25/12/2020 22:18
5 năm tới, TP.HCM cần bao nhiêu tiền để xây dựng TP. Thủ Đức?
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa gửi UBND TP tờ trình Đề án Hình thành và phát triển Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035.
Nội dung chính của đề án bao gồm 10 chương với đầy đủ nội dung về vị trí, quy mô dân số, phạm vi, ranh giới; Phân tích hiện trạng đô thị; Mục tiêu phát triển; Yêu cầu về định hướng phát triển; Chiến lược thực hiện; Các giai đoạn phát triển; Nhu cầu vốn và Tổ chức, kế hoạch hành động.
Theo đó, TP.Thủ Đức sẽ hình thành và phát triển hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và là đô thị loại 1 trực thuộc TP.HCM. TP đặt mục tiêu phát triển sáng tạo, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đổi mới quản trị nhà nước theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm hành chính, TP.Thủ Đức sẽ hình thành được nguồn lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển với môi trường thiên nhiên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất bố trí việc xây dựng, phát triển thành phố mới phía Đông thành 3 giai đoạn: Khởi tạo (2020 - 2022); Triển khai (2023 - 2030) và giai đoạn Hoàn thiện (2030 - 2040).
Trong đó, mục đích chính trong giai đoạn 1 là lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 Nhà (Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà giáo dục); Đầu tư các ngành kinh tế ưu tiên, hoàn thiện cơ chế - tổ chức chính sách phát triển cho từng khu vực, triển khai kết nối đối ngoại từ giao thông các trục chính của khu vực. Diện tích phát triển trong giai đoạn này là 100 ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu Công nghệ cao, Khu Thủ Thiêm, Khu Đại học quốc gia.
Thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế TPHCM theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ...Ảnh: Độc Lập |
Trong giai đoạn Triển khai, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển diện tích 500 ha, thu hút 80.000 dân cư. Diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 150 ha, 50.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên. Nhiệm vụ trong giai đoạn này là nhà nước triển khai thực hiện các dự án đầu tư - giao thông - hạ tầng - hạ tầng số, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu triển khai đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, tạo hiệu ứng xã hội, quốc tế về triển khai chiến lược thông qua diễn đàn trao đổi, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế.
Ở giai đoạn cuối - Hoàn thiện, chiến lược đầu tư sẽ được mở rộng đối với tất cả các nhóm ngành kinh tế, đẩy mạnh phát triển đối với nhóm ngành ưu tiên (đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2), xây dựng chính sách lan tỏa phát triển toàn khu vực phía Đông và vùng phụ cận trên địa bàn thành phố.
Đây cũng là giai đoạn được xác định cần chiến lược đầu tư toàn diện trên địa bàn TP.HCM, xây dựng TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, triển khai kết nối các trung tâm kinh tế trên cả nước và quốc tế. Sau giai đoạn này, TP.Thủ Đức sẽ đạt diện tích phát triển 1.800 ha, thu hút 200.000 dân cư. Diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 350 ha, tạo ra 150.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên.
Để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển trên, trong giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu vốn trong khu vực nhà nước (bao gồm vốn ngân sách và vốn nhà nước đi vay hoặc phát hành trái phiếu) ước tính khoảng hơn 41.660 tỉ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.
Các nhu cầu về vốn trong giai đoạn tiếp theo sẽ được nghiên cứu, tính toán theo từng thời điểm để phù hợp với các kết quả đạt được trong giai đoạn 2020 - 2025 cũng như mục tiêu đặt ra trong các giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, trong phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021, UBND TP chỉ rõ: việc sáp nhập 3 quận ở phía đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có gồm: Khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (CNC, sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thành lập một “đặc khu” cho TP.HCM rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế VN hiện nay. TP.HCM là đô thị lớn và quan trọng nhất cả nước, nhưng đang gặp phải nhiều vấn đề. Muốn có những thử nghiệm cải cách sẽ rất khó và rủi ro. Thành lập một TP mới như Thủ Đức sẽ giải quyết hết các vấn đề hiện hữu, tạo ra cơ chế đặc biệt, vượt trội giúp TP.HCM nói riêng, cũng như VN nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.
Tuy nhiên, để thành công, cần một cơ chế đặc thù, đột phá dành cho TP.Thủ Đức. Đơn cử, có thể ưu tiên cho đô thị này giữ lại nguồn thu ở mức tỷ lệ tối đa, thậm chí giữ lại toàn bộ nguồn thu trong 10 - 20 năm đầu để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây được gọi là vốn mồi để Thủ Đức phát triển, thu hút nguồn lực từ xã hội và khuyến khích đầu tư từ nước ngoài.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement