09/08/2022 18:00
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, hướng vào miền Bắc
Chiều 9/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 2 trong năm 2022 (tên quốc tế: bão Mulan), dự báo mạnh thêm trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ miền Bắc.
Lúc 13h, tâm bão nằm trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Đêm nay và ngày mai, hình thái này đi theo hướng Bắc rồi đổi hướng di chuyển theo Tây Bắc với vận tốc 15 - 20km/h và có khả năng mạnh thêm. Chiều 10/8, tâm bão nằm trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 350km về phía Đông Đông Nam.
Sau đó, bão đi chếch theo hướng Tây Tây Bắc, vận tốc 15km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ. Chiều 11/8, tâm áp thấp nhiệt đới duy trì sức gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản đưa kịch bản cực đoan hơn khi cho rằng thời điểm tâm bão áp sát đất liền Bắc Bộ ngày 11/8, cường độ vẫn ở cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, hình thái này đi vào đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và tiến thẳng theo phía tây rồi suy yếu, theo Zing.
Tương tự, cơ quan khí tượng Hong Kong dự báo với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, bão có thể tiến thẳng vào đất liền khu vực Lạng Sơn vào chiều 11/8. Lúc này, vùng ảnh hưởng của nó bao trùm khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Nguyên và Hà Nội.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định bão khả năng duy trì ở cấp 8 trong những ngày tới và khó có khả năng mạnh lên cấp 9, cấp 10.
Chuyên gia cảnh báo ngày 10/8, mưa dông bắt đầu giảm ở Trung Bộ và dịch chuyển dần ra phía Bắc. Từ chiều 10/8, mưa được dự báo xuất hiện ở khu vực Đông Bắc, sau đó mở rộng ra khắp miền Bắc trong tối và đêm.
Đợt mưa này dự báo kéo dài đến khoảng ngày 12/8, tập trung ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 250mm.
Trên biển, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sóng cao 4 - 6m, biển động mạnh.
Tại vịnh Bắc Bộ bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, gió mạnh dần lên cấp 6 - 7 từ tối và đêm mai (10/8), vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sóng cao 2 - 4m.
Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9. Sóng cao 2 - 4m.
Bão số 2 hình thành từ vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông vào sáng 6/8, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong chiều qua (8/8), sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão. Dù cường độ không quá mạnh nhưng bão số 2 được nhận định phức tạp khi liên tục chuyển hướng, theo TPO.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ngày 9/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 23/CĐ-QG yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các địa phương tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, theo TTXVN.
Các địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Các địa phương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp