22/06/2017 06:33
An toàn thực phẩm: đừng biến cảnh giác thành nỗi sợ
Cách nay hơn 3 năm, một nhà báo than thở với tôi, thực phẩm bẩn bây giờ tràn lan trong nước, đến nỗi mua thứ gì để ăn, mà mua ở siêu thị hẳn hòi, cũng thấy sợ. Nhìn đâu cũng ám ảnh thực phẩm bẩn…
Tôi trả lời, hơn 50% là do nhà báo các bạn đã biến cảnh giác thành nỗi hoảng sợ bằng ngôn ngữ báo chí.
Bây giờ nếu được trả lời lại câu hỏi đó, tôi sẽ nâng con số 50 thành 70%. Sao vậy? Khi giữ mục An toàn thực phẩm cho tờTGTT, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ độc giả, nhiều đường link bài báo mà họ gửi đến. Tôi hiểu vì sao họ hoang mang. Chính tôi đọc mà còn phát hoảng, huống gì độc giả.
Hôm nay là Ngày Nhà báo Việt Nam, xin phép tâm tình với các bạn nhà báo viết về an toàn thực phẩm một chút.
Viết về an toàn thực phẩm là viết về khoa học, không phải viết về phóng sự xã hội, chính trị, hay kinh tế, lại càng không phải là câu chuyện văn học để có thể có nhiều đáp số. Không chỉ là đến hiện trường để mô tả sự rùng rợn của một cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, sau đó lắp ghép vài ý kiến của nhà khoa học là xong bài báo. Ý kiến của chuyên gia mà không đặt đúng bối cảnh sẽ trở nên lạc lõng, chung chung, chẳng có giá trị gì cả. Giá trị nếu có, chỉ (vô tình) hỗ trợ cho thiên kiến của người viết. Người đọc dĩ nhiên sợ. Có ý kiến của chuyên gia mà không sợ sao được.
Một nhà báo hỏi tôi, nhiều cơ sở ngâm bắp chuối với thuốc tẩy trắng, có tác hại không? Câu hỏi đơn giản như vậy, nhưng tôi chịu (thua), không trả lời được. Nhà báo này dẫn cho tôi đường link đến một bài báo khác có tựa “Bắp chuối xắt trắng tươi nhờ…thuốc tẩy”.
Thuốc tẩy gì mới được? Trong công nghệ chế biến thực phẩm, thuốc tẩy trắng được sử dụng là chuyện thường. Nếu là sodium hydrogen sulfite (khá phổ biến), thì chất này được phép dùng trong thực phẩm. Còn dùng có quá liều lượng cho phép hay không, phải mang phân tích mới biết được. Vội vàng phang ngay một tựa đề “nhờ…thuốc tẩy” thiệt hết sức bất công với một cơ sở sản xuất nhỏ. Người đọc chỉ cần nghe đến thuốc tẩy là phát rét lên rồi.
Còn nữa, một bác sĩ ung thư thì khám và điều trị ung thư rất tuyệt. Chúng ta tin tưởng vào chuyên môn của họ. Nhưng bác sĩ ung thư mà nói về thực phẩm gây ung thư thì hơi lạng quạng, vì hai lĩnh vực này khác nhau xa. Họ chỉ có thể khuyên bệnh nhân ăn uống điều hòa, lành mạnh, nay thứ này mai thứ khác, hoặc có thể phải kiêng vài loại thực phẩm để hỗ trợ cho việc điều trị. Nhà báo, nếu có định kiến với thực phẩm nào đó, tìm cách “cài độ” một bác sĩ ung thư (vô tình) nói lướt qua thực phẩm đó cho mục đích viết bài. Thế là xong, hoàn thành xuất sắc.
Các tờ báo nước ngoài đều có phóng viên chuyên viết về lĩnh khoa học. Họ có bằng cử nhân khoa học, và sau đó qua đào tạo nghiệp vụ báo chí. Dù không chuyên sâu về thực phẩm hay y học, nhưng họ có thể hiểu được vấn đề, và biết cách viết một cách chừng mực, chứ không thổi tưng lên thành cơn bão kinh hoàng, vớichất ướp xáchaythuốc tẩy rửa cực độc,…
Ở Việt Nam, đa số phóng viên về khoa học lại tốt nghiệp ngành Ngữ văn, hay từ Học viện Báo chí tuyên truyền. Trả lời phỏng vấn họ đôi khi tôi cũng…ngại. Ngại vì e mình bị họ tuyên truyền ngược.
Không phải các bài báo về an toàn thực phẩm cứ viết bằng tiếng Anh, nhất là báo mạng, đều có giá trị đâu. Đa số là báo lá cải, nhiều lắm. Họ cũng viết vô tội vạ, viết về khoa học thực phẩm theo kiểu ngồi lê đôi mách. Báo chí trong nước tóm lấy, dịch tóm dịch lướt, xem như là chân lý, cần phải cảnh báo ngay, rồi giựt tít câu view.
Ngay cả những nghiên cứu về khoa học mới công bố, cũng chưa chắc đã đúng. Chẳng hạn cách nay vài năm, Đại học Uppsala (Thụy Điển) công bố nghiên cứu về uống sữa làm gia tăng rủi ro bệnh tim mạch và ung thư. Tây hoảng mà ta cũng hoảng. Nhưng nghiên cứu này đã được giới khoa học thừa nhận đâu. Nghiên cứu về an toàn thực phẩm thì kết quả đá ngược nhau là chuyện thường. Có cả ngàn nghiên cứu về đậu nành, tốt xấu loạn cả lên… Nhưng không phải nghiên cứu nào cũng có giá trị như nhau. Khác biệt chủ yếu là phương pháp nghiên cứu. Giới khoa học chỉ xem xét những nghiên cứu được xem là tin cậy và sau đó mới đưa ra nhận định chung.
Hay mới đây, một tờ báo trong nước, đưa phát biểu của một quan chức Y tế tỉnh Quảng Trị về vụ cá nhiễm phenol mà tỉnh này tịch thu 30 tấn. Vị này cho rằng phenol là chất tẩy rửa cực độc,cấm không được cótrong thực phẩm.
Quan chức này đã nhầm giữa “cấm không được có” và “cấm dùng”. Phenol không có trong danh mục phụ gia được phép dùng trong thực phẩm, nghĩa là cấm dùng. Mà phenol cũng chẳng có công dụng gì trong thực phẩm để phải xài. Phenol có trong thực phẩm là do môi trường ít nhiều bị ô nhiễm. Dấu hiệu ô nhiễm phenol cho thấy liên quan đến ô nhiễm nhiều thứ khác nữa, độc hơn nhiều, chứ không phải bản thân phenol.
Trên thế giới, không có quy định giới hạn về phenol trong cá nói riêng, và thủy sản nói chung, kể cả trong thực phẩm khác nữa vì dư lượng nhỏ quá, không đủ gây hại cho người. Sự cố chấp về khoa học của vị quan chức này được tờ báo nói trênhoan hôvềtinh thần quả cảm.
Tôi chỉ nhặt ra vài thí dụ như thế. Còn nhiều , nhiều lắm. Gieo ấn tượng, uống nước đun lại bị ung thư, khó gột rửa trong đầu người đọc lắm.
An toàn thực phẩm trong nước đúng là có vấn đề, nhưng đang từng bước được cải thiện. Chậm, rất chậm một cách sốt ruột là đằng khác. Một số tổ chức xã hội và những người có thiện chí cũng tham gia vào việc cải thiện này. Nhưng không phải vì vậy mà báo chí nhập nhằng giữa cảnh giác và gây hoảng sợ.
Tôi trách phóng viên viết bài thì ít, nhưng trách chủ bút cho đăng những bài như thế thì nhiều.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp