01/12/2018 08:27
Áp lực về chi phí sản xuất, ngành điện sẽ tăng giá trong năm 2019?
Với việc giá bán than tiếp tục tăng lên 5%, lượng nước về các hồ thủy điện khô hạn, khiến ngành điện sẽ phải huy động lượng lớn các nhà máy điện chạy khí, dầu, tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện.
Chia sẻ tại buổi họp báo công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 chiều 30/11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, trong khi nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các nguồn điện cung ứng thì việc giá than tăng 5% chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện trong thời gian tới.
Ông Tuấn nêu rõ, những khó khăn trong việc huy động các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện đã được thể hiện. Nếu như năm 2017, nguồn nước dồi dào, thủy điện vẫn hành tốt thì năm 2018, lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mọi năm và dự kiến năm 2019 sẽ là năm khô hạn. Như vậy, việc huy động các nguồn điện khí, nhiệt điện là rất lớn và điều này tất yếu sẽ tăng chi phí sản xuất điện.
“Một số mỏ khí cũng đang suy giảm khả năng cung cấp và chúng tôi đã phải tính đến sử dụng dầu và than nhiều hơn cho sản xuất điện. Hiện nay, đơn vị đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng như các chủ đầu tư xây dựng các phương án cung cấp nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện để đảm bảo khả năng nguồn cung điện trong năm 2019 không bị thiếu hụt”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông, tổng lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than trong mọi kịch bản đều vượt 116 tỷ kWh, giá điện than chiếm tỷ trọng đáng kể trong sản xuất kinh doanh điện nên việc tăng giá bán than chắc chắn sẽ là áp lực lớn đối với chi phí sản xuất kinh doanh điện. Mặc dù có những căng thẳng về nguồn cung nhiên liệu cho nhiệt điện, thủy điện, song theo tính toán việc cung ứng điện trong năm 2019 có thể vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, tại một số thời điểm căng thẳng về nguồn nhiên liệu sẽ phải huy động thêm nguồn dầu, kéo theo chi phí tăng.
Liên quan đến một số nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động thời gian qua gây nên tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, hai nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3 khi đi vào hoạt động sẽ phải cần thêm một sản lượng than nhập khẩu lớn. Theo tính toán, năm 2019 sẽ phải nhập khẩu 10 triệu tấn than để phục vụ cho hai nhà máy này, còn lại là 8 triệu tấn than trong nước.
Đề cập vấn đề này, theo lãnh đạo EVN, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị bán và mua than phục vụ cho nhiệt điện cần phải ký hợp đồng dài hạn, ở đây đơn vị bán than chủ yếu là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc nên EVN cũng đang thực hiện đàm phán. Trên cơ sở đó xây dựng các phương án mua than trong nước cũng như nhập khẩu than để đảm bảo đủ nguồn cung nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện đi vào sản xuất ổn định.
“Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo nguồn cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt, kể cả trong trường hợp phải huy động thêm nguồn dầu” – ông Đinh Quang Tri nhấn mạnh.
Với những khó khăn trong nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện, nhiều câu hỏi đặt ra liệu giá điện có tăng trong thời gian tới?. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo Quyết định 24 của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ ban hành kế hoạch cung ứng điện trong năm 2019.
Dựa trên kế hoạch đó, sẽ có văn bản chỉ đạo EVN xây dựng phương án điều hành giá điện trong năm tới. Nếu tính toán chi phí tăng 3 - 5%, EVN sẽ được quyền quyết định giá; từ 5 - 10%, Bộ Công thương sẽ thẩm định và báo cáo Ban điều hành giá của Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ quyết định thời điểm tăng.
Theo ông Tuấn, khi xây dựng các phương án giá điện, Bộ Công Thương đều giao cho ngành điện tiến hành kiểm tra, đánh giá những tác động ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống nhân dân, sản xuất của doanh nghiệp cũng như những tác động đến các chỉ số CPI, GDP.
“Chúng tôi phối hợp với Tổng Cục Thống kê tiến hành kiểm tra, đánh giá việc tăng giá điện tác động tới tất cả mọi đối tượng, đặc biệt là các hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như: doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép…”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho biết thêm, thời điểm tăng giá không sớm hơn 6 tháng so với lần tăng giá gần nhất (lần tăng giá điện gần đây nhất là tháng 12/2017).
“Thời gian tới, sau khi xây dựng kế hoạch, báo cáo đánh giá, rà soát kiểm tra…, chúng tôi sẽ cân nhắc để chọn thời điểm tăng giá thích hợp”, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay.
Advertisement
Advertisement