13/01/2020 06:38
7 nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát 2019
CPI bình quân năm 2019 tăng do biến động giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng giá điện, giá dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế.
Theo thống kê của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 là 2,01%, trong khi lạm phát tổng thể ở mức 2,79% so với bình quân năm 2018, thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra. Đây cũng là tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và là năm thứ 5 xóa bỏ quy luật 2 năm cao 1 năm thấp.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý I và II/2019 chứng kiến sự gia tăng trong hai tháng đầu quý và giảm nhẹ trong tháng thứ ba. Đến quý III và IV/2019, CPI liên tục gia tăng. Đáng chú ý là CPI tháng 12/2019 tăng 1,4% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 12 trong 9 năm qua, chủ yếu do ảnh hưởng từ giá thịt lợn do thiếu hụt nguồn cung.
Trong năm 2019, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI bình quân tăng so với năm 2018. Dẫn đầu là nhóm Giáo dục (tăng 5,66%), tiếp theo là các nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 4,06%), Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 3,84%), Nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 3,03%)... Trong khi đó, Giao thông và Bưu chính viễn thông là hai nhóm có chỉ số giá bình quân giảm, với mức giảm lần lượt là 1,04% và 0,68% so với năm trước.
CPI bình quân năm 2019 gia tăng chủ yếu do các nguyên nhân sau: (i) biến động giá của nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thịt lợn; (ii) sự tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý, bao gồm giá điện, giá dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế.
Thứ nhất, CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,06% so với năm 2018, đóng góp 1,47 đpt vào lạm phát tổng thể. Trong đó, Thực phẩm là nhóm có mức tăng cao nhất (5,08%), đóng góp 1,15% vào lạm phát tổng thể. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Tiếp theo là nhóm Ăn uống ngoài gia đình với mức tăng 3,34% do ảnh hưởng tăng giá của nhóm Thực phẩm cùng với xu hướng tăng trong nhu cầu ăn uống, du lịch và lễ hội của người dân, đóng góp 0,3 đpt vào lạm phát tổng thể. Nhóm Lương thực chỉ tăng 0,46%, tác động không đáng kể đến CPI chung (0,02%).
Thứ hai, trong các mặt hàng thuộc nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đáng chú ý nhất là biến động của giá thịt lợn với mức tăng bình quân là 11,79%. Ở nửa đầu năm 2019, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước với nhiều diễn biến phức tạp, cầu thịt lợn sụt giảm do tâm lý e ngại dịch bệnh, cung tăng đột biến do người chăn nuôi chạy dịch khiến giá thịt lợn liên tục giảm mạnh kể từ tháng 3/2019.
Giá lợn hơi giảm từ trung bình 50 nghìn đồng/kg hồi đầu năm xuống mức đáy là 33 nghìn đồng/kg vào cuối tháng 6/2019. Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2019, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, giá thịt lợn phục hồi, sau đó liên tục tăng mạnh. Giá lợn hơi tháng 12/2019 vào khoảng 85 nghìn đồng/kg, tức là cao gấp 2,5 lần so với lúc thấp điểm của tháng 6/2019.
Diễn biến tăng giá chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng ổn định trở lại trong khi nguồn cung trở nên khan hiếm. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018, trong đó nguyên nhân trực tiếp là do khoảng 6 triệu con lợn bị tiêu huỷ vì dịch bệnh (chiếm 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước) và nguyên nhân gián tiếp là do các hộ chăn nuôi vẫn do dự chưa tái đàn.
Mặt khác, tình trạng đầu cơ và khuynh hướng xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi - cũng là những lý do đẩy giá thịt lợn tăng cao.
Thứ ba, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng sau hơn 2 năm giữ ổn định. Cụ thể, theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương, kể từ ngày 20/3/2019, mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.864,44 đồng/kWh, tăng 143,79 đồng/kWh so với trước.
Việc điều chỉnh này khiến chỉ số giá điện sinh hoạt năm 2019 tăng 8,38% so với cùng kỳ năm 2018. Tác động trực tiếp của việc tăng giá điện khiến lạm phát tổng thể tăng thêm 0,2%. Ngoài ra, giá điện còn gián tiếp ảnh hưởng đến giá các mặt hàng khác, do chi phí đối với các ngành sản xuất sử dụng điện làm yếu tố đầu vào tăng, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm đầu ra.
Thứ tư, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường. Các địa phương đồng loạt thực hiện tăng học phí năm học 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,11% so với năm 2018, tác động làm CPI tăng 0,32%.
Ngoài ra, giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng từ tháng 4/2019 làm chỉ số giá nhóm văn phòng phẩm tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2018. Sự gia tăng của học phí và giá sách giáo khoa là nhân tố chính khiến CPI của nhóm Giáo dục năm 2019 tăng 5,65%, đóng góp 0,34 đpt vào lạm phát tổng thể.
Thứ năm, sau nhiều lần trì hoãn tăng giá trong năm 2018, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh 2 lần trong năm 2019. Cụ thể, quy định điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến bệnh viện được ban hành vào tháng 1/2019 (căn cứ thông tư số 37 và 39/2018/TT-BYT) và tháng 8/2019 (căn cứ thông tư số 13 và 14/2019/TT-BYT).
So với đợt điều chỉnh lần 1, đợt điều chỉnh lần 2 không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh, mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ (từ 1,39 triệu đồng sang 1,49 triệu đồng). Kết quả là CPI của nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,84%, trong đó giá dịch vụ y tế tăng 4,65%, đóng góp 0,19% vào lạm phát tổng thể.
Thứ sáu, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI năm 2019, các yếu tố chính góp phần kiềm chế CPI bao gồm: (i) sự giảm giá xăng dầu; (ii) Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ kiên đinh với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Thứ bảy, diễn biến giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng bởi biến động giá nhiên liệu trên thị trường thế giới. Ngoại trừ hai tháng đầu năm chứng kiến điểm khác biệt giữa diễn biến tăng mạnh của giá nhiên liệu thế giới với sự bình ổn của giá trong nước, biến động giá xăng dầu trong nước và thế giới khá tương đồng ở các tháng còn lại trong năm.
Giá dầu bình quân năm 2019 trên thị trường thế giới giảm 10% so với năm 2018, khiến giá xăng dầu trong nước thay đổi theo. Giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 đợt điều chỉnh trong năm, bao gồm 9 đợt tăng, 11 đợt giảm và 4 lần giữ ổn định.
Giá xăng dầu ở thời điểm cuối năm tuy tăng 6,99% so với đầu năm, nhưng bình quân cả năm so với cùng kỳ năm 2018 lại giảm 3,13%. Điều này khiến Giao thông là nhóm có tác động đáng kể trong việc kìm hãm sự gia tăng của CPI. Tính bình quân 12 tháng so với cùng kỳ năm trước, CPI nhóm này giảm 1,04%, làm CPI chung giảm 0,15%.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp