05/01/2020 11:23
3 xu hướng gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu
Theo các chuyên gia các vấn đề như sự phát triển công nghệ, biến động nhân khẩu học và bùng nổ đô thị khiến kinh tế toàn cầu gặp rủi ro.
Hội nghị CEO toàn cầuthường niên lần thứ 19 của Forbes được tổ chức hồi tháng 10 tại Singapore có sự xuất hiện của một số nhân vật lớn: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, người sáng lập Alibaba Jack Ma và chủ tịch tạp chí Forbes Steve Forbes.
Chủ đề của hội nghị là “Vượt qua sự hỗn loạn”, đề cập một cách khéo léo đến việc nền kinh tế toàn cầu bị bao vây bởi khó khăn, vây hãm và các rủi ro không mong muốn. Dưới đây là ba xu hướng lớn dẫn tới sự hỗn loạn hiện nay:
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ
Singularity (điểm kỳ dị công nghệ) – là một giả thuyết về thời điểm những đổi mới công nghệ đã phát triển tới mức không thể đảo ngược và do đó làm thay đổi nền văn minh của con người – chưa đến gần. Robot sẽ không thể nhanh chóng chiếm lĩnh thế giới. Tuy nhiên công nghệ kỹ thuật số đang chạy đua về phía trước một cách điên cuồng.
Hãy nghĩ đến một máy ly tâm khổng lồ quay vòng nền kinh tế thế giới nhanh hơn bao giờ hết, phân loại các doanh nghiệp, ngành công nghiệp, sự nghiệp cá nhân, thành phố, quốc gia và quân đội. Những người có sự gắn kết với các nguồn lực kỹ thuật số đang tăng tốc – và qua mỗi năm lại trở nên thông minh hơn, nhanh hơn – sẽ chiếm cứ vị trí hàng đầu.
Biến động về nhân khẩu học
Lần cuối cùng nền kinh tế Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng 4% là vào năm 1999, khi độ tuổi trung vị của người Mỹ là 35. Tương tự như thế, Nhật Bản bắt đầu chậm lại sau năm 1990, khi độ tuổi trung vị của nước này vượt qua 35. Hiện nay, độ tuổi trung vị ở Nhật Bản là 47 và tốc độ tăng trưởng chậm hơn của nước này đang phản ánh điều đó.
Ở Trung Quốc, độ tuổi trung vị đạt đến con số 35 vào năm 2010 và tốc độ tăng trưởng hằng năm đã chậm lại 1/3. Tăng trưởng sẽ chậm hơn nữa, vì dân số của nước này đang già đi nhanh chóng. Đến năm 2030, độ tuổi trung vị ở Trung Quốc sẽ là 43 và đến năm 2040 là 47. Dân số già của Trung Quốc sẽ đi kèm với các chi phí lớn khác.
Nhà đầu tư người Mỹ Michael Milken dự đoán rằng đất nước Trung Quốc với nguồn lao động dồi dào sẽ có đến 150 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2050. Các quốc gia có độ tuổi trung vị từ 25 đến 35 có cơ hội phát triển mạnh mẽ nhất, với điều kiện là họ có hệ thống giáo dục theo chức năng và luật pháp để khuyến khích đầu tư và dịch chuyển xã hội. Với độ tuổi trung vị ở mốc hơn 20, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam có thể có tương lai tươi sáng hơn.
Bùng nổ đô thị
Khoảng 55% dân số toàn cầu hiện nay, tương đương bốn tỉ người, đang sinh sống ở khu vực thành thị, nơi được định nghĩa là một thành phố có vùng ngoại ô trên 500.000 dân. Đến năm 2050, dân số đô thị sẽ đạt sáu tỉ. Mặc dù tồn tại những thách thức lớn, nhưng cũng sẽ có rất nhiều cơ hội trong các ngành công nghiệp như thực phẩm, nước, nhà ở, giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục và chính sách.
Dự đoán: một số công ty hiện nay chưa là gì, sẽ trở nên lớn mạnh như Microsoft, được hưởng lợi từ sự bùng nổ đô thị này. Các xu hướng khác góp phần vào sự hỗn loạn toàn cầu: địa chính trị; sự đối đầu giữa hai phe theo chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa dân tộc thể hiện trong tiến trình Brexit và chiến tranh thương mại của Trump; biến đổi khí hậu; cuộc khủng hoảng tị nạn toàn cầu; và sự can thiệp của nước Nga. Nhưng không có xu hướng nào có thể dễ dàng dự đoán được như ba xu hướng lớn nói trên.
Trong bối cảnh hỗn loạn, tôi chọn Ấn Độ, Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Mặc dù độ tuổi trung vị của Hoa Kỳ sẽ vượt qua 40 trong tương lai gần (so với con số 38,6 hiện nay), hai nhóm chủ chốt là thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z – chiếm 44% dân số Hoa Kỳ – sắp tiến vào giai đoạn sản xuất chính. Đó là một dấu hiệu đầy triển vọng.
Advertisement