07/12/2018 09:37
Australia thông qua đạo luật an ninh mạng gây tranh cãi
Chính phủ Australia khẳng định việc tăng cường quyền hạn cho cơ quan chức năng nước này là cần thiết để đối phó với các nguy cơ tấn công khủng bố.
Ngày 6/12, Australia đã thông qua đạo luật an ninh mạng cho phép cơ quan chức năng nước này được tiếp cận thông tin liên lạc được mã hóa của các đối tượng nghi là khủng bố và tội phạm.
Hiện xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến đạo luật này trong bối cảnh giới chuyên gia cảnh báo quyền hạn mở rộng được đề cập trong đạo luật này ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh mạng toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Phys.org) |
Đạo luật bao gồm các điều khoản cho phép chính quyền Canberra có thể buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng nội địa và quốc tế, bao gồm các tập đoàn nước ngoài như Facebook và WhatsApp, gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ điện tử và giúp các cơ quan này tiếp cận các thiết bị hoặc các dịch vụ.
Bên cạnh đó, giới chức Australia có thể đưa ra yêu cầu bảo mật đối với các hoạt động này.
Chính phủ Australia khẳng định việc tăng cường quyền hạn cho cơ quan chức năng nước này là cần thiết để đối phó với các nguy cơ tấn công khủng bố trong dịp lễ hội cuối năm.
Theo ý kiến của Công đảng đối lập ở Australia, cần có cơ chế giám sát và bảo vệ một khi đạo luật này được áp dụng và cần đánh giá văn kiện này trong 18 tháng. Chính phủ Australia cũng đã nhất trí xem xét chính sửa đạo luật này vào đầu năm 2019.
Các tập đoàn công nghệ toàn cầu bày tỏ quan ngại văn bản luật này sẽ buộc họ tạo ra những lỗ hổng trong các sản phẩm và khiến chúng dễ bị xâm phạm. Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá đạo luật này là "phát kiến tồi tệ," tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh mạng.
Advertisement
Advertisement