Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

10 sự kiện nổi bật ngành bất động sản năm 2017

Phân tích

28/12/2017 06:29

Năm 2017 là một năm khá sôi động của thị trường bất động sản, mời độc giả cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện nổi bật trong năm vừa qua.

1. Phê duyệt đề án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá, Quốc hội đã thông qua đề xuất xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây sẽ là một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất khu vực.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt đã làm bất động sản khu vực này lên cơn sốt.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt đã làm bất động sản khu vực này lên cơn sốt.

 Việc phê duyệt và lập đề án triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của khu vực này, mà còn khiến giá bất động sản tăng lên chóng mặt. Hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đổ về đây mua bán đất đã tạo nên một cơn sốt ảo khiến UBND tỉnh Đồng Nai phải tạm ngưng việc phân lô tách thửa để ổn định thị trường.

2. Dự án Metro lâm vào cảnh trì trệ

Với việc bị đội vốn lên thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, 2 dự án metro tại TP.HCM là tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương đều đang trong tình trạng vỡ kế hoạch vốn dù nằm trong danh mục dự án quan trọng mang tính quốc gia có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

Việc đội vốn lên hàng chục ngàn tỷ đồng đã khiến tuyến metro lâm vào cảnh trì trệ.
Việc đội vốn lên hàng chục ngàn tỷ đồng đã khiến tuyến metro lâm vào cảnh trì trệ.

 Theo tính toán, thời điểm khai thác của các tuyến metro TP.HCM sẽ bị trì hoãn thêm khoảng 6 năm nữa. Từ đó, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án căn hộ, officetel, văn phòng cho thuê... vốn đang ăn theo tuyến metro thời gian qua.

3. Bộ Xây dựng đề nghị TP.HCM cho xây dựng căn hộ dưới 45m2.

Sau khi UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng giữ nguyên quy định diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư là 45m2do lo ngại căn hộ nhỏ sẽ làm gia tăng dân số, tăng áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phá vỡ quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời. 

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả các dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 45m2. Có thể, Bộ Xây dựng đề xuất TP cho phép xây dựng một tỉ lệ nhất định (20%-25%) số căn hộ chung cư có diện tích nhỏ từ 25m2 - 45m2 đối với các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm. Đối với dự án ngoài khu vực trung tâm có thể áp dụng tỉ lệ căn hộ diện tích nhỏ cao hơn.

Động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45m2 phục vụ các đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình nhỏ... tại các khu đô thị lớn. Nhu cầu nhà ở của các đối tượng này rất cao nhưng thị trường hiện nay lại không đáp ứng đủ.

4. TP.HCM ban hành quyết định 60 về phân lô, tách thửa

Sau một thời gian chờ đợi, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa tại nhiều khu vực của TP.HCM.

Quyết định mới cũng đồng thời cho phép tách thửa đất nông nghiệp. Trong đó, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500 m2 đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000 m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

Sau khi ban hành, Quyết định 60 được kỳ vọng sẽ khai thông việc phân lô, tách thửa đất vốn bị ách tắc bấy lâu tại TPHCM.

5. Mua bán đất bằng giấy tay vẫn được cấp sổ đỏ

Nghị định 01 của Bộ Tài nguyên – Môi trường có hiệu lực từ ngày 3/3/2017 đã cho phép những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tay trong thời gian từ 1/7/2004 đến trước ngày 1/1/2008 được cấp sổ đỏ.

Nghị định này cũng cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp sổ đỏ trong trường hợp đăng ký biến động đất đai, cấp đổi, cấp lại giấy...

Theo ước tính với quy định mới này, TP.HCM sẽ giải quyết cấp sổ đỏ cho khoảng 70% số lượng chuyển nhượng bằng giấy tay, tức khoảng 26.000 trường hợp.

Để giải quyết dứt điểm các trường hợp còn lại, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM đã kiện nghị Bộ tiếp tục xem xét bổ sung thêm quy định cho phép giải quyết đối với các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tờ tay từ sau ngày 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực).

6. Dự án Thảo Điền Saphire bị xử phạt 1 tỷ đồng

Ngày 20/5/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần TDS, chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire với mức phạt “kỷ lục” 1 tỷ đồng.

Đây là mức phạt tiền cao nhất và cũng là mức phạt hành chính cao nhất trong hoạt động xây dựng từ trước đến nay tại TP.HCM.

Được coi là
Được coi là "án điểm" trong xử lý vi phạm xây dựng, dự án Thảo Điền Sapphire đã bị UBND TP.HCM xử phạt hành chính 1 tỷ đồng.

