22/06/2017 06:00
Ám ảnh giao thông khu Đông: Gấp rút mở đường riêng cho container vào cảng Cát Lái (Bài cuối)
Trước thực trạng ùn tắc, tai nạn giao thông chết người thảm khốc ở các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái, và khu Đông TP.HCM trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã hiến kế một số giải pháp cấp bách để giải quyết những vấn đề này.
Kết nối đường sắt riêng cho cảng
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, việc bùng nổ bất động sản khu Đông sẽ kéo theo hệ lụy là hạ tầng bị quá tải. Hiệp hội đã lường trước được điều này. Vì vậy, trước Tết 2017, HoREA đã có văn bản kiến nghị, và cư dân ở khu Đông đã được di chuyển vào làn đường hỗn hợp trên đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây.
Tuy nhiên, về lâu dài đây là việc hết sức nan giải và cần nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể giải quyết được. Ông Châu nói theo nguyên tắc, quy hoạch cảng biển phải kết nối được với đường bộ và đường sắt. Trước kia, quy hoạch cảng Cát Lái có một con đường kết nối với đường sắt vào ga Sóng Thần, nhưng sau đó lại bỏ đi. Do đó, HoREA mong muốn quy hoạch sẽ được thực hiện để giảm tải cho đường bộ.
Theo ông Châu, giải pháp thứ hai là mở rộng đường Vành đai 2. Khi đó, xe container sẽ không còn chạy qua đường Đồng Văn Cống. Khi dòng xe container bị tách ra chạy trên con đường riêng, thì đường đi về nhà của cư dân ở khu Đông sẽ an toàn hơn.
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia ngành giao thông vận tải, đánh giá hiện nay các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái quá tải, với lượng xe dày đặc, trung bình từ 15.000 – 25.000 xe /1 ngày. Theo Tiến sỹ Phạm Sanh, vòng xoay Mỹ Thủy dù đang được mở rộng, nhưng có thể đường vào cảng vẫn kẹt cứng.
“Đây là cảng lớn nhất cả nước, đứng hạng thứ 25 thế giới mà lại không có đường sắt ra vào, còn nếu không có đường sắt thì phải có đường riêng cho container để lưu thông” – Tiến sỹ Sanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS Phạm Sanh cũng cảnh báo, với tình hình giao thông như hiện nay thì trong thời gian tới không những khu vực các tuyến đường ra vào cảng, mà cả khu vực hầm Thủ Thiêm cũng sẽ rơi vào cảnh ùn tắc trầm trọng.
“Nên yêu cầu doanh nghiệp làm hạ tầng trước khi làm dự án”
Chuyên gia kinh tế cấp cao Lê Bá Chí Nhân thì cho rằng, trong những năm qua khu Đông là điểm nóng của TP.HCM về bất động sản. Đã có hàng trăm dự án chung cư, nhà phố, biệt thự tập trung về đây.
Lý do là khu Đông có vị trí thuận tiện để kết nối với các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Cụ thể, từ đây cư dân có thể đi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây để ra Vũng Tàu, Phan Thiết… Hoặc từ khu Đông băng qua cầu Phú Mỹ, là vào được Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu Nam Sài Gòn.
Ông Nhân đánh giá: Việc hạ tầng ở khu Đông quá tải, cư dân gửi đơn kêu cứu khắp nơi, là thể hiện sự yếu kém của cơ quan chức năng trong việc quản lý. Cụ thể là trách nhiệm của đơn vị cấp phép dự án và quy hoạch hạ tầng. Hiện tại, chúng ta chỉ kiểm soát qua từng dự án chứ không thể bao quát hết cả khu Đông. Chẳng hạn, cơ quan chức năng chỉ biết công ty A có 5 dự án ở khu Đông, và chỉ biết đã được cấp phép bao nhiêu dự án, nó đã thực hiện đến đâu. Còn cục diện toàn khu Đông hay cả TP.HCM thì chúng ta chưa có cái nhìn tổng thể.
“Nguyên tắc là doanh nghiệp được làm những gì pháp luật ko cấm. Nhưng nếu không được khuyến cáo, thì đến khi hình thành, mật độ dự án sẽ quá dày và nằm san sát nhau. Chắc chắn trong 4-5 năm tới, giao thông khu Đông sẽ rất khó khăn trong việc di chuyển” – ông Nhân nói.
Ông Nhân gợi ý giải pháp: “Muốn cải thiện tình hình, chúng ta cần phải làm chặt chẽ khâu cấp phép dự án, và hạ tầng phải đi trước một bước. Hiện tại, TP.HCM đang đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng cho khu Đông, nhưng đây vẫn không phải là giải pháp lâu dài. Cái chúng ta cần là nên giao cho công ty bất động sản có dự án ở nơi đó làm hợp đồng BT. Nghĩa là buộc doanh nghiệp phải làm hạ tầng trước khi làm dự án. Đổi lại công ty bất động sản sẽ được TP.HCM cấp cho khu đất khác có giá trị tương đương”.
Được biết, tại TP.HCM trước nay cũng đã có một số doanh nghiệp thực hiện dự án theo hình thức BT. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực để xây dựng hạ tầng theo hình thức này, vì vậy đòi hỏi các ngành chức năng phải lựa chọn kỹ nhà đầu tư để duyệt dự án, đồng thờiquy hoạch dự án, hạ tầng một cách tổng thể và có chiến lược.
Hàng loạt dự án nghìn tỷ “giải cứu” giao thông khu Đông
Nhìn nhận rõ thực trạng giao thông, nên hiện UBND TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải cùng các ngành chức năng đang gấp rút thực hiện hàng loạt dự án mở rộng, xây dựng mới cầu đường để giải bài toán giao thông ở khu Đông, và khu vực cảng Cát Lái.
Trong đó có rất nhiều dự án có quy mô lớn, như đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng nút giao An Phú có hầm chui 2 chiều.
Tháng 4/2017, khởi công xây dựng đường song hành với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng cho triển khai dự án xây dựng tuyến Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, và đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng. Hai dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 7.056 tỷ đồng.
Dự án gần 500 tỷ đồng xây dựng cầu qua đảo Kim Cương đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ, hình thành một hướng lưu thông mới cho các loại xe qua hướng Mai Chí Thọ, kết nối Đường vành đai 2; góp phần giảm ùn tắc trên đường Đồng Văn Cống và khu vực quanh cảng Cát Lái.
Ngoài ra còn có hàng loạt dự án giao thông khác đang xin chủ trương, hoặc đã triển khai.B.M
Advertisement