16/08/2017 09:48
Ấn Độ sợ bị 'cắt cổ gà'
Nếu chiếm được cao nguyên Doklam, Trung Quốc có thể cô lập miền Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 15-8 gửi đi thông điệp cứng rắn đến nước láng giềng Trung Quốc giữa lúc binh sĩ 2 bên đang đối đầu tại cao nguyên Doklam.
Không bên nào xuống thang
Phát biểu nhân dịp 70 năm quốc khánh, ông Modi nhấn mạnh khả năng bảo vệ lãnh thổ của Ấn Độ. "An ninh là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Dù trên biển hoặc tại biên giới, trên mạng hoặc không gian, Ấn Độ có năng lực ở mọi mặt trận và chúng ta đủ sức đánh bại bất kỳ ai tìm cách chống lại đất nước chúng ta" - nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định trước hàng ngàn người có mặt ở Pháo đài Đỏ tại thủ đô New Delhi.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại cao nguyên Doklam bước sang tháng thứ hai trong ngày 16-8. Hàng trăm binh sĩ của 2 nước được cho là đang đối đầu tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.
Trung Quốc liên tục cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng hoặc thậm chí là xung đột quân sự nếu Ấn Độ không rút quân trước. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley vào tuần rồi tuyên bố quân đội Ấn sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức nhằm vào an ninh nước này.
Khủng hoảng nổ ra vào giữa tháng 6 khi Bắc Kinh bị phát hiện tìm cách xây dựng một con đường tại Doklam - được cả Trung Quốc và Bhutan tuyên bố chủ quyền. Là nước ủng hộ Bhutan, Ấn Độ đưa quân đến để ngăn chặn, dẫn đến phản ứng giận dữ của Bắc Kinh.
Theo đài NDTV, Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ băng qua biên giới tại bang Sikkim hôm 16-6 và ngăn quân đội nước này xây đường. Bắc Kinh cũng cho rằng New Delhi không liên quan đến vụ tranh cãi và phải đơn phương rút quân nếu muốn đối thoại diễn ra.
Nơi Bắc Kinh "thèm muốn"
Dĩ nhiên là động thái trên của Ấn Độ không chỉ nhằm ủng hộ đồng minh Bhutan, nước cũng phản đối hành động của Trung Quốc. Nỗi lo lớn hơn chính là an ninh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng nếu New Delhi để Bắc Kinh xây dựng con đường nằm gần biên giới của cả 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.
Theo tạp chí The Diplomat, Trung Quốc và Bhutan hiện có 3 khu vực tranh chấp: 2 thung lũng Jakarlung, Pasamlung và cao nguyên Doklam. Trong số này, cao nguyên Doklam, có diện tích 269 km2 và nằm ở phía Đông Bhutan, là nơi Trung Quốc "thèm muốn" hơn cả.
Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh Mặt đất của Ấn Độ (CLAWS) đánh giá: "Cao nguyên Doklamnằm ngay phía Đông khu vực phòng thủ của Ấn Độ ở Sikkim. Chiếm được Doklam, Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế trước hệ thống phòng thủ của Ấn Độ. Khu vực này không chỉ có tầm nhìn kiểm soát xuống thung lũng Chumbi mà còn quan sát được Hành lang Silguri ở phía Đông".
Hành lang Silguri (được một số nhà phân tích gọi là "Cổ gà") là một dải đất hẹp nối các bang Đông Bắc với phần còn lại của Ấn Độ. Theo trang Bloomberg, gần như mọi tuyến đường giao thông, thương mại và quân sự kết nối các tỉnh Đông Bắc với phần còn lại của Ấn Độ đều đi qua dải đất hẹp này.
Nếu Trung Quốc chiếm được cao nguyên Doklam thì trong trường hợp 2 nước trở nên thù địch, Bắc Kinh có thể "cắt đứt" khả năng tiếp cận hơn 40 triệu dân ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ theo đường bộ.
Tóm lại, Ấn Độ phản ứng mạnh là điều dễ hiểu vì không muốn bị Trung Quốc"cắt cổ gà". Ngoài ra, giới phân tích Ấn Độ còn lo ngại Bắc Kinh muốn tìm cách thiết lập sự hiện diện tại Doklam hòng chiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán sau này.
Mở rộng ra, cuộc đối đầu tại Doklam là vấn đề mới nhất trong số một loạt rắc rối khiến quan hệ 2 nước đông dân nhất thế giới căng thẳng. Trong những năm qua, Trung Quốc tích cực "ve vãn" những quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, như Nepal, Sri Lanka, Myanmar và cả Bhutan.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh không khỏi thất vọng khi thấy New Delhi từ chối tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" do Trung Quốc khởi xướng nhằm kết nối các nền kinh tế tại châu Á, châu Âu, Trung Đông và hơn thế nữa thông qua các tuyến đường sắt, đường bộ và cảng biển. Trung Quốc còn phàn nàn chuyện Ấn Độ từng cho phép lãnh đạo tinh thần củaPhật giáo Tây Tạngtị nạn năm 1959, cũng như không hài lòng khi thấy New Delhi mở rộng quan hệ quân sự với Washington và Tokyo.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp