29/12/2019 11:30
7 cảm xúc mãnh liệt ở Hong Kong trong năm 2019
Một năm biểu tình và bạo lực ở Hong Kong khiến mọi người, từ người quan sát tới người tham gia, choáng váng.
Châm ngòi cho khủng hoảng này là chính trị- nhưng cảm xúc khiến nó bùng lên. Phóng viên BBC Grace Tsoi đã chọn 7 cảm xúc để miêu tả một năm biểu tình bất ổn chính trị ở Hong Kong.
Giận dữ
Khi Fiona gặp chồng mình ở trường, cô biết rằng cô sẽ kết hôn với anh ấy một ngày nào đó. Bây giờ, ở độ tuổi cuối 30, họ là hình ảnh của một gia đình hạnh phúc với hai đứa con. Nhưng năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Cô ấy là người biểu tình. Anh ấy là cảnh sát. Fiona nói: “Tôi nói với anh ấy rằng tôi cảm thấy bớt yêu anh ấy”. Họ không tranh luận về chính trị khi họ hẹn hò- chẳng có nhiều điều về chính trị để bàn lúc đó.
Chỉ tới khi phong trào Dù vàng diễn ra năm 2014- đòi hỏi những thay đổi trong hệ thống bầu cử của Hong Kong thì các khác biệt về chính trị mới hé lộ. Cô bỏ nhà tới các địa điểm biểu tình một tháng sau khi sinh con trai, nhưng cảm thấy bị tổn thương bởi sự thờ ơ của chồng. Bất chấp điều này, cô tin rằng tình yêu có thể hàn gắn sự khác biệt.
Nhưng điều đó không thể xảy ra và thời điểm quyết định đối với cô- và đối với nhiều người khác ở Hong Kong- xảy ra vào ngày 21/7. Đêm đó biểu tình bùng nổ khắp thành phố. Nhưng khi mọi người bắt đầu ra về vào đêm muộn, một yếu tố nữa đã bước vào cuộc xung đột. Ở quận ngoại thành Yuen Long, một nhóm đàn ông ủng hộ chính phủ mặc áo phông trắng, có tin đồn là họ có quan hệ với băng đảng tội phạm có tổ chức, trong tay cầm roi và gậy gộc, đứng đợi sẵn ở bến tàu. Họ bắt đầu tấn công những người họ mà cho là người biểu tình.
Sự giận giữ quét qua Hong Kong và sáng hôm sau, có những cáo buộc rằng cảnh sát đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Sự phủ nhận của cảnh sát không đủ để giúp Yuen Long tránh khỏi việc bị sử dụng như một chứng cứ rằng cảnh sát đã không ở đó vì người dân mà vì các lãnh đạo của họ. Cuộc biểu tình vào cuối tuần kế tiếp là một trong những cuộc bạo lực nhất cho đến thời điểm đó. Sự giận dữ của Fiona lớn dần khi cảnh sát trở nên nặng tay hơn. Cô và chồng bắt đầu cãi cọ về sự tàn bạo của cảnh sát.
Sợ hãi
Trong sáu tháng qua, Celine, một người biểu tình ở độ tuổi 20, đã tham gia hầu hết mọi cuộc tuần hành hoặc biểu tình- và chiến đấu hết mình. Cô nói: “Lần nào tôi cũng thấy kinh hoàng. Nhưng lần sau tôi vẫn làm như vậy”. Nỗi sợ hãi của những người ở tiền tuyến như cô bị lấn át bởi nỗi sợ hãi về những gì có thể xảy ra nếu cô không hành động.
Cô sợ cách Trung Quốc can thiệp vào chính trị của Hong Kong như năm người bán sách có nội dung “không phù hợp” về các lãnh đạo Trung Quốc bị cho vào tù ở Đại lục, Trung Quốc diễn dịch hiến pháp nhỏ của Hong Kong theo cách khiến một số nhà lập pháp dân chủ có thể bị loại. Cô tự hỏi nếu bây giờ họ có thể làm điều này thì chuyện gì sẽ xảy ra khi bản hiến pháp đó hết hạn vào năm 2047?
Đây là một nỗi sợ hãi được cả một thế hệ chia sẻ. Khi đó, cô sẽ ở độ tuổi 50. Thế hệ của cô sẽ là cha mẹ. Điều gì sẽ xảy ra với con cái của họ?
Yêu thương
Tâm trí ông Tsang trở nên trống rỗng khi ông nhận được một cuộc gọi vào một buổi tối tháng 10 mưa phùn, rằng con gái ông đã bị bắt trong một cuộc biểu tình. Ông Tsang lúc đó đang làm nhân viên bảo vệ trực ca đêm, nhưng ông đã nhảy lên xe buýt và đến đồn cảnh sát, người ướt sũng. Đến sau nửa đêm, ông Tsang cuối cùng cũng nhìn thấy con gái, Alice, 16 tuổi, được cảnh sát dẫn ra với hai tay bị còng. Ông Tsang nói: “Chúng tôi đã không cần phải nói gì cả. Chúng tôi hiểu nhau”.
Alice bị buộc tội bạo loạn, một hành vi phạm tội có thể khiến bị tù 10 năm. Cô là một trong số khoảng 1.000 người biểu tình vị thành niên bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 6. Trong mắt ông Tsang, Alice chỉ là một thiếu nữ bình thường, thích trang điểm và mua sắm. Ông luôn biết con gái là một người biểu tình: “Tôi không thể nhốt con bé ở nhà. Không cha mẹ nào nên làm vậy”.
Tuy nhiên, ông cũng chứng kiến một sự thay đổi tích cực của con gái nhờ các cuộc biểu tình. Cô trở nên tự tin hơn và kết bạn nhiều hơn. Đối với một cô gái bị trầm cảm và lo lắng, điều đó có nghĩa rất nhiều. Cô là một ví dụ sống động về một nền văn hóa đoàn kết của giới trẻ là hiện thân của những cuộc biểu tình này. Họ cảm thấy thế hệ cũ không bảo vệ được tương lai của họ, vì vậy việc này là do họ quyết định- họ không có lựa chọn nào khác.
Ông vẫn để con tham gia biểu tình, nhưng chỉ những cuộc được cảnh sát chấp thuận- ông không muốn đè bẹp lý tưởng của con.
Buồn bã
Năm 2013, Lily Wong trở thành góa phụ. Chồng cô qua đời vì một cơn đau tim, để lại cho cô hai đứa con trai nhỏ. Ba năm trước, cô mở một cửa hàng đồ ăn nhẹ vì cô không muốn hưởng phúc lợi xã hội nữa. Công việc kinh doanh của cô Wong trở nên phát đạt. Những khách hàng quen đến từ các quận khác nhau để nếm thử món cơm cuộn thủ công và đồ uống thảo dược của cô.
Gần đây, cô nghĩ rằng mình có thể tiết kiệm đủ để trả một khoản thế chấp. Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi cô đăng một bức ảnh lên Facebook cho thấy cô tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát. Cô Wong nói ủng hộ cảnh sát vì nhiệm vụ của họ là duy trì luật pháp và trật tự. Cô nói:“Tôi không hối hận khi đăng bức ảnh vì tôi chỉ bày tỏ ý kiến cá nhân của mình”.
Các phản ứng dữ dội ngay lập tức đổ về. Thanh niên ngừng đến cửa hàng của cô và cửa hàng này đã trở thành mục tiêu của các khiếu nại về sức khỏe và an toàn. Các ứng dụng ở Hong Kong hiện nay xác định các cửa hàng “màu xanh” là ủng hộ cảnh sát, hoặc “màu vàng” là ủng hộ người biểu tình. Trong một cuộc thanh kiểm tra như vậy, cô đã vỡ òa trong nước mắt: “Tôi giúp đỡ gia đình và tôi muốn họ có cuộc sống ổn định. Nhưng tôi cảm thấy như mình bị đẩy vào vách đá”.
Cô đơn
Ước mơ từ nhỏ của Derek là trở thành cảnh sát. Các cảnh sát luôn trông rất cương quyết trong các bộ phim và anh thực sự tin rằng mình có thể giúp đỡ mọi người. Nhưng giờ anh muốn nghỉ việc. Sự vâng lời là phẩm chất được đánh giá cao nhất đối với các sĩ quan cảnh sát, như Derek đã biết từ ngày đầu tiên- có rất ít chỗ cho bất đồng chính kiến.
Trong nhiều tháng, khi bạo lực hoành hành ở Hong Kong, các cảnh sát đã đeo mặt nạ và không đeo thẻ tên. Cảnh sát nói rằng mặt nạ là để bảo vệ, nhưng những người biểu tình nói rằng cảnh sát đang cố gắng che giấu danh tính để trốn tránh trách nhiệm.
Derek nói: “Khi tôi làm nhiệm vụ, tôi không giấu mặt và số hiệu cảnh sát của mình. Đây là một nguyên tắc tôi luôn tuân thủ. Nhưng điều này ảnh hưởng tới anh khi một sĩ quan cao cấp đặt câu hỏi về động cơ của anh”.
Tuy nhiên, Derek cảm thấy không có lời bào chữa nào cho hành vi ngang ngược của các sĩ quan cảnh sát mà camera ghi lại được, cảnh họ đánh đập hoặc nổ súng vào người biểu tình: Anh nói: “Các cảnh sát ở tiền tuyến không có sự kiềm chế và sử dụng vũ lực quá mức”. Anh không tán thành lòng trung thành tuyệt đối trong lực lượng cảnh sát- nhưng anh cũng nghĩ rằng điều tương tự đang xảy ra giữa những người biểu tình.
Anh không chấp nhận bất kỳ cuộc tấn công nào vào những người có quan điểm chính trị khác nhau: “Tôi đã hỏi những người bạn ủng hộ biểu tình của tôi rằng liệu họ có tránh xa việc này không- tất cả họ đều nói không”. Vì vậy, anh không biết mình đang đứng ở đâu tại một Hong Kong mới này.
Quyết tâm
Hong Kong đang sống một cuộc sống hai mặt. Biểu tình vào cuối tuần, kinh doanh như thường lệ vào các ngày trong tuần. Nhưng Hong Kong đã bước vào thời kỳ suy thoái đầu tiên sau một thập kỷ, với số lượng khách du lịch giảm mạnh hơn 40%.
Ông Chan, người bán hàng rong trong hơn bốn thập kỷ, biết rằng thời điểm khó khăn đã đến. Trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, ông kiếm được hơn 1.000 đôla Hong Kong (khoảng 130 USD) mỗi ngày. Tình trạng của ông là bằng chứng cho câu chuyện về suy giảm kinh tế sẽ gây phẫn nộ cho người Hong Kong- nó vẫn chưa xảy ra.
Nhưng các cửa hàng đang đóng cửa và mọi người đang cảm thấy nỗi đau tài chính. Dù vậy, người đàn ông 67 tuổi này vẫn không hề bối rối, mặc dù quận Cửu Long đã trở thành một chiến trường. Là người gốc Quảng Châu, ông Chan là nhân chứng của Cách mạng Văn hóa- ông từng thấy một người nông dân bị đánh đến chết.
Ông đã "bơi" đến Hong Kong vào năm 1973. Ông Chan không đổ lỗi cho người biểu tình vì những mất mát của mình: “Tương lai thuộc về giới trẻ, và họ đang đấu tranh cho những thứ họ muốn. Chúng tôi đã tận hưởng thời gian thịnh vượng nhất và chúng tôi cần chấp nhận khi mọi thứ xuống dốc. Đơn giản vậy thôi”.
Phấn khích
James đang là học sinh khi Phong trào Dù vàng nổ ra năm 2014. Nhưng những người biểu tình đã thua cuộc. Vào đêm cuối cùng trước khi khu vực biểu tình được dọn dẹp, ai đó đã treo một biểu ngữ với dòng chữ: “Đó chỉ là khởi đầu”.
James nói: “Mọi người nói chúng tôi sẽ trở lại. Ban đầu, tôi không lạc quan lắm. Tôi nghĩ sẽ mất ít nhất 10 năm nữa. Tôi không biết nó sẽ xảy ra quá nhanh”. James rất kinh ngạc khi một triệu người xuống đường vào ngày 9/6. Nhưng anh đặc biệt xúc động trước một cuộc tuần hành vào tháng 7 được tổ chức bởi những người cao tuổi, những người tự gọi mình là “người tóc bạc”.
Anh đã không biết rằng sẽ có rất nhiều người già ủng hộ các cuộc biểu tình. Nhìn thấy những người biểu tình lớn tuổi là một khoảnh khắc phấn khích với anh, một cầu nối giữa các thế hệ.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp