27/11/2018 05:02
7 dấu hiệu cho thấy một người có thể trở thành CEO
Qua phân tích lãnh đạo của các công ty hàng đầu hiện nay cho thấy, có 7 dấu hiệu chứng tỏ bạn có thể trở thành CEO.
Không phải ai cũng hội đủ điều kiện để đạt đến đỉnh cao. Để lên các bậc thang vị trí lãnh đạo của công ty, quá trình tương tự leo núi Everest. Khó khăn, gian khổ và rất tốn thời gian. Hơn nữa, nếu không cẩn thận, bạn có thể "chết". Đương nhiên, không ai chết vì leo lên những nấc thang lãnh đạo của công ty.
1. Có phải bạn là người học hỏi cả đời?
Nhiều giám đốc điều hành nhận ra rằng, con đường học ở trường có thể kết thúc, nhưng việc học không bao giờ có điểm dừng. Thực tế là tỷ phú Bill Gates, một trong những người bận rộn nhất thế giới, vẫn dành ra thời gian để đọc 50 cuốn sách mỗi năm. Nghĩa là ông đọc gần 1 cuốn sách/tuần.
“Tôi thường tham quan những nơi thú vị, gặp gỡ các nhà khoa học và xem rất nhiều bài giảng trực tuyến. Tuy nhiên, đọc sách vẫn là cách chính để tôi học những điều mới và kiểm tra sự hiểu biết của bản thân”, Bill Gates giải thích. Đây là một tiết lộ rất có giá trị. Bỡi lẽ nhà tỷ phú này có thể gặp gỡ bất kỳ giáo viên, chuyên gia nào, nhưng ông vẫn tin rằng sách là cách tốt nhất để học và vượt qua thử thách.
2. Bạn dám làm công việc ai cũng chê?
Khéo ăn nói và thiết lập các mối quan hệ là khả năng chỉ có thể giúp bạn vượt qua cửa trước. Nhưng công việc khó khăn mới chính là điều giúp bạn được giữ lại trong một công ty.
Bạn không hề cảm thấy "sĩ diện" khi nhận bất kỳ công việc nào mà người khác cho là thấp hèn, không tương xứng với đẳng cấp. Bạn không hề từ nan khi được giao những công việc mà người khác bỉu môi. Thật sự, những công việc như vậy mang đến cho bạn một tiếng nói riêng và cơ hội để chứng minh bản thân.
Bob Iger, lãnh đạo của đại gia trong lĩnh vực điện ảnh Disney là một ví dụ tuyệt vời. Ông đã làm việc tại Đài truyền hình ABC (Mỹ) suốt 15 năm trước khi được cất nhắc lên dẫn dắt ABC Entertainment. Iger trở thành là giám đốc điều hành của của Disney vào năm 2005. Thông qua việc hoàn thành công việc một cách chất lượng và nhất quán, Bob Iger đã có thể đạt được mọi thứ.
3. Bạn thỉnh thoảng bị quên?
Hầu hết mọi người đều phải đấu tranh với sự ám ảnh khi bị chỉ trích. Các nhà lãnh đạo thành công đều có xu hướng chọn lọc tất cả những điều tốt đẹp. Đồng thời, tập trung xử lý những điều xấu. Mặt khác, các CEO vĩ đại đều biết cách nắm lấy những lời chỉ trích để qua đó cải thiện chính mình. Họ coi trọng sự chỉ trích, nhưng không bao giờ quá bận tâm để có thể tiếp tục dấn thân.
4. Bạn không có kế hoạch 10 năm
Bạn nghĩ mình sẽ đạt được gì sau 10 năm? Đó là câu hỏi ám ảnh mọi người khi nghĩ về giai đoạn tuổi già và khiến ai cũng phải phân vân, tự tìm câu trả lời thông qua kế hoạch dài hạn.
Nhưng câu hỏi này cũng khiến bạn bị trói vào một cái khuôn, mà khi thoát ra thì đã muộn. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong 10 năm nữa. Càng buộc mình vào một kế hoạch cứng nhắc, bạn càng ít được gặp những cơ hội tốt - cơ hội có thể thúc đẩy sự nghiệp tiến nhanh hơn.
Hầu hết mọi người thường dành quá nhiều thời gian "chuẩn bị" thay vì "hành động". Các nhà lãnh đạo vĩ đại hiểu rằng, đôi khi họ phải bắt đầu công việc hơn là lãng phí thời gian quá mức cần thiết cho việc tìm hiểu.
5. Bạn hướng về phía trước vì sợ lạc hậu
Những thăng trầm của sự nghiệp giống như đi tàu lượn. Sự đời khó đoán, cho nên người lãnh đạo tài ba đều chuẩn bị sẵn tâm thế để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn một cách nhẹ nhàng. Bởi lẽ, những thay đổi bất ngờ của thị trường có thể làm hỏng sự nghiệp của bạn nếu không thích ứng kịp thời.
Khi bạn phải đối mặt với khủng hoảng, bạn có tìm thấy cơ hội hay cảm giác sợ hãi? Thomas Edison thất bại không biết bao nhiêu lần trước khi phát minh ra bóng đèn dây tóc. Biết học hỏi từ thất bại đã khiến Edison trở thành một trong những nhà phát minh thành công nhất trong lịch sử. Những ai học cách biến những thất bại thành tiến bộ là người luôn vươn tới và được xếp ở trên cùng.
6. Bạn trao quyền cho người khác để tạo ra sự thay đổi thực sự
Nhiều nhà lãnh đạo thường hứa hẹn tạo cơ hội cho cấp dưới để tạo ra một tác động, nhưng thực sự họ chỉ "ôm" một mình vì thiếu lòng tin. Họ áp đặt nhân viên đến từng chi tiết nhỏ nhặt, cho đến khi đưa ra quyết định duy nhất.
Các CEO vĩ đại không chỉ biết cách chọn các thành viên để tạo ra nhóm tài năng, mà còn trao quyền rộng hơn cho nhân viên, để họ tự do sáng tạo. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất đều biết khi nào đứng ngoài theo dõi và chỉ can thiệp khi cần thiết.
7. Bạn luôn luôn quan tâm đến người khác
Phẩm chất cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các CEO biết cách thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết của mọi người mà không thiêu cháy họ.
Các CEO không nói suông về "cân bằng giữa cuộc sống và công việc", mà còn thực hiện những gì mình nói. Họ biết cách chăm sóc bản thân và những người xung quanh. Nhà quản lý có tầm biết rằng nhóm của họ có thể sản xuất với năng suất cao hơn trong dài hạn, nếu họ được nghỉ ngơi trong thời gian ngắn. Họ biết tránh những trường hợp nhạy cảm, khi trao đổi công việc vào đêm khuya, các cuộc gọi vào buổi sáng sớm và khi nhân viên đang trên đường di chuyển.
Qua 7 phẩm chất nêu trên, bạn phát hiện ra mình có những phẩm chất nào? Nếu có càng nhiều, bạn càng có nhiều khả năng sẽ trở thành một CEO tài ba. Nếu thiếu hoặc chưa có 7 phẩm chất đó, bạn hãy bắt đầu để tạo ra những bước đi vững chắc trong sự nghiệp của mình.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp