23/12/2023 18:14
6 tỷ phú USD của Việt Nam mất hơn 138.000 tỷ đồng trong năm 2023
6 tỷ phú Việt Nam năm 2023 được Forbes công bố gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Tổng cộng, 6 tỷ phú USD của Việt Nam đang sở hữu khối tài sản trị giá 12,6 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD sau 1 năm. Quy đổi theo tỷ giá USD, tài sản của 6 tỷ phú này trong năm 2023 đã "bốc hơn" hơn 138.000 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất nhiều nhất với 1,9 tỷ USD, tương đương hơn 46.000 tỷ đồng, ông Trần Bá Dương giảm ít nhất với 100 triệu USD, tương đương 2.400 tỷ đồng.
Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup
Đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup. Theo thống kê mới nhất của Forbes tính đến ngày 23/12/2023, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,3 tỉ USD, giảm 30,6% so với năm ngoái, đứng thứ 636 trên thế giới. Năm ngoái, ông Vượng kết thúc năm với giá trị tài sản ròng ở mức 6,2 tỷ USD. Đây là lần thứ 11 ông Vượng góp mặt vào danh sách này.
Vào ngày 16/8/2023, cổ phiếu VFS của Vinfast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq. Màn chào sân rực rỡ trên đất Mỹ đã đem về cho vị tỷ phú này thêm 39 tỷ USD. Ngay trong ngày, ông được tạp chí Forbes xếp hạng trong Top 30 tỷ phú giàu nhất thế giới và Top đầu châu Á. Tuy nhiên, sau đó Forbes đã thay đổi cách tính giá trị của Vinfast khiến thứ hạng của ông Vượng bị đánh tụt.
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội. Ông là Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất của Việt Nam. Ông Vượng cũng là người giàu nhất Việt Nam và vị tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tập đoàn Vingroup có khoảng 91 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch, giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại điện tử, sản xuất ô tô và xe máy điện. Một số công ty con nổi bật của Vingroup là VinFast, VinTech, VinHomes, VinPearl, VinMec, VinSchool, VinID, VinCommerce.
Thông tin từ Vingroup cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 134.207 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vingroup đạt 1.556 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch cả năm.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vingroup đạt 625.387 tỷ đồng, tăng nhẹ so với ngày 30/6/2023.
Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch VietJet Air
Theo thống kê mới nhất từ Forbes, năm 2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD, giảm 29% so với mức 3,1 tỷ USD của năm 2022, đứng thứ 1.368 thế giới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch HĐQT của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico. Bà là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân duy nhất của Đông Nam Á.
Bà Thảo tốt nghiệp tiến sĩ ngành điều khiển học kinh tế, Học viện Mendeleev, cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Matxcova và là cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế Quốc dân Matxcova, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên Bang Nga.
Vietjet Air là một hãng hàng không tư nhân của Việt Nam, thành lập vào năm 2007 và có chuyến bay đầu tiên vào năm 2011. Vietjet Air là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và có chứng nhận an toàn khai thác (IOSA). Vietjet Air cung cấp các chuyến bay nội địa và quốc tế với giá rẻ và nhiều tiện ích.
Vietjet ghi nhận doanh thu 13.548 tỷ đồng (riêng lẻ) và 14.235 tỉ đồng (hợp nhất) trong quý 3/2023, tăng 32% và 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất đạt lần lượt 579 tỉ và 55 tỉ đồng, tăng 175% và 30% so với quý 3/2022.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của hãng đạt hơn 76.500 tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,5 lần và chỉ số thanh khoản 1,4 lần, nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.
Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
Tỷ phú thép Trần Đình Long sở hữu tài sản trị giá 1,8 tỷ USD, giảm gần 44% so với 3,2 tỷ USD của năm 2022, đứng thứ 1.647 thế giới. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - nhà sản xuất và phân phối thép lớn nhất Việt Nam.
Năm 2020, ông là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng. Năm 2018, ông được Forbes xếp vào danh sách tỷ phú thế giới với tài sản 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hai năm sau đó, ông bị loại khỏi danh sách này vì tài sản dưới mức 1 tỷ USD. Năm 2021, ông quay lại bảng xếp hạng tỷ phú với giá trị tài sản 2,8 tỷ USD.
Ông cũng là doanh nhân thứ 2 sở hữu máy bay riêng (tại Việt Nam trước đây có 3 doanh nhân sở hữu máy bay riêng là ông Trần Đình Long, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC).
Bên cạnh việc nhạy bén với thị trường, "cha đẻ" của Hòa Phát còn được biết đến là người có những chiến lược kinh doanh thận trọng, có tầm nhìn xa trông rộng. Hòa Phát là một tập đoàn tư nhân tại Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như máy xây dựng, nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp.
Gác lại những khó khăn chung của nền kinh tế, so với các doanh nghiệp thép khác thì Hòa Phát vẫn chiếm ngôi vị số một về doanh thu cũng như lợi nhuận, xứng danh "ông vua ngành thép" Việt Nam.
Quý 3/2023, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.000 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ 2022 và 38% so với quý trước. Lũy kế 9 tháng 2023, Hòa Phát đạt doanh thu 85.430 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 3.830 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 48% kế hoạch năm.
Tổng tài sản của Hòa Phát đạt 176.294 tỷ đồng tăng 3,5% so với đầu năm, tính đến hết quý 2. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng đạt mức 97.860 tỷ đồng tăng 1,8% so với đầu năm.
Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, hiện sở hữu khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 34,7% so với năm 2022 (2,3 tỷ USD), đứng thứ 1.905 thế giới. Ông Hồ Hùng Anh liên tục có mặt trong danh sách các tỉ phú thế giới do Forbes thống kê từ năm 2019 tới nay.
Ông Hồ Hùng Anh là một doanh nhân, tỷ phú USD người Việt Nam, sinh năm 1970 tại Hà Nội. Ông là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Techcombank từ năm 2008 và là lãnh đạo quan trọng của Tập đoàn Masan trong 21 năm từ năm 1997 đến năm 2018.
Ở cương vị dẫn dắt Techcombank, ông Hùng Anh đã hoạch định chiến lược đưa nhà băng này trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu, hiện đứng thứ hai trong hệ thống về lợi nhuận, chỉ xếp sau Vietcombank.
Ngoài những đóng góp cho Techcombank, ông Hồ Hùng Anh còn được biết đến là người xây dựng đế chế Masan cùng với ông Nguyễn Đăng Quang. Ông từng nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc của Masan và là Phó chủ tịch HĐQT công ty. Đến năm 2018, ông từ chức Phó chủ tịch HĐQT do quy định riêng của ngành ngân hàng.
Về kết quả kinh doanh, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 ở mức 5.843 tỷ đồng, tăng 3,4% so với quý 2/2023 dù giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 17.115 tỷ đồng, thấp hơn 17,8% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản của Techcombank đạt 781.300 tỷ đồng tại ngày 30/9/2023, tăng 11,8% so với đầu năm.
Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương được đưa vào danh sách tỷ phú từ năm 2018 với khối tài sản 1,8 tỷ USD. Hiện nay, ông sở hữu khoảng 1,5 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 1,6 tỷ USD của năm 2022, đứng thứ 1.905 thế giới.
Ông Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại Huế và lớn lên ở Đà Lạt. Ông là người sáng lập và Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Trường Hải (Thaco), một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Hiện tại, ô tô là ngành nghề kinh doanh chủ lực của tập đoàn tư nhân này trong suốt hơn hai thập niên với việc lắp ráp, nhập khẩu, phân phối và dịch vụ sửa chữa cho nhiều thương hiệu như KIA, Mazda, Peugeot, BMW, Foton, Mitsubishi Fuso. Trường Hải cũng sản xuất, lắp ráp xe buýt và xe tải thương hiệu Thaco với tỉ lệ nội địa hóa 35–45% đối với xe tải và 60% với xe buýt.
Tại Thaco, gia đình ông Trần Bá Dương sở hữu cổ phần trực tiếp và gián tiếp thông qua công ty Trần Oanh với tỉ lệ hơn 60%. 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của Thaco đạt 1.076 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm 2022.
Vốn chủ sở hữu của Thaco tăng nhẹ, lên 50.095 tỷ đồng, qua đó giúp chỉ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,17 xuống còn 0,16.
Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan
Chủ tịch Masan hiện được Forbes xếp hạng 2.133 thế giới với với khối tài sản 1,3 tỷ USD, giảm 31,5% so với mức 1,9 tỷ USD của năm 2022. Ông vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2019 với giá trị tài sản 1,3 tỷ USD. Năm 2020, ông bị loại khỏi dach sách vì tài sản không đủ 1 tỷ USD, nhưng quay lại vào năm 2021.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963. Ông là nhà sáng lập, chủ tịch của Tập đoàn Masan, đồng thời còn là Phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng Techcombank.
Dưới sự dẫn dắt của ông, Masan Group đã nổi lên như một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đạt được những bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực như thực phẩm, năng lượng và tài chính.
Thành công của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trong kinh doanh thực sự đáng chú ý nếu xét đến nền tảng học vấn của ông về vật lý hạt nhân. Đáng chú ý, ông đã dấn thân vào ngành hàng tiêu dùng Việt Nam bằng việc sản xuất mì ăn liền và tương ớt tại Nga.
Hiện Masan và Winmart+ là chuỗi bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán, chiếm 25% thị phần tại kênh bán lẻ hiện đại với hơn 3.000 cửa hàng. Hành trình từ bán mì ăn liền trở thành một ông lớn trong ngành bán lẻ thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và những quyết định chiến lược của ông Nguyễn Đăng Quang.
Theo báo cáo tài chính, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Masan đạt 57.470 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế 1.353 tỉ đồng. Tính đến nửa đầu 2023, tổng tài sản của Masan đạt xấp xỉ hơn 140.858 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 37.524 tỷ đồng.
Năm 2023, thế giới có 2.640 tỷ phú, ít hơn 28 người so với năm ngoái. Hàng loạt biến động trong năm qua khiến nửa số tỷ phú trong danh sách bị giảm tài sản. Tổng cộng, họ sở hữu 12.200 tỷ USD, giảm 500 tỷ USD so với năm ngoái.
Người giàu nhất hành tinh hiện nay là Chủ tịch kiêm CEO LVMH - Bernard Arnault với 211 tỷ USD. Theo sau là CEO Tesla Elon Musk với 180 tỷ USD, ông chủ Amazon Jeff Bezos (114 tỷ USD) và Chủ tịch hãng phần mềm Oracle Larry Ellison (107 tỷ USD).
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement