07/07/2017 04:25
4.000 điểm 10 và 200.000 cử nhân thất nghiệp
Thứ mà phụ huynh cần là những thành quả từ thực tế, chứ không phải uổng công nuôi con ăn học rồi nhìn chúng khởi nghiệp bằng Grab, Uber hay “ xuất khẩu lao động”. 4000 hay 400.000 điểm 10 cũng sẽ trôi tuột khi con em họ lại tiếp tục gia nhập đội ngũ cử nhân thất nghiệp vốn đã quá nhiều.
“Cơn mưa” điểm 10 vừa trút xuống với con số hơn 4000 sau khi kết quả kỳ thi THPT 2017 được công bố, cao gấp hơn 50 lần so với năm 2016. Nếu cộng vài chục năm gần đây lại vẫn thua số lượng khổng lồ trên. Một bước tiến vượt bậc của giáo dục nước nhà hay lại thêm một “ phép thắng lợi tinh thần”?
Trong khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng hiện tượng đột biến trên không ngạc nhiên thì ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội nói đây là kết quả của việc thay đổi môn thi, đề thi, hình thức thi chứ không phải chất lượng giáo dục được nâng cao.
Theo ông Đạt thì “Chính điểm" đẹp không tì vết "đã phản ánh chất lượng ảo của giáo dục. Giáo dục là cả một quá trình chứ không thể có chuyện hôm trước em mới học tính cộng, hôm sau đã giải tích phân. Giả sử có bước tiến đáng kinh ngạc như vậy, chúng ta chỉ có thể hiểu là có trò ảo thuật hay làm xiếc. Một vận động viên chưa đạt thành tích SEA Games thì làm sao có huy chương vàng Olympic ngay”.
Có thể thầy Đạt hơi thẳng thắn khi Thứ trưởng bảo đó là những học sinh rất giỏi, các em chỉ làm mỗi câu hỏi trong hơn một phút. Thêm nữa, đề thi đã được chuẩn hóa, rút ra từ ngân hàng câu hỏi ngẫu nhiên nên phản ánh đúng năng lực học sinh. Điều này cho thấy việc thi bằng hình thức trắc nghiệm đã được phát huy tác dụng tốt.
Nếu điều đó là sự thật, rất đáng mừng cho giáo dục nước nhà. Nhưng “sau một đêm thức dậy bỗng sáng lòa”, nhất là đối với ngành luôn gieo nghi ngại với bệnh thành tích kinh niên như giáo dục thì cực khó để thuyết phục dư luận.
Con số 200.000 cử nhân thất nghiệp chưa thôi ám ảnh cho cả phụ huynh, HS-SV lẫn nhà quản lý. Đề án 1.300 tỷ để "xuất khẩu” cử nhân thất nghiệp chưa làm xong đã gây tranh cãi. Rồi tình trạng “phổ cập ĐH” càng làm cho lòng tin vào cải cách cùng chất lượng giáo dục ngày một suy giảm hơn.
Người dân và dư luận không cần nhiều điểm 10 để trang điểm cho bức tranh giáo dục vốn chưa sáng gì. Họ cũng chẳng ảo tưởng con cháu mình trong những nhà trường coi trọng điểm số hơn thực học. Điều mọi người trông chờ và xã hội đón đợi là sản phẩm của các hệ thống trường học sẽ ra sao và đáp ứng được gì cho nhu cầu của nền kinh tế hay cuộc sống sau này của các em.4.000 hay 400.000 điểm 10 cũng sẽ trôi tuột khi con em họ lại tiếp tục gia nhập đội ngũ cử nhân thất nghiệp vốn đã quá nhiều.
Chúng ta đã nhiều lần được trấn an hãy kiên nhẫn chờ đợi ngày hái quả ngọt sau hơn 30 năm cải cách giáo dục. Nhưng cho đến nay, khi mà tính nhẫn nại và lòng kiên trì đã gần cạn thứ nhận lại thường là trái đắng.
Nếu HS giỏi thật như Thứ trưởng công bố và điểm 10 là thành quả của ngành thì đó cũng chỉ là “phong độ nhất thời”. Còn đẳng cấp hay không vẫn phải nhìn vào sản phẩm mà giáo dục mang lại. Đừng bảo rằng cử nhân đòi hỏi cao, việc làm ngày càng khó khăn, dự báo kém, đào tạo không theo nhu cầu… mà nên thẳng thắn với nhau rằng điểm số, thành tích luôn tỷ lệ nghịch với chất lượng giảng dạy.
Một kỳ thi và 4.000 điểm 10 chưa thể là minh chứng cho thành công của đổi mới thi cử. 200.000 cử nhân cũng chẳng phải thất bại mãi mãi của ngành giáo dục. Nhưng để cho “cơn mưa” điểm 10 “tưới mát” cho “cánh đồng” giáo dục khô cằn hàng chục năm nay thì những trấn an “bình thường,không ngạc nhiên” của một vài quan chức đầu ngành chưa đủ.
Thứ mà phụ huynh cần lànhững thành quả từ thực tế, chứkhông phải uổng công nuôi con ăn học rồi nhìn chúng khởi nghiệp bằng Grab, Uber hay “xuất khẩu lao động”. Tôi tin sẽ chẳng ai muốn nhìn thấy những chủ nhân điểm 10 hôm nay vài năm nữa vẫn vất vưởng tìm việc như thường thấy. Nếu điều đó vẫn xảy ra 4.000 điểm 10 hôm nay gần như vô nghĩa…
Advertisement
Advertisement