng lại xếp kỹ năng này vào cuối danh sách cần quan tâm.
Lý do, theo những nhà tuyển dụng ngày nay, lãnh đạo không phải là một kỹ năng để học trong lớp mà là kết quả của việc làm những điều khác một cách xuất sắc.
Cụ thể, nhà tuyển dụng thường cho rằng, nhà quản trị chỉ đơn giản là những người tập trung vào việc xây dựng năng lực của mình – thực sự giỏi và nổi bật ở một lĩnh vực nào đó – sau đó phát triển kỹ năng lãnh đạo thông qua năng lực đó.
Jeff Kavanaugh chỉ ra sự khác biệt trong việc đánh giá kỹ năng quản trị, rằng trong khi những người tập trung vào kỹ năng này thường chấm khả năng lãnh đạo của họ ở mức trung bình là 8,2 (trong thang điểm 10), thì các nhà tuyển dụng chỉ đánh giá nó ở mức 5,7.
“Những nhà tuyển dụng thường tập trung vào 3 kỹ năng là tính chuyên nghiệp, tư duy phản biện và làm việc theo nhóm để đánh giá một ứng viên, dù họ đang tìm một vị trí quản lý cao cấp cho doanh nghiệp mình. Vì thế, tập trung vào kỹ năng quản trị quá sớm có thể sẽ tước đi cơ hội được tuyển dụng của bạn, buộc bạn phải đi theo con đường tự doanh của chính mình, mãi về sau”.
Trong thế giới quản trị, là người tốt đôi khi không mang lại cái kết có hậu
Theo Chris Myers - Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn BodeTree, đồng thời là nhà bình luận chính cho tờForbes, nghịch lý lớn nhất mà ông từng phải đón nhận là việc trở thành người tốt.
Ông kể: “Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi tự hứa rằng mình sẽ là một nhà lãnh đạo tử tế và tốt bụng. Tôi sẽ luôn hướng tới những lý do, lợi ích tốt đẹp khi xây dựng mối quan hệ với nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra đó là sự cố gắng ngốc nghếch và điều ấy thiếu chút nữa khiến tôi phá sản”.
Chris Myers đã trò chuyện với đồng nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp xung quanh mình, để nhận ra sự thật phũ phàng rằng không có màu trắng hay màu đen trong thế giới quản trị. Tất cả chỉ là màu xám. Không có tốt và xấu, mà chỉ có những lựa chọn đúng hay không, cùng với kết quả mà nó mang lại.
“Khi nói chuyện với những nhà quản trị khác, chúng tôi đều nhận ra mình giống như đang đi trên con đường của một kẻ phản diện. Chúng tôi từng phải cho thôi việc những nhân viên tốt bụng và chăm chỉ, kiện những khách hàng đáng thương nhưng vô tình gây thiệt hại cho công ty, dự trù tất cả những chiêu trò xấu xa nhất mà đối tác có thể lừa mình dù họ là người vô cùng đáng tin cậy trong gia đình…
Tất nhiên, tôi không biện hộ cho chính mình về những việc ấy, mà chỉ nhấn mạnh rằng, trong thế giới quản trị, người tốt bụng thường không có được cái kết có hậu”, Chris Myers kết luận.
Người thông minh lại thường đưa ra quyết định sai lầm
John Hall - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Tiếp thị Influence & Co, cho biết: “Suốt nhiều năm qua, tôi gặp vô số nhà quản trị, người khởi nghiệp, nhân viên thông minh, tài năng. Có một điều khá thú vị là những người mà bạn bị choáng ngợp bởi kiến thức và trí tuệ của họ, lại thường là những người trực tiếp ra tay làm đắm con tàu của bạn nhanh nhất”.
Theo John Hall, những người có tư duy hơn người có 3 điểm mù chết người khiến họ thường xuyên đưa ra những ý kiến thoạt nghe thì rất hợp lý, nhưng lại vô cùng nguy hiểm.
Thứ nhất, họ quá nhanh nhạy, giỏi suy luận cũng như liên tưởng những điểm tương đồng trong mọi vấn đề. Vì thế, họ có thể bỏ qua một số thông tin để đưa ra những quyết định mau chóng. Tuy nhiên, trong thế giới quản trị, mọi thứ không dễ dàng như thế.
Khi một dự án được bàn luận, bạn phải có tất cả thông tin về thị trường, khách hàng, đối tác, đối thủ cạnh tranh… Chỉ cần thiếu một trong những thông tin này, bạn có thể thất bại.
Thứ hai, những người này thường không dành thời gian để diễn giải cho nhóm của mình hiểu mọi việc, dẫn tới việc hoạt động nhóm thiếu hiệu quả, các thành viên còn lại không nắm được thông tin và tình huống, dẫn tới hay nảy sinh mâu thuẫn.
“Điểm mù thứ ba là những người này ít khi tin tưởng vào người khác. Bởi họ chỉ tin vào chính mình, nghĩ mình xuất sắc nhất, nên họ không trao đủ quyền và đủ thông tin cho nhân viên, dù nhân viên có thể có cái nhìn tốt hơn họ rất nhiều” – John Hall cho biết –
“Trước đây, tôi có một người bạn rất giỏi. Một lần, nhân viên của anh ấy bàn với anh ấy về một hợp đồng lớn có vẻ rất khả thi. Anh ấy hỏi một loạt câu hỏi, sau đó yêu cầu nhân viên này thu thập thông tin như anh ấy muốn, rồi lên lộ trình cho người này thực hiện mọi việc, gạt đi mọi ý tưởng xuất phát từ “nhân vật chính” và không cho người này có cơ hội được thử sức. Cuối cùng, dự án thất bại và người nhân viên đó cũng chuyển qua công ty đối thủ của anh ấy để làm việc”.
Advertisement
Advertisement