 Theo đó, dự án Thảo Điền Sapphire bị xử phạt vì vi phạm hàng loạt vi phạm trong giấy phép xây dựng được cấp như tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hoá… với tổng diện tích vi phạm gần 1.400m2.

Ngoài phạt tiền, chủ đầu tư Thảo Điền Sapphire còn bị buộc đình chỉ thi công toàn bộ công trình vi phạm, tháo dỡ phần thi công sai nội dung giấy phép xây dựng.

Trong một số cuộc họp, đại diện UBND TP.HCM cho biết, sẽ xử lý nghiêm chủ đầu tư Thảo Điền Sapphire, coi đây là án điểm để răn đe những trường hợp vi phạm khác. 

7. Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực

Kể từ ngày 15/8/2017, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực.

Khi ra đời, đây được xem là “cứu cánh” cho giới ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong việc tháo gỡ những vướng mắc để xử lý tài sản đảm bảo. Đồng thời, “mở cửa” để nhiều đối tượng doanh nghiệp, tổ chức có thể thực hiện hoạt động M&A, giúp các dự án bất động sản “chết lâm sàng” được khởi động lại, giảm tồn kho bất động sản trên thị trường.

Nghị quyết 42 có hiệu lực đã trở thành
Nghị quyết 42 có hiệu lực đã trở thành "cứu cánh" cho giới tài chính, ngân hàng trong việc xử lý các khoản nợ liên quan đến bất động sản.

Ngay sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hàng loạt dự án đã bị ngân hàng “siết nợ” và chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa ghi nhận bất cứ dự án nào được đấu giá thành công.

8. Giá nguyên vật liệu xây dựng đắt đỏ

Trong năm 2017, giá cát xây dựng bất ngờ tăng quá cao đã làm nhiều nhà thầu xây dựng lâm vào cảnh khó khăn, thi công cầm chừng vì chi phí bị đội lên.

Cụ thể, tại thị trường TP.HCM, giá cát đã tăng 50% - 200% so với thời điểm đầu năm, ở mức 600 ngàn đồng/m3.

Điều tra của Bộ Xây dựng cho thấy, từ 2016-2020, nhu cầu về cát cần xấp xỉ 2,3 tỉ m3. Dự báo đến năm 2020, với mức độ sử dụng cát sẽ đạt khoảng 130 triệu m3/năm. Điều này dẫn tới những lo ngại sẽ không còn đủ cát để xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả bất động sản, và người chịu thiệt cuối cùng sẽ là khách hàng.

9. Đơn giản hoá thủ tục hành chính

Trong năm 2017, Chính phủ đã thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Trong đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến 22 thủ tục hành chính trong 4 lĩnh vực. Xây dựng 11 thủ tục; Nhà ở 7 thủ tục; Kinh doanh bất động sản 3 thủ tục...

Trong lĩnh vực xây dựng, Chính phủ đã đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Cụ thể, bãi bỏ “bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp” trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo tại điều 12 Thông tư 15/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời bổ sung thông tin về số, ngày cấp, cơ quan cấp giấy phép xây dựng.

Với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã đơn giản hóa thủ tục cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Bãi bỏ các trường thông tin về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch đối với người Việt Nam, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của người đăng ký thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trong đơn đăng ký dự thi.

10. Hàng loạt cơ quan, Hiệp hội lên tiếng cảnh báo về hoạt động của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba

Ngày 14/11/2017, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP.HCM cùng các Sở, ngành của TP cảnh báo về việc công ty Alibaba tự nhận chủ đầu tư, rao bán đất nền tại dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi.

Lần đầu tiên, nhiều cơ quan, hiệp hội cùng lên tiếng cảnh báo về hoạt động của một doanh nghiệp bất động sản.
Lần đầu tiên, nhiều cơ quan, hiệp hội cùng lên tiếng cảnh báo về hoạt động của một doanh nghiệp bất động sản.

Ngay sau động thái của HoREA, nhiều Sở, ngành trong và ngoài TP cũng đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động của công ty này. Đồng thời, có những biện pháp để kiểm tra, xử phạt.

Với những hoạt động mập mờ của mình, công ty Alibaba đã bị Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Bộ Công an làm việc để củng cố hồ sơ xử lý. UBND TP.HCM cũng ban hành chỉ đạo, cấm công ty này tham gia các dự án thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Đây là lần đầu tiên, nhiều cơ quan, ban ngành trong và ngoài TP đã cùng nhau lên tiếng “cảnh báo” về hoạt động của một doanh nghiệp. Qua đó, góp phần làm trong sạch, minh bạch thị trường bất động sản, vốn có rất nhiều doanh nghiệp đang tìm cách mập mờ thông tin để lừa dối khách hàng. 

MINH NGHĨA
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement