16/03/2021 12:08
Alibaba bị ép rút vốn khỏi tờ báo South China Morning Post
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn Alibaba thoái vốn khỏi các tài sản truyền thông, bao gồm tờ báo tiếng Anh 117 năm tuổi South China Morning Post (SCMP - Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) tại Hồng Kông.
Bloomberg trích dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, trong một số cuộc họp năm ngoái, quan chức chính quyền Bắc Kinh bày tỏ thái độ không hài lòng về việc nắm giữ phương tiện truyền thông của Alibaba, đặc biệt lo ngại về tầm ảnh hưởng của tập đoàn trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, cũng như vai trò đằng sau vụ bê bối liên quan đến một trong những giám đốc điều hành của công ty này.
Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba,từ cuối năm ngoái, ông bắt đầu đối mặt với áp lực lớn từ chính phủ Trung Quốc sau bài phát biểu chỉ trích các nhà lập pháp cản trở đổi mới tại một hội thảo vào tháng 10.
Đầu tháng 11/2020, thương vụ niêm yết cổ phiếu của Ant Group - công ty tài chính liên kết của Alibaba - bị đình chỉ. Tiếp đến, Alibaba bị điều tra chống độc quyền.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Alibaba có thể bị phạt gần 1 tỷ USD với cáo buộc độc quyền.
Bên cạnh đó, Ant Group có thể cũng sẽ phải tách các mảng kinh doanh không thuộc lĩnh vực thanh toán cốt lõi.
Đó chính là nguyên nhân chính phủ Trung Quốc yêu cầu Alibaba rút vốn khỏi một số tài sản truyền thông.
Tỷ phú Jack Ma và Alibaba đã lặng lẽ xây dựng một danh mục tài sản truyền thông phong phú trong nhiều năm, bao gồm các cửa hàng trực tuyến kiểu BuzzFeed, báo chí, các công ty sản xuất truyền hình, truyền thông xã hội và tài sản quảng cáo.
Alibaba sở hữu 30% cổ phần tại Weibo - nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, nắm một số cổ phần tại Twitter, mua lại SCMP vào năm 2016. Đây là tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở Hồng Kông, được thành lập năm 1903.
“Hãy yên tâm rằng cam kết của Alibaba đối với SCMP vẫn không thay đổi và tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh và mục tiêu kinh doanh của chúng tôi”, Gary Liu, giám đốc điều hành của công ty báo chí, nói với các nhân viên trong một bản ghi nhớ nội bộ được Bloomberg News ghi nhận.
Hồi tháng 2/2020, Bloomberg đưa tin chính quyền Bắc Kinh bắt đầu lo ngại Alibaba có thể tận dụng sức mạnh truyền thông để thao túng dư luận sau scandal ngoại tình của Jiang Fan (Tưởng Phàm), khi đó là lãnh đạo trẻ nhất của công ty thương mại điện tử này.
Các bài đăng về sự việc đột nhiên biến mất trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả Weibo, khiến giới chức vô cùng phẫn nộ.
Ở Trung Quốc, Jack Ma được tôn kính là một trong những doanh nhân thành công nhất trong nước. Tuy nhiên, quan hệ giữa tỷ phú này và chính quyền Bắc Kinh đã khác.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp