01/04/2021 16:00
4 Bộ cùng lên tiếng cảnh báo chuyện sốt đất
Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng lên tiếng cảnh báo tình trạng sốt đất đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành từ đầu năm 2021.
Tiền đang chảy vào lĩnh vực rủi ro
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều qua, 31/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý, nguồn vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mà một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản.
“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản. Có nguyên nhân do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Tư lệnh Bộ Kế hoạch Đầu tư yêu cầu trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi diễn biến thị trường, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Bởi các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng diện tích đất lớn nhưng trên thực tế, nhiều dự án có diện tích sử dụng đất lớn được lập ra với mục đích chiếm dụng đất, trông chờ chênh lệch địa tô, bán lại dự án, không phải mục đích đầu tư phát triển...
Quản chặt tín dụng bất động sản
Cũng chiều 31/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, vấn đề bất động sản thời gian gần đây tương đối nóng. Tại nhiều địa phương, giá bất động sản có chiều hướng tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.
Để hạn chế rủi ro, Phó Thống đốc khẳng định ngành ngân hàng quản rất chặt chẽ, sát sao tín dụng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo ổn định, cũng như rủi ro trong lĩnh vực đầu tư quá lớn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản tăng khoảng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay (2,04%).
"Tuy nhiên, mức tăng 2,13% hiện nay không phải ở tất cả các tổ chức tín dụng, mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Cũng theo Phó Thống đốc, với các đối tượng đầu cơ bất động sản, hoặc đầu tư tại các dự án với khả năng thanh toán hoặc hiệu quả đầu tư không cao, ngân hàng luôn kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp hạn chế, đồng thời có chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức tín dụng.
Riêng những lĩnh vực tín dụng đầu tư để giúp cho thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản, như nhà cho người thu nhập thấp, mang tính chất thương mại phục vụ tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân, được giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm, triển khai.
Nhưng hiện nay cũng như sắp tới, trước tình hình bất động sản có dấu hiệu nóng, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng.
Giá đất đang bị đẩy lên cao để trục lợi
Hai ngày trước, Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng cho biết tại một số địa phương đã và đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin, đẩy giá lên cao để lợi dụng trục lợi.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Cùng với đó, địa phương phải công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ các dự án hạ tầng, các dự án bất động sản và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Có biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản tại địa phương.
Tiếp đó, Bộ Tài nguyên Môi trường đã phát công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất. Bộ này cảnh báo giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến, gây hiện tượng sốt ảo, làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.
Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị các tỉnh lưu ý tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu các tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt, các thông tin quy hoạch cần minh bạch, không để giới đầu cơ thổi giá, đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Một nội dung Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các địa phương là thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát giao dịch ảo, thổi giá... Quản lý chặt chẽ, đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, địa phương có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Sốt đất gây khó khăn cho phát triển nhà ở
Trước đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị một loạt giải pháp nhằm kiểm soát hiệu quả thị trường bất động sản và ngăn chặn tình trạng đầu cơ tạo “sốt đất ảo” để trục lợi.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường, nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu, nhất là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến, do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi lãi suất ngân hàng giảm sâu, nhà đầu tư đã đổ tiền vào đất.
Ông Đính cho rằng hệ quả của việc tăng giá đất nóng, sốt có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, gây khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đồng thời, cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở. Trong khi một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộ.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị chính quyền các địa phương quyết liệt để kiểm soát hoạt động sử dụng đất, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch,... đảm bảo đúng quy định pháp luât.
Kiến nghị gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với các hiện tượng sốt đất ảo. Đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn.
Hội này cũng kiến nghị ccác cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là việc tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